Thi tốt nghiệp THPT: Sử, Địa sẽ ít điểm 9-10

Ngày thi thứ hai với hai môn thuộc khối xã hội, các thí sinh tận dụng thời gian đến tận phút chót để thực hiện bài thi của mình.

Môn Địa lý: Cập nhật “đánh bắt xa bờ”

Nhiều thí sinh khá tâm đắc khi vấn đề “an ninh quốc phòng”, “kinh tế biển” được đưa vào đề thi. Tuy nhiên, đa số các thí sinh đều cho rằng đề thi dài, các em khó phân bố thời gian để làm bài thi.

Thí sinh Nguyễn Thanh Ngọc (Hội đồng thi THPT Marie Curie, TP.HCM) nói: “Em học bài rất kỹ, cô giáo ôn tập kỹ và cho chúng em thực hành kỹ năng sử dụng Atlat địa lý rất nhiều lần nên em làm bài gần như trọn vẹn, chỉ “vướng” ở câu hỏi “Việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng”, em có thể bị mất điểm ở câu hỏi này. Điểm 6 là điểm mong đợi nhất với em”.

Em Trà My (THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) nói: “Em làm được khoảng 80% đề ra, câu một hơi khó, các câu sau cũng vừa tầm, chỉ cần sử dụng Atlat địa lý là có thể thực hiện bài dễ dàng”. Còn em Tuấn Anh thì chia sẻ: “Đề trung bình nhưng dài quá, nhiều bạn lúng túng nên chưa hoàn thành được các câu đưa ra, đặc biệt là câu về khí hậu miền Bắc”.

Thi tốt nghiệp THPT: Sử, Địa sẽ ít điểm 9-10 ảnh 1

Thí sinh vui vẻ sau ngày thi thứ hai. Ảnh: QV

Nhiều thí sinh tại Sóc Trăng cho biết: Trong thời gian học, thầy cô và các em chủ quan cho rằng môn này mấy năm liên tục có thi, năm nay chắc không thi nên lơ là. Đến khi biết có thi thì thời gian quá ngắn không kịp ôn hết các kiến thức của suốt năm học. Thậm chí nhiều em không biết sử dụng Atlat. Vì vậy, đề thi môn Địa lý đối với nhiều thí sinh là khó và dàn trải.

Cô Châu Thị Nguyệt, Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, nhận xét: Đề thi phù hợp với đa số học sinh nhưng rất khó để đạt điểm 10. Đề năm nay hay hơn năm trước, khai thác được khả năng suy luận của học sinh, có một số câu hỏi mang tính chất thời sự (ba câu liên quan đến biển Đông). Một số câu hỏi sử dụng Atlat, một số câu hỏi đòi hỏi phải biết phân tích và tổng hợp, phải biết chọn lựa nội dung thích hợp với câu hỏi của đề bài. Câu IV.b.2 là một câu tương đối khó đối với học sinh. Câu này đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học mới có thể trả lời đầy đủ các ý của câu này”.

Môn Lịch sử: Nhiều thí sinh cắn bút

Tại Hội đồng thi THCS Tân Bình, TP.HCM, cha của thí sinh Phan Thị Thu Nguyệt cho biết: Lịch sử là môn mà phụ huynh lo lắng nhất. Ngày nào anh cũng khảo bài con, sợ con lộn ngày, tháng các sự kiện. Tuy nhiên, khi Nguyệt ra khỏi phòng thi với vẻ mặt hớn hở cho rằng đề thi không yêu cầu trình bày những sự kiện mà toàn bắt nêu nguyên nhân, ý nghĩa sự kiện. Nguyệt học thuộc lòng và làm bài tương đối tốt.

Nhiều thí sinh ở Hà Nội cũng đánh giá đề thi không quá khó, tuy nhiên cũng không dễ để đạt điểm cao. “Em làm được khoảng 70%, điểm 6-7 thì chắc chắn được nhưng điểm cao hơn thì khó lắm, bạn bè em cũng nhiều người bảo thế” - em Nguyễn Thúy An (THPT Phan Đình Phùng) cho biết.

Còn tại Sóc Trăng, sau khi nhận đề thi, nhiều thí sinh đã lắc đầu vì “trật tủ”. Kết quả, nhiều thí sinh làm bài không đạt 50%-60% theo yêu cầu. Lý giải vì sao mình không làm tốt bài thi, nhiều thí sinh ở huyện Mỹ Tú cho biết: Khi ôn tập, giáo viên bám theo chương trình của sách giáo khoa nhưng đề thi lại có phần mở rộng ra bên ngoài nên lúng túng. Hơn nữa, tâm lý các em luôn chọn sự kiện trong năm để đoán đề nên nhiều bạn tập trung học về phong trào Đồng Khởi và một số chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi thấy câu về Cách mạng tháng Tám và Hiệp định Paris thì nhiều em… ngồi cắn bút.

Thầy Nguyễn Văn Thái,     Trung tâm Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn TP.HCM, nhận định: Đề thi nằm trọn vẹn trong chương trình lớp 12 phổ thông, đề tương đối dễ đối với những học sinh chăm học nên có thể dự đoán điểm thi môn Lịch sử năm nay khá cao, tuy nhiên tỉ lệ đạt được điểm giỏi không nhiều. Cấu trúc đề thi quen thuộc. Học sinh chỉ cần học thuộc bài là dễ dàng đạt điểm trên trung bình.

Sân trường ngổn ngang phao thi

Trong ngày 3-6, đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu đã tiến hành thanh tra đột xuất các hội đồng thi tại huyện Thạch Thất và Ba Vì, Hà Nội. Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, công tác coi thi tại ba hội đồng thi mà đoàn có dịp kiểm tra đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận công tác giám thị vẫn còn bộc lộ một số yếu kém.

Trong khi đó, một nhóm học sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Phan Đình Phùng bàn luận sôi nổi sau buổi thi là vào đầu giờ thi vẫn có thí sinh có thể sử dụng được phao thi: “Phòng tôi lúc đầu có thể nhìn được, sau chặt lắm. Tôi chép được một câu sau thì ngỏm hẳn” - một thí sinh cho biết.

Thi tốt nghiệp THPT: Sử, Địa sẽ ít điểm 9-10 ảnh 2

Tài liệu của các thí sinh vứt ngổn ngang trước cổng Trường Quốc Học. Ảnh: V.LONG

Kết thúc hai môn Địa lý và Lịch sử, các hội đồng thi ở Thừa Thiên-Huế như Trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, Trần Cao Vân… xuất hiện nhiều phao thi phôtô hoặc chép tay được xếp nhỏ bằng bàn tay do một số thí sinh thi xong vứt ngổn ngang trước cổng trường và một số nơi trong trường. Đặc biệt, môn Lịch sử tại các cổng phụ Trường Hai Bà Trưng dày đặc những tài liệu như “ruột mèo” bị vò lại hoặc xé ra thành nhiều mảng.

Tại Nghệ An, cũng có tình trạng thí sinh vứt “phao” rải từ phòng thi xuống đến chân cầu thang. Tại Hội đồng thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT chuyên ban Phan Bội Châu (TP Vinh), cuối buổi thi nhân viên phục vụ và một số học sinh phải nhanh chóng thu gom “phao” được thí sinh xả ở sân trường, cầu thang, trong phòng thi.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm