Người phụ nữ với trẻ khiếm thính

1. Sáu năm trước, tôi đã từng gặp và viết về chị Trình Thị Quý Hòa, một cô giáo dạy văn cấp hai tại TP Đà Lạt, do hoàn cảnh đã bỏ quê nhà và gắn bó với trẻ khiếm thính. Tất cả giờ nhìn lại chị cho là cái nghiệp. Định mệnh đã đưa chị đến với các cháu. Chị sống an nhiên với nó dù cuộc đời chị gặp nhiều chuyện buồn hơn vui. Chị Hòa nhớ lại: 12 năm trước, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Đồng Nai còn nghèo nàn lắm, cơ sở vật chất gần như không có gì. Những đứa trẻ bị câm, điếc được cha mẹ đưa đến trung tâm với hy vọng học được cái gì hay cái nấy. Thế rồi, khi chị và mấy đứa trẻ được bố trí ở cùng, sinh hoạt cùng, chị như người mẹ, người chị.

Chị bắt đầu làm quen với ký hiệu ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính. Cái gì cố làm hết sức thì cũng đi đến thành công. Không đơn giản là những câu chào hỏi, giao tiếp hằng ngày, chị đưa các em đến với nghệ thuật múa. Như con kiến cần mẫn, tất cả học trò của chị dù nam hay nữ đều có thể múa được dưới sự điều khiển của chị. Cũng không ai ngờ phía sau cánh gà sân khấu ấy lấp lánh hình dáng của người phụ nữ thương trẻ khiếm thính hết mực. Những tiết mục múa luôn đoạt giải cao nhất tại liên hoan ca múa dành cho trẻ khuyết tật. Công lao của chị cũng được biết đến từ đấy.

Rồi những bài văn chị giảng cho học trò nghe và cảm thụ từ ngôn ngữ dấu hiệu được diễn đạt qua tay, chân, ánh mắt, nụ cười… đó là những đóng góp cho sự phát triển tâm hồn các em. Và ngày nay các em đã có gia đình, đã biết đọc sách, biết diễn đạt cảm xúc của mình cho người khác. Chị đóng một vai trò phiên dịch. Rồi cuộc sống đâu phải đứng yên, chị phải rời chúng. Những lứa học trò nay đã có vợ, có chồng vẫn thăm hỏi chị.

Người phụ nữ với trẻ khiếm thính ảnh 1

Cô giáo Hòa trong một giờ dạy múa cho các em khiếm thính tại Biên Hòa, Đồng Nai.

2. Gặp lại chị sau sáu năm, gương mặt già hơn, dáng đi không còn nhanh nhẹn như xưa, chị đã ngấp nghé tuổi về hưu. Cuộc sống cũng không có gì đảm bảo cho chị sống sung túc cho năm, mười hay 20 năm tới. Cuộc sống đối với chị là phải đứng dạy cho đến ngày nào không lên lớp nổi nữa hẵng hay và không nói trước được điều gì. 12 năm đóng góp cho Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai với tư cách một người dạy hợp đồng, mọi chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội của chị cũng không có. Nhìn lại đời đã xế chiều, làm gì có lương hưu.

Giờ đây, chị có một chỗ dạy ở Trường Khuyết tật tư thục Anh Minh (155 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM) với thu nhập 2 triệu đồng/tháng, cộng với đi dạy thêm ở các trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật ở Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) và nhận dạy trẻ khuyết tật tại nhà, mỗi tháng chị kiếm được 5-6 triệu đồng đủ để chị sống với đứa cháu đang học đại học năm thứ nhất. Tài sản dư dả của chị là chiếc tivi và chiếc xe máy Trung Quốc chị mua trả góp mấy năm trời ở Đồng Nai.

Chị chua xót: Mọi cố gắng đằng đẵng suốt 12 năm qua, chị đón nhận một áp lực là buộc chị phải rời bỏ Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, nơi mà chị đã dốc hết sức mình để khẳng định trẻ khiếm thính làm được tất cả như người bình thường. “Buồn lắm em à. Nhưng cứ giày vò thì cũng không giải quyết được gì” - chị Hòa tâm sự. (Cứ như thường lệ, một tuần chị đón xe buýt lên Công ty Cổ phần Bảo Chung, chi nhánh Tân Biên (Biên Hòa, Đồng Nai) làm phiên dịch cho các em học nghề. Chị tỏ vẻ hạnh phúc, nói: Các em toàn học nghề thủ công mỹ nghệ làm hàng xuất khẩu nước ngoài không đó, trong đó có em từng gắn bó với chị từ lúc năm, sáu tuổi. Bọn trẻ coi chị như mẹ, lúc trao đổi về việc học nghề có chị bên cạnh các em tự tin hẳn lên.

3. Cuộc sống để chị chiêm nghiệm, nỗi buồn rồi cũng vơi đi. Chị thừa nhận chị không còn tức giận hay hằn học khi ai đó mang phiền muộn đến với chị. Chị nói: Cuộc ra đi ở Đồng Nai đã khiến chị mất hết niềm tin vào cuộc sống, chị nhìn mọi thứ rất bực dọc. Rồi một hôm đúng ngày 24 tết vừa qua, chị khóc thật nhiều, thương các em thật nhiều, cũng một kiếp người nhưng những ứng xử của tuổi thơ làm chị chạnh lòng. Hôm ấy, một ngân hàng có tiếng tại TP.HCM phát quà tết cho trẻ khuyết tật tại sân Phú Thọ. Mọi năm trước, trẻ ở Đồng Nai cũng nhận được quà nhưng năm nay thì không, ngân hàng chỉ dành quà cho trẻ ở TP.HCM. Thế nhưng khi đi lãnh quà, chị bất ngờ với hơn 20 học trò của chị ở Đồng Nai gọi í ới bằng tay: “Cô ơi, cô ơi” khiến chị xúc động. Các cháu vây quanh chị nhưng không nhận được quà, chị đành lấy phần quà của mình chia đều cho các em một ít ăn tại chỗ, rồi đưa các em ra xe buýt về lại Biên Hòa. Học trò rơi nước mắt, chị cũng rơi nước mắt. Chị hạnh phúc khi trẻ con dành cho chị những cử chỉ, hành động tử tế nhất mà nó có thể...

Cô Trình Thị Quý Hòa hiện đang dạy học cho Trường Khuyết tật tư thục Anh Minh tại số 155 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Cô là người sáng tác cách diễn đạt bài quốc ca bằng ngôn ngữ tay để cho các em học sinh khiếm thính ở Đồng Nai “hát” chào cờ mỗi sáng thứ Hai hằng tuần. Nguyên là giáo viên văn THCS, cô cũng truyền đạt cảm xúc văn học cho các em qua loại ngôn ngữ này. Ngoài ra, cô còn dạy múa cho các em, nhiều tiết mục từng đoạt giải cấp quốc gia.

Hiện cô đang dự định “sáng tác” thêm cách diễn đạt bài đội ca và nhiều bài hát thiếu nhi khác cho các em học sinh Trường Khiếm thính Anh Minh ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm