Thanh Hóa: Phát hiện tiến sĩ “luộc” sách

Từ giữa quý 1-2009, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã được cung cấp tập giáo trình Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội). Tác giả là ông Trần Quang Dũng, tiến sĩ ngữ văn, cán bộ khoa Khoa học xã hội. Lời nói đầu của sách rào đón là “giáo trình này được biên soạn trên cơ sở kế thừa những bộ giáo trình đã có về văn học trung đại Việt Nam”…

Song kế thừa không đồng nghĩa với việc sao chép những nhận định, luận điểm của người khác mà không kèm theo một dòng chữ nào về nguồn gốc, xuất xứ tư liệu.

Kế thừa là chép nguyên xi, không ghi nguồn gốc?

Mới đây, nhiều sinh viên phát hiện nhiều luận điểm quan trọng trong chương I Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX ông Dũng bê nguyên xi, đôi chỗ chỉ thay, sửa một số câu chữ từ bài Khái quát về văn học trung đại Việt Nam trong giáo trình Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII - Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Huế (Nxb Đà Nẵng, 2004; gọi tắt là Giáo trình ĐH Huế). Giáo trình ĐH Huế được PGS Bùi Duy Tân viết lại theo hướng tinh giản từ cuốn giáo trình cùng tên, do ông và GS Đinh Gia Khánh, PGS Mai Cao Chương biên soạn năm 1979. Khi PGS Bùi Duy Tân thay mặt các soạn giả chấp bút lần thứ hai (hoàn thành tháng 4-1995) có sự đồng tình, cổ vũ của hai đồng nghiệp.

Xin dẫn ra vài ví dụ: Trang 7 Giáo trình ĐH Huế viết: “Từ thế kỷ X trở đi, khi đất nước đã giành được độc lập thì nền văn hóa Việt có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Tận dụng những điều kiện mà mặt tích cực trong chính sách của các vương triều Lý, Trần, Lê sơ có thể tạo nên, người Việt đã phục hưng những giá trị văn hóa bị chìm đắm hoặc bị vùi lấp, mất mát trong thời Bắc thuộc”…

Thanh Hóa: Phát hiện tiến sĩ “luộc” sách ảnh 1

Sách nguồn của tác giả Bùi Duy Tân. (Ảnh tác giả cung cấp) Sách của Trần Quang Dũng bị cáo buộc là “luộc”.

Còn ông Dũng viết: “Từ thế kỷ X trở đi, văn hóa dân tộc phát triển mạnh mẽ trong điều kiện đất nước đã giành được độc lập. Tận dụng những điều kiện mà mặt tích cực trong chính sách của các triều Lý, Trần và triều Lê sơ có thể tạo nên, nhân dân ta đã phục hưng những giá trị văn hóa bị chìm đắm hoặc bị vùi lấp trong thời Bắc thuộc”… (trang 11-12).

Ráp thêm phần của người khác!

Ở bốn chương còn lại, ông Dũng cũng bê nguyên xi kiến thức của người khác, cụ thể là công trình Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX của Nguyễn Phạm Hùng (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2001).

So sánh, đối chiếu giữa Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIXVăn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX (Nguyễn Phạm Hùng), có đến ít nhất… 30 lần ông Dũng đạo văn của đồng nghiệp. Đó là các phần viết về thơ thiền, thể loại chiếu, thơ trữ tình, hịch, phú, truyện, những vấn đề chung về văn học thời Lê sơ (thế kỷ XV), văn luận chiến, cáo, thơ thất ngôn xen lục ngôn, thơ Nôm giáo huấn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, phú Nôm, diễn ca lịch sử, truyện thơ Nôm, Sơ kính tân trang, Khúc ngâm trữ tình, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Hát nói… Ngay cả phần kết luận về văn học trung đại Việt Nam, ông Dũng cũng trưng dụng luôn nhận thức của tác giả Nguyễn Phạm Hùng: “Văn học cổ trung đại Việt Nam tồn tại khoảng 10 thế kỷ, từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Nó nằm trong quỹ đạo văn học Đông Á, lấy Trung Quốc làm trung tâm. Nó vừa “hướng tâm” để mang những đặc điểm của văn hóa, văn học Trung Quốc, nó vừa “ly tâm” để xác định tính dân tộc. Nhìn chung, nền văn học Việt Nam thời trung đại vận động, phát triển trên cơ sở “cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập”, “hướng tâm” và “ly tâm” đó…” (trang 211 sách Nguyễn Phạm Hùng; trang 254 sách Trần Quang Dũng).

Ngoài sao chép kiến thức, sách ông Dũng cung cấp kiến thức sai, như ở trang 95 ông Dũng viết: “Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, người làng Chi Ngại, Phương Sơn, Lạng Giang (Hải Dương), con của nhà thơ Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại nhà thơ - Tể tướng triều Trần - Trần Nguyên Hãn”. Sự thật, ông ngoại Nguyễn Trãi là Băng hồ tướng công Trần Nguyên Đán (1326-1390); còn Trần Nguyên Hãn (?-1429) là anh em con cô con bác, “bạn chiến đấu” trong khởi nghĩa Lam Sơn cùng Ức Trai.

Chuyện ông Trần Quang Dũng đạo văn là quá rõ, không thể biện minh. Ông Dũng đã sử dụng toàn bộ cấu trúc và quan điểm biên soạn lịch sử văn học dân tộc nhìn từ thể loại của tôi. Một giáo trình trước khi được công bố và phát hành rộng rãi phải có hội đồng thẩm định đàng hoàng. Đâu là trách nhiệm của những hội đồng như thế ở ĐH Hồng Đức? Liệu nhà trường có dung túng, khuyến khích đạo văn?” - PGS-TS Nguyễn Phạm Hùng (ĐHQG Hà Nội) đã đặt nghi vấn vì trước đây trường Hồng Đức đã xảy ra nhiều vụ “luộc” sách khác.

Tháng 6-2009, Tiến sĩ Mai Hảo Yến bị phát hiện “luộc” ba công trình của cố GS Đỗ Hữu Châu, GS Diệp Quang Ban, đề tên mình rồi bán cho học trò. Chủ nhiệm khoa Khoa học xã hội Hoàng Thanh Hải có văn bản trả lời gia đình GS Ban hứa kiểm điểm nghiêm khắc nhưng sau đó có dư luận cho rằng chính người trả lời đã bao che cho bà Yến và bản thân ông cũng “luộc” sách của người khác.

TRƯƠNG VÂN ẢNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm