PHÓ GIÁO SƯ-TIẾN SĨ KHOA HỌC PHAN DŨNG

Môn học hay và nỗi lo thất truyền

Năm 1971, đang học ngành vật lý thực nghiệm ở Liên Xô, Phan Dũng được biết Hội Các nhà sáng chế toàn Liên Xô vừa thành lập Học viện Sáng tạo, sáng chế nên xin học vào các buổi tối. Ông may mắn được học trực tiếp Giáo sư Altshuller - một trong những người sáng lập ra khoa học sáng tạo trên thế giới, là cha đẻ của lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ).

Câu chuyện cái nắp vung

. Phương pháp luận sáng tạo (PPLST), nghe có vẻ trừu tượng quá?

+ Thật ra nó rất gần gũi. Sáng tạo chính là giải quyết các vấn đề mà cuộc đời của mỗi người đều gặp phải. Ưu việt của môn học này là các phương pháp giải quyết vấn đề có phạm vi áp dụng rất rộng. Chúng ta không thể giải quyết theo kiểu “thử và sai”, “thua keo này bày keo khác” mà phải bằng các phương pháp khoa học, tránh những sai lầm, trả giá đáng tiếc có thể xảy ra, giải thích những gì đã có và dự báo những gì sẽ có.

Ví dụ, đây là cái nắp vung nồi làm bằng nhôm. Có người phát hiện ra vấn đề: khi đậy vung thì không bị mất nhiệt nhưng không theo dõi được tình trạng thức ăn được nấu ra sao. Ngược lại, khi mở vung thì biết được tình trạng thức ăn nhưng bị mất nhiệt. Như vậy, cần phải giải quyết mâu thuẫn: vung phải đậy để giữ nhiệt và phải mở để người nấu có thể theo dõi được tình trạng thức ăn. Giải pháp sáng tạo là làm nắp vung trong suốt. Ý mang tính quy luật ở đây là: làm đối tượng chưa trong suốt trở nên trong suốt. Quả thật dần dần chúng ta có vỏ bật lửa, cánh cửa tủ lạnh, thùng phiếu bầu cử, khiên (mộc) của cảnh sát chống biểu tình, đáy thuyền du lịch biển… được làm trong suốt. Nếu hiểu từ trong suốt theo nghĩa bóng thì còn có thể lấy thêm nhiều ví dụ nữa như nhờ tia Rơnghen, các mô, cơ trở nên trong suốt và bác sĩ nhìn rõ xương gãy như thế nào; quốc hội được truyền hình trực tiếp - quốc hội trở nên trong suốt… Từ minh bạch hiện nay thường được dùng trên báo chí về mặt nghĩa chính là trong suốt.

Môn học hay và nỗi lo thất truyền ảnh 1

Nhóm cựu học viên TSK đang bàn cách cải tiến một giải pháp kỹ thuật xây dựng bờ kè ở quận 9.

Bây giờ chuyển sang dự báo nhờ trong suốt: Bình đựng gas chưa trong suốt, hãy làm cho nó trong suốt để biết người ta bán gas có đầy bình không. Còn nếu có bê tông trong suốt thì người ta không dám rút ruột công trình… Những gì liên quan đến trong suốt vừa trình bày chỉ là một ý rất, rất nhỏ của PPLST.

. Ông đã ứng dụng PPLST để giải quyết các vấn đề trong cuộc đời ông như thế nào?

+ Tôi chia cuộc đời mình thành hai thời kỳ: trước và sau khi học, áp dụng PPLST. Ở thời kỳ sau, sai lầm và trả giá giảm đi, hiệu quả công việc tăng lên. Tôi đã dùng PPLST để giúp rút ngắn thời gian làm luận án tiến sĩ khoa học. Ở Đại học Tổng hợp Leningrad, nơi tôi làm việc trong lĩnh vực vật lý thực nghiệm, thời gian trung bình để đi từ tiến sĩ đến tiến sĩ khoa học là khoảng 20 năm. Nhờ PPLST, tôi đã thực hiện công việc này trong vòng hai năm.

Gõ cửa Bộ: Cửa hé rồi đóng sầm

Năm 1973, ông Phan Dũng về nước với ý định phổ biến PPLST. Thời gian đầu, ông làm việc tại Viện Vật lý. Đến năm 1976, ông chuyển sang giảng dạy tại Đại học Tổng hợp TP.HCM để có điều kiện phổ biến môn học này. Lớp đầu tiên ông dạy PPLST là năm 1977 cho hơn 100 sinh viên dưới dạng ngoại khóa. Sau đó, một số nơi như Nhà văn hóa Thanh niên, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM… mời ông giảng dạy. “Du mục” mãi đến năm 1991, ông mở Trung tâm TSK để giảng dạy tập trung, trung tâm tự lo trang trải mọi kinh phí. Đến nay TSK đã đào tạo gần 20.000 người học các khóa PPLST. Học trò của ông có đủ các thành phần từ nội trợ, thợ may, sinh viên đến kỹ sư, nhà khoa học, cán bộ quản lý… Ông được mời đi dạy PPLST cho các quan chức Bộ Giáo dục Malaysia, Singapore… Ông từng trình bày báo cáo chính tại nhiều hội nghị về PPLST trên thế giới. Hoạt động của TSK được nhiều nơi trên thế giới biết đến và được đưa vào danh sách “Các tổ chức sáng tạo” (Creativity Organization) trên thế giới vào năm 2000. TSK là tổ chức duy nhất của châu Á trong danh sách nói trên.

Môn học hay và nỗi lo thất truyền ảnh 2

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Dũng.

. Các nghị quyết Hội nghị Trung ương luôn nhấn mạnh “cần tăng cường giáo dục tư duy sáng tạo”. Sao ông không đề xuất đưa nó thành môn học chính thức ở các trường?

+ Tôi đã gặp và đề đạt nguyện vọng lên nhiều đời bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm 2004, bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng khoa học và công nghệ cấp bộ, tư vấn về PPLST do Giáo sư-Tiến sĩ khoa học-Viện sĩ Phạm Minh Hạc làm chủ tịch và tám ủy viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khác. Cuộc họp của hội đồng nói trên đã diễn ra ngày 8-1-2004. Sau khi tôi trình bày báo cáo và phần thảo luận, tất cả thành viên hội đồng và đại biểu tham dự cùng nhất trí đề nghị: “Cần mở rộng phạm vi phổ biến, tạo điều kiện biên soạn tài liệu, sách chuyên đề, có thể phổ biến PPLST theo phương thức giáo dục từ xa, xem xét áp dụng đưa vào đào tạo sau đại học, có thể mở mã ngành và tổ chức viết tài liệu, đào tạo giảng viên…”.

Sau đó Bộ có công văn cho biết: “Bộ trưởng đã cho các đơn vị chức năng nghiên cứu và đề xuất việc áp dụng trong điều kiện thích hợp… Trong quá trình nghiên cứu áp dụng, nếu các đơn vị chức năng có yêu cầu trao đổi và hợp tác, mong được sự cộng tác của giáo sư”. Chờ mãi không thấy ai đả động gì, tôi hỏi danh tính các cơ quan chức năng cụ thể là cơ quan nào để tôi chuẩn bị cộng tác nhưng được trả lời: Cái đó là bí mật. Chuyện rơi vào im lặng cho đến nay.

Nỗi lo thất truyền

. Nản nhỉ! Rồi ông có định bỏ cuộc?

+ Tôi tiếc nhưng không bỏ cuộc. Các khóa học tại TSK của chúng tôi vẫn luôn có người theo học. Người ta truyền miệng với nhau mà đến với lớp học. Tôi lo nhất là môn học này bị thất truyền. Tính ra TRIZ được đưa vào Việt Nam từ năm 1977, tức là trước Mỹ 14 năm, Pháp 19 năm, Nhật 20 năm và Hàn Quốc 21 năm. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục tự trang trải, tuổi tác chúng tôi ngày càng lớn, sức khỏe ngày càng yếu và đến một lúc nào đó môn học này có thể bị “mất giống” ở Việt Nam. Lúc đó chúng ta phải du nhập lại từ đầu thì thật tiếc. Trên con đường phát triển, Việt Nam ta không thể tránh khỏi môn học này. Theo một số dự báo khoa học, sau thời đại tin học là thời đại sáng tạo (tri thức) mang tính quần chúng rộng rãi nhờ việc sử dụng các phương pháp tư duy sáng tạo một cách khoa học, được dạy và học một cách đại trà.

Cách đây một tháng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển làm việc với chúng tôi và đặt vấn đề đưa PPLST vào các trường chuyên ở cấp phổ thông. Tôi cho rằng các thầy cô nên học trước rồi mới đến học sinh. Thêm nữa, chương trình của học sinh nay vốn đã nặng rồi, cách cho điểm của Bộ lại không theo sáng tạo nên việc đưa PPLST vào các trường chuyên nói riêng, các trường phổ thông nói chung cần phải làm một cách đồng bộ.

Cũng vì hiểu được quy luật, ông biết rằng không được nhà nước đầu tư, môn học này có thể sẽ thất truyền. Những năm qua, ông gác tất cả lời mời thỉnh giảng ở nước ngoài để dốc sức viết bộ sách “Sáng tạo và đổi mới - giải quyết vấn đề và ra quyết định”. Dự kiến bộ sách gồm 10 tập, đến nay bảy tập đã được hoàn thành. Trong suốt hơn 30 năm truyền bá môn học này, ông đã đào tạo được ba giảng viên nối nghiệp. Dù hiếm hoi nhưng vẫn còn có cái để chúng ta hy vọng rằng môn học này chưa đến mức bị thất truyền.

Viện Tiên tiến về công nghệ (The Advanced Institute of Technology) của Tập đoàn Samsung có mời chuyên gia nước ngoài sang dạy PPLST. Sau khi học và áp dụng môn này, họ tiết kiệm 120 tỉ won (tương đương 91,200 triệu USD). Từ thành công này, Tập đoàn Samsung đã lập một giải thưởng đặc biệt cho người dạy. Trên biểu tượng giải thưởng có ghi: “Giải thưởng này được tặng cho Tiến sĩ Nikolay Shpakovsky về những đóng góp xuất sắc của ông đối với việc giảm chi phí… Sự đóng góp của ông đã giúp tiết kiệm 120 tỉ won nhờ ứng dụng TRIZ”.

Tuy nhiên, PPLST không chỉ dùng để giải quyết các vấn đề kinh tế mà còn các vấn đề khác trong cuộc đời của mỗi người, giúp mỗi người hạnh phúc hơn, xã hội tốt đẹp hơn.

PGS-TSKH PHAN DŨNG

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm