Thầy giáo H’re

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Hiệu trưởng Nguyễn Văn An cười, nói: “Ở trường có thầy giáo người Kinh là con nuôi của bản và hầu hết đều có vốn liếng “ngoại ngữ” của đồng bào mà”. Và cũng chính vì thế nên các giáo viên ở đây họ tự nhận: Mình là thầy giáo H’re!

Song ngữ và... con nuôi

Chuyện học “ngoại ngữ” H’re ở Trường THCS Ba Vì, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) bắt đầu từ thầy Hiệu trưởng Lê Xuân An. Từ Bình Định, năm 1975 thầy An xung phong học lớp sư phạm cấp tốc rồi được điều động lên vùng cao Quảng Ngãi này dạy học.

Thầy giáo H’re ảnh 1

Nhờ có máy vi tính tài trợ nên học sinh con em đồng bào dân tộc H’re của trường tiếp xúc với bộ môn này sớm hơn rất nhiều so với các trường trong huyện.

Thầy An kể hồi đó, đường từ quốc lộ 1A ngay ngã ba Thạch Trụ (Mộ Đức) lên đây chỉ là đường mòn, phải đi bộ hai ngày mới tới. Còn đồng bào H’re ở đây chỉ sống bằng nương rẫy nên cái đói đồng hành theo tháng năm. Muốn có bữa cơm ngon thôi đành chờ Tết Ngả rạ mừng mùa lúa rẫy mỗi năm chỉ có một lần. Con nít chẳng màng sự học, thấy người mà chính quyền giới thiệu là thầy giáo thì lảng tránh liền. Còn cha mẹ thì thật thà: “Cái chữ không nuôi được cái bụng mà!”.

May mắn thầy An được những cựu binh từng sống với lũ làng mách bảo: “Phải học tiếng H’re để tâm sự, hiểu được tâm tư của đồng bào”. Thế là thầy An cố gắng học tiếng, học phong tục của dân tộc H’re và thường xuyên đến thăm những già làng ở các bản trong xã.

Các già làng vui vì có “thằng thầy giáo” đến thăm kể cho biết chuyện dưới xuôi, chuyện về các dân tộc miền núi khác. Có ché rượu cần mới ủ cũng chờ thầy giáo nếm, có con chua (heo rừng) sập bẫy cũng chẳng quên để phần. Rồi thật bất ngờ, các già làng đề nghị thầy An làm con nuôi. Một con heo “bốn nắm” (vòng bụng bốn gang tay) được giết thịt, những vò rượu cần ủ men được mang về để làm lễ cúng Giàng. Nhờ làm con nuôi của bản nên bảo ban tụi trẻ đến lớp dễ dàng hơn. Có người còn mập mờ về chữ nghĩa nhưng nghe già làng nói về sự học cũng phải đưa con mình đến lớp. Từ đó, trên Ba Vì có lớp học, có tiếng đánh vần ê a và đêm từng đêm lũ trẻ hát những bài ca về thầy cô, về mái trường 

Như đàn chim, một con bay trước cả đàn bay theo. Những thầy cô giáo trẻ từ dưới xuôi lên cũng học theo cách học tiếng đồng bào như thầy An chứ không chờ đợi chủ trương của tỉnh là cán bộ miền xuôi lên miền núi công tác phải biết tiếng đồng bào (mà đến giờ vẫn chưa thực hiện được). Năm tháng họ quen dần với tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào, biết đầu tra (nhà sàn) là nơi dùng để tiếp khách, biết gõ túc chinh và cùng với dân làng hân hoan trong ngày Tết Ngả rạ mừng mùa lúa mới. Đồng bào thấy thầy giáo nói tiếng mình, hiểu được phong tục của dân mình nên xem như người mình, người của bản.

Thầy giáo kiêm... “kỹ sư trồng trọt”

Trong khi ở nhiều nơi trong tỉnh chưa có điều kiện để giảng dạy môn tin học thì sáu năm trước, Trường THCS Ba Vì trở thành trường đầu tiên ở Ba Tơ dạy vi tính. Từ bảy máy vi tính đầu tiên do bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCMtrao tặng đã gúp nhiều học sinh người Kinh, người H’re từ buổi đầu tập tò cầm con chuột, tập ấn phím vi tính nay đã thành thạo. Và nay môn vi tính đã thành môn học thường xuyên, có giáo viên chuyên trách.

Tuy vậy, để phát triển các cấp học ở vùng Ba Vì này không chỉ có thế. Thầy Nguyễn Thanh Vũ kể: “Năm đầu tiên lên đây công tác, sau những ngày đông giá rét, cây đót trổ bông trắng xóa sườn đồi nhưng tìm đến những đồi đót, thật bất ngờ khi trong đó nhiều em là học trò của mình với khuôn mặt đen nhẻm và mồ hôi túa đầm đìa...”. Hóa ra để có buổi chiều đến trường, buổi sáng các em phải lên rừng bứt đót, rồi phải cõng đi bộ năm, bảy cây số liền để bán kiếm ít tiền về cho cha mẹ mua cá chuồn muối, mua gạo. Các thầy vỡ lẽ: Thầy giáo đã nghèo mà đồng bào còn nghèo hơn. Muốn các em học hành trước tiên phải no cái bụng.

Thế là các thầy cùng nhau đọc sách kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn bà con cách làm ăn. Mỗi khi có đội khuyến nông của huyện, của tỉnh về xây dựng mô hình là thầy giáo làm người cổ động không công đến từng bản gọi đồng bào về dự lớp nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Bây giờ cây lúa đã lên xanh trên những cánh đồng dọc sông Re và trên sườn núi, rừng keo nguyên liệu mọc đầy. Cái đói lùi dần vào quá khứ, các bậc cha mẹ có điều kiện quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Cũng từ thực tế các thầy giáo rút ra những kinh nghiệm để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp với các em. Thầy Vũ kể: Có những tiết học, để các em nhận diện thôi cũng đã khó. Lúc ấy mình phải sử dụng vốn ngôn ngữ của đồng bào, phải liên hệ với những vật xung quanh mà ví von, tăng trực quan để các em hiểu rõ hơn. 

Trên vùng cao này, bây giờ vẫn chưa có nhà tập thể nên có giáo viên phải thuê ki ốt chợ làm phòng ở. Ngày Nhà giáo Viện Nam 20-11, nhiều em vẫn chưa biết chúc mừng thầy cô. Nhưng các thầy giáo không buồn vì chuyện học của các em nhỏ H’re ngày một phát triển và bản thân họ từ thực tế giảng dạy cũng lớn dần lên.

Trường THCS Ba Vì nay có 24 giáo viên thì 15 thầy cô giáo đạt giáo viên dạy giỏi các cấp và trường trở thành trường tiên tiến cấp huyện. Chuyện này nếu ở dưới xuôi chắc cũng là chuyện lạ nhưng ở Ba Vì này thì đã có nhiều năm rồi.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm