“Miền núi có tiềm năng sản xuất muối”

Là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời đảm trách vai trò dạy bộ môn thi tốt nghiệp đã nhiều năm nay, cứ đến mùa luyện thi lòng tôi không khỏi băn khoăn về cái gọi là thực học.

“Miền núi có tiềm năng sản xuất muối” ảnh 1

Ám ảnh thi đuaNăm nào cũng thế, khi ban thi đua nhà trường xét thi đua cho giáo viên, nhân viên nhà trường vào cuối năm thì với những giáo viên đảm trách các môn ôn thi tốt nghiệp đều được đình lại để chờ kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh. Trong khi nhiều giáo viên khác đã yên tâm thảnh thơi nghỉ hè, chúng tôi vẫn miệt mài sớm tối đến lớp ôn luyện cho các em thi tốt nghiệp đến hết tháng 5. Nỗi lo âu phấp phỏng kéo dài đến gần cuối tháng 6, khi Bộ GD-ĐT cho phép sở GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp. Đây chính là lúc “số phận” của từng giáo viên được định đoạt. Nếu kết quả bộ môn bằng hoặc cao hơn mặt bằng tỉnh thì giáo viên ấy sẽ giữ được kết quả đăng ký đầu năm. Nếu ngược lại tùy tỉ lệ phần trăm (so sánh với mặt bằng tỉnh) của bộ môn mà giáo viên sẽ bị hạ xuống một bậc (ví dụ từ chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ bị xuống lao động tiên tiến), hoặc nếu tỉ lệ bộ môn quá thấp thì giáo viên ấy có thể bị cắt thi đua. Với giáo viên chủ nhiệm lớp 12, tình hình càng cam go hơn. Bởi bên cạnh việc phấn đấu để đạt tỉ lệ bộ môn bằng hoặc trên mặt bằng của tỉnh, người giáo viên ấy còn cần phải chú ý đến tỉ lệ tốt nghiệp của lớp chủ nhiệm cũng phải bằng hoặc cao hơn mặt bằng tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả tỉnh. Nếu thấp hơn, giáo viên sẽ bị hạ bậc hoặc thậm chí không được xét thi đua nếu tỉ lệ quá thấp. Tuy nhiên những năm gần đây tỉ lệ tốt nghiệp của các tỉnh đều cao ngất ngưởng. Tỉnh tôi năm nào cũng nằm trong top ten (gần 100%), giáo viên dạy ở vùng xa vùng sâu như chúng tôi rất khó cạnh tranh tỉ lệ với các trường lớn trong tỉnh. Và hệ quả là khi xét thi đua giáo viên dạy lớp 12 ở các trường nhỏ như chúng tôi đều rất ít đạt (thậm chí có năm lớp tôi chủ nhiệm chỉ không đậu một em thôi nhưng tỉ lệ tốt nghiệp lớp chúng tôi vẫn thấp hơn mặt bằng của tỉnh).
Những tiết học gượng gạo
Vì thương học sinh, vì sĩ diện, vì không muốn bị cắt thi đua, không muốn trường “nêu gương” và hàng tá lý do khác, giáo viên dạy lớp 12 ở tám môn có khả năng thi tốt nghiệp đã tranh thủ ôn luyện ngay từ đầu năm. Học sinh thì vừa tham gia học chính khóa buổi sáng lại phải đi học chéo để ôn luyện buổi chiều, lại vừa phải tham gia đầy đủ các hoạt động khác của trường (đó là chưa kể những em đang tự ôn luyện ĐH). Để đáp ứng yêu cầu trả bài, làm bài tập của giáo viên, rất nhiều đêm các em chỉ ngủ được 4-5 giờ. Mỗi buổi sáng khi vào học các em thường uể oải mệt mỏi, ngáp dài ngáp vắn. Khi học những môn phụ nhiều em đã ngủ gật ngay trên bàn, nhiều giáo viên đã phàn nàn với tôi rằng các em đang coi khinh môn học của họ vì nghĩ đây không phải là môn thi tốt nghiệp! Kiến thức của các môn xã hội như văn, sử, địa của học sinh lớp 12 phần lớn được nhồi nhét theo kiểu đọc chép là chính để đáp ứng yêu cầu của chương trình thi. Những phương pháp dạy học mới đều bị tiết chế đến mức thấp nhất, chỉ khi nào thao giảng giáo viên mới lôi ra áp dụng. Chính vì vậy khi đi dự giờ những tiết dạy như thế, chúng tôi cảm thấy rất gượng gạo nhưng đành thông cảm cho qua. Do bị nhồi nhét, học thuộc một cách máy móc nên các em học thuộc rồi quên ngay sau đó. Tình yêu với môn học hầu như không có. Đã nhiều lần tôi dở khóc dở cười khi nghe học sinh trả lời những câu hỏi xoay quanh những vấn đề lịch sử VN hiện đại, những vấn đề mà các em đang trả bài hằng ngày với giáo viên trên lớp. Còn chuyện nhớ nhầm tên nhà thơ, nhà văn, lẫn lộn các tác phẩm, lẫn lộn tên nhân vật trong môn ngữ văn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Với môn địa lý, tình hình cũng không khá hơn. Việc học sinh lẫn lộn tiềm năng, thế mạnh, hạn chế giữa các vùng miền là vấn đề nan giải, thậm chí có học sinh đã bình thản viết “Trung du miền núi phía Bắc có tiềm năng lớn về chế biến thủy hải sản, sản xuất muối!”. Ở môn ngoại ngữ do thi tốt nghiệp chỉ phát triển kỹ năng đọc hiểu (khoanh trắc nghiệm), ba kỹ năng còn lại nghe - nói - viết thường giáo viên giảng dạy rất sơ sài, “cưỡi ngựa xem hoa”, chủ yếu họ đi sâu vào những thủ thuật để các em có thể đạt được điểm cao nhất trong kỳ thi. Với các môn toán, lý, hóa, sinh, tình hình không khá hơn. Ở môn toán, giáo viên thường chỉ cho học sinh những thủ thuật để đáp ứng cấu trúc đề thi là chính yếu. Các môn lý, hóa, sinh là những môn thi trắc nghiệm nên chủ yếu giáo viên lôi những tuyển tập đề trắc nghiệm ra để giải, thậm chí còn yêu cầu những học sinh quá yếu nhớ máy móc kết quả rồi khoanh vào. Bởi có những năm đề thi đã có nhiều câu trùng khớp với một số câu trong những “tuyển tập” như thế này. Năm nay điệp khúc “tăng tốc - tăng tiết” sẽ tái diễn. Chao ôi... là buồn!
Theo SONG MẶC (TT)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.