Nhiều thí sinh bị đình chỉ vì điện thoại di động

Ông Phạm Duy Hoà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho biết, theo báo cáo từ hội đồng thi trường THCS Tam Hiệp, một thí sinh nam, đến từ Sơn La đã bị giám thị phát hiện mang điện thoại di động vào phòng thi trong tình huống khá... ngớ ngẩn. Thí sinh này dù đã dùng thủ đoạn buộc điện thoại vào ống chân, mặc quần rộng phủ ra bên ngoài nhưng lại quên tắt chuông điện thoại. Nên khi vào làm bài được một lúc, chuông điện thoại bất ngờ reo và giám thị đã bắt được.

Nhiều thí sinh bị đình chỉ vì điện thoại di động ảnh 1

TS làm bài dự thi tại ĐH Quản trị Kinh doanh

GS -TS Đinh Văn Tiến, Học viện Hành chính cho biết, Hội đồng thi tại trường có một trường hợp đặc biệt là thí sinh khuyết tật. Thí sinh này tên là Hoàng Minh Quang, ở Lương Sơn, Hòa Bình được gia đình đưa đến.

Theo quy chế của Bộ, các trường có quyền cho hoặc không cho các thí sinh này dự thi, tùy điều kiện. Gia đình Quang cho biết, thí sinh đã bị nhiều trường dân lập từ chối nhận dự thi.

Tuy nhiên trường Học viện Hành Chính đã tạo mọi điều kiện để thí sinh này được dự thi, công bằng như các em khác.

Sáng nay, thí sinh này được bố trí riêng một phòng thi với một camera, một kỹ thuật viên ghi âm, quay phim, 10 cuộn băng ghi âm và kèm 2 giám thị.

Trường hợp thứ hai bị phát hiện tại điểm thi trường Dân lập Phương Nam thuộc Hội đồng thi ĐH Thuỷ Lợi. GS Phạm Ngọc Quý, Ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐH Thủy Lợi cho biết sau khi thời gian làm bài thi môn Toán kéo dài được 10 phút, cán bộ coi thi đã tinh mắt phát giác ánh đèn nhỏ nhấp nháy phát sáng trong túi của một thí sinh. Khi được yêu cầu bỏ vật dụng này ra khỏi túi thì đó chính là chiếc điện thoại di động. Cán bộ coi thi đã yêu cầu thí sinh đó bỏ vật dụng trong túi ra thì đó là điện thoại. Tuy thí sinh này chưa sử dụng, mục đích mang vào là cố ý hay vô tình thì cũng đều vi phạm quy chế và đã bị lập biên bản và đình chỉ thi

Để tránh cho các thí sinh có thể phạm sai lầm khi mang điện thoại vào phòng thi và bảo đảm quyền lợi cho các em, trong khi phổ biến Quy chế thi, tại tất cả các hội đồng thi đều nhấn mạnh đến nội dung này và có nhiều biện pháp để các em không thể phạm phải một cách... vô tình.

Ông Đoàn Văn Vệ, Ban chỉ đạo tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2008, trường có một trường hợp bị đình chỉ vì điện thoại đi động và mùa thi năm 2009 cũng có một thí sinh mắc lỗi tương tự. Do đó, kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường phổ biến triệt để quy chế đến các thí sinh.

Nhiều thí sinh bị đình chỉ vì điện thoại di động ảnh 2

Không khí các phòng thi hết sức nghiêm túc

"Ngay cả trước khi bóc đề thi, giám thị tiếp tục nhắc nhở lần cuối, nếu thí sinh nào còn điện thoại mang theo người có thể bỏ ra ngoài hành lang. Trước cửa mỗi phòng thi, trên bảng trong phòng, đều có dán giấy A3 ghi nội dung tuyệt đối cấm mang điện thoại vào phòng thi, để các em nhìn thấy rõ ràng và không thể phạm phải sai lầm này"- Ông Vệ cho biết.

Theo ghi nhận của HNMO trong buổi thi đầu tiên, đã có nhiều thí sinh gặp sự cố về sức khoẻ, phải nhờ đến sự can thiệp của các bác sĩ tại phòng y tế của điểm thi. Tại ĐH Quản trị Kinh Doanh, thí sinh Ngô Mạnh Giỏi, số báo danh 02244 sau khi làm bài thi được hơn nửa tiếng đã bị tiêu chảy cấp, mạch yếu, hạ huyết áp, nên BS Phạm Thị Ngọc Liên, trưởng phòng Y tế trường đã phải cho uống thuốc cầm. 15 phút sau, Giỏi mới tiếp tục quay lại phòng thi thi tiếp. Theo tìm hiểu, thí sinh này cho biết, sáng nay em đã ăn bánh mì pate ngoài đường và uống 2 cốc sữa.

Cũng tại Hội đồng thi này, TS Trần Đức Cường, số báo danh 01181 do bị sốt cao, gần 40 độ nên đã phải vào phòng y tế để uống thuốc để hạ sốt, tiếp tục quay trở lại làm bài. Thí sinh này cho biết, tối qua do đi chơi về khuya, lại tắm nước lạnh nên sáng nay em đã có triệu chứng ngây ngấy sốt.

Tại ĐH Thuỷ Lợi, vào lúc 8h15 phút sáng nay, đã có một thí sinh nữ bị đau bụng phải xuống phòng y tế của trường uống thuốc.Và ngay sau đó, em đã có thể tiếp tục trở về phòng làm bài thi

Nhận xét về đề thi Toán khối A năm nay, thầy Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, nhìn chung đề đơn giản hơn năm 2009 với nội dung cơ bản, đúng cấu trúc của Bộ giáo dục.

Đề thi chủ yếu nằm trong phần lớp 12, có sử dụng kiến thức lớp 10, 11. Đề có khoảng 7 - 8 ý không khó, học sinh có kiến thức cơ bản chắc chắn thì sẽ làm được và có thể làm trọn vẹn.

Với 2 ý (II2 và V) khó hơn, đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức linh hoạt và sâu, dành cho học sinh khá giỏi.

Phần riêng (3 điểm), nói chung đều cơ bản và không có sự phân biệt rõ rệt về độ khó giữa 2 ban (cơ bản và nâng cao).

Tại điểm thi trường THCS Tân Trào - Hoàn Kiếm của Hội đồng thi ĐH Bách Khoa, sau tiếng trống thu bài, lác đác có vài thí sinh đi ra, nhưng tâm trạng không mấy vui vẻ. Nhiều thí sinh ra sau cũng hiếm thấy nở nụ cười. Có em làm bài thi không tốt, có em đã hoàn thành kha khá nhưng lại lo lắng cho những môn thi sau. Sức ép đè lên các em có lẽ với các phụ huynh đang chờ đợi bên ngoài còn nặng nề hơn.

Anh Nguyễn Minh Bình (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết đã đưa con gái lên Hà Nội tham dự kỳ thi đại học này từ 3 ngày nay và phải ở trọ ở khu vực gần trường thi vì không thông thạo đường xá Thủ đô. Dù điều kiện ăn ở chật chội, nóng bức nhưnh anh luôn động viên con gái cố gắng hoàn thành tốt kỳ thi. "Học lực cấp III của cháu rất khá nhưng trước một kỳ thi lớn như thế này, chưa thể biết trước điều gì. Sáng nay cháu kể lại đã hoàn thành hết đề thi môn Toán và cho rằng đề không quá khó. Giờ hai cha con tôi tiếp tục chờ đợi và hy vọng ở 2 môn còn lại"

2 thí sinh Lê Đức Anh, Vũ Văn Biên, đều ở Hải Hậu, Nam Định đều hết sức tự tin với bài làm môn Toán. Đức Anh cho rằng đề thi không quá khó, bám sát chương trình lớp 12, chỉ 1, 2 ý khó khiến em phải bỏ qua. Đồng tình với nhận xét này, thí sinh Trần Quỳnh Anh (Thanh Nhàn, Hà Nội) cho rằng chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ làm được phần lớn đề thi. Em tự tin với điểm 7 hoặc 8 mình sẽ đạt được.

Chiều nay, từ 2h15, các thí sinh bắt đầu làm bài thi môn thứ 2 - Vật Lý - theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian 90 phút.

Theo Triệu Hoa (HNMO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm