Phôi bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ mới: Bộ Giáo dục khẳng định không sai

Báo Tuổi Trẻ gần đây có đăng bài phản ánh hàng vạn phôi bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) do Bộ GD&ĐT vừa in và phát hành cho các cơ sở đào tạo bị lỗi. Cụ thể, trên cả hai mặt bằng tiếng Việt và tiếng Anh đều thiếu dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” phía dưới tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng thời không có chỗ để dán ảnh của người học…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMchiều ngày 18-3, ông Nguyễn Huy Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), cho hay ngay khi tiếp nhận và kiểm tra thông tin mà báo nêu, Vụ Pháp chế đã làm rõ toàn bộ thông tin trên.

Cùng ngày, ông Nguyễn Hải Long, Phó Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT, cũng cho biết ông vừa thừa lệnh bộ trưởng có văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ. Hiện nay, việc in phôi bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ dựa trên cơ sở Thông tư 21 và 22 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Văn bản của bộ trích Thông tư 22/2009/TT-BGDĐT: “Bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính. Vì vậy, mẫu bằng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính”. Mặt khác, bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ còn được cấp cho người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Do vậy mà mẫu bằng được xây dựng trên cơ sở tham khảo bằng tốt nghiệp ĐH của một số nước cũng như mẫu giấy tờ mang tính quốc tế của một số bộ, ngành. “Những giấy tờ mang tính quốc tế của một số bộ, ngành cũng chỉ ghi “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không có thêm tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” - ông Long nói.

Phôi bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ mới: Bộ Giáo dục khẳng định không sai ảnh 1

Mẫu văn bằng không có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Giải thích lý do vì sao mẫu phôi bằng tốt nghiệp không có chỗ để dán ảnh người học, văn bản lý giải: “Một số giấy tờ có yêu cầu dán ảnh như giấy chứng minh nhân dân sau một thời gian nhất định đều phải làm thủ tục cấp đổi để dán ảnh mới, nhằm đảm bảo việc quản lý nhân thân bằng hình thức nhận diện qua ảnh. Trong khi đó, văn bằng là loại giấy tờ đặc biệt, được sử dụng lâu dài và đi theo suốt cuộc đời người được cấp văn bằng. Theo quy định, bản chính văn bằng, chứng chỉ chỉ cấp một lần không cấp lại và không thể sau một thời gian nhất định, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng lại yêu cầu người học làm thủ tục cấp đổi văn bằng do ảnh đã cũ. Lại nữa, mẫu văn bằng các trình độ đào tạo của một số nước trên thế giới đều không dán ảnh trên văn bằng”. “Trong điều kiện công nghệ hiện đại, nếu có mục đích gian lận trong sử dụng văn bằng thì có thể thay ảnh, làm ảnh giả, làm giả dấu nổi đóng giáp lai trên ảnh. Do đó, việc dán ảnh không có tác dụng nhiều trong quản lý văn bằng” - văn bản khẳng định.

Ông Nguyễn Hải Long cũng cho rằng trong quá trình soạn thảo Thông tư 21 và 22, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đúng quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã tổ chức lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các trường ĐH, CĐ và đăng tải dự thảo văn bản trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi. “Những nội dung này đã nhận được ý kiến đồng tình của các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các trường ĐH, CĐ”.

TỐ NHƯ - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm