Điều đọng lại sau môn thi Lịch sử

Nhiều người chia sẻ lo ngại với số lượng ít ỏi thí sinh đăng kí dự thi môn Sử so với các môn khác như năm nay, liệu chục năm sau nữa, thế hệ trẻ có còn biết tới lịch sử Việt Nam?

Thí sinh dự thi môn Lịch sử sáng 4-7 tại điểm thi trường ĐH Thủy lợi, Hà Nội. Ảnh: Phi Hùng

Cô N.H, phụ huynh thí sinh tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 cười tươi cho biết: “Con gái cô thi khối C với mong muốn trở thành giáo viên dạy Lịch sử vì đó là môn con bé yêu thích từ hồi... nhỏ xíu, nghe ông bà ngoại kể những câu chuyện gian khổ hy sinh anh dũng trong chiến tranh. Qua thông tin trên báo đài, cô biết là học sinh bây giờ không “mặn mà” gì với môn Sử, có lẽ do cách học quá khô khan, toàn đọc chép, chiếu chép ở trường”.

Một phụ huynh khác tại điểm thi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận xét: “Lịch sử là một môn học rất hay và cần thiết không chỉ cho học sinh mà cho mọi người dân trong một quốc gia. Phải biết về sử, hiểu về sử của đất nước mới càng ý thức sâu sắc về cội nguồn, càng yêu và tự hào về dân tộc. Cần phải tìm hiểu, phân thích kỹ nguyên nhân học sinh chán môn sử để tìm ra hướng khắc phục. Bên cạnh ý kiến đánh giá của các chuyên gia giáo dục, cần lắng nghe suy nghĩ của tụi nhỏ để nhìn nhận việc dạy và học Sử ở trường hiện nay như thế nào”.

Mục đích giảm bớt áp lực thi cử, thời gian, công sức của phụ huynh, thí sinh, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cải cách thi cử bằng một kỳ thi Quốc gia “2 trong 1”. Để xét tốt nghiệp THPT, ngoài ba môn Toán, Văn, Anh bắt buộc, thí sinh chọn lựa một trong năm môn Lý, Địa, Hóa, Sử, Sinh. Vì nằm trong phần tự chọn nên những môn dày đặc kiến thức phải ghi nhớ như Địa lý, Lịch sử ít được thí sinh quan tâm.

Điểm thi chỉ có một thí sinh hay nhiều điểm thi trên cả nước đóng cửa vì không có thí sinh dự thi môn Địa lý, Lịch sử là một thực trạng của kỳ thi Quốc gia năm nay.

Và với đà này, sợ rằng những năm sau số lượng thi sinh đăng ký và dự thi Sử, Địa càng giảm. Thế hệ trẻ rồi sẽ còn mấy ai hiểu sâu hiểu rộng về cội nguồn, lịch sử dựng nước của ông cha qua hàng ngàn năm?

Đề thi Lịch sử sáng nay được nhiều thí sinh đánh giá “nhiều câu hỏi mở đòi hỏi tư duy, hiểu sâu vấn đề”. Sau một bài thi, “em cảm thấy càng yêu quê hương đất nước, càng tự hào dân tộc qua câu 3 nói về Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta vào năm 1945” như lời một thí sinh đến từ Vũng Tàu chia sẻ là điều quý giá đọng lại và đáng được nhân rộng trong cảm nhận của nhiều người trẻ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm