Luyện thi cấp tốc... kiếm tiền tốc hành!

Học viên ngồi ngoài hành lang để luyện thi (ảnh chụp tại một lớp luyện thi ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: Hà Hương
Học viên ngồi ngoài hành lang để luyện thi (ảnh chụp tại một lớp luyện thi ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: Hà Hương

Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận, TP.HCM), điểm luyện thi ĐH Công Duy được biết đến như là một cái “lò” luyện thi. Khoảng 70 học viên ở đây được “nhồi” vào trong một căn nhà ba tầng. Ở đó học viên ăn, học, ngủ, thậm chí đi vệ sinh đều trong những căn phòng chật chội bé nhỏ.

“Lò” luyện thi cấp tốc

Trong vai một người đi tìm chỗ luyện thi cho đứa em ở quê mới thi xong tốt nghiệp, chúng tôi đã tìm đến cái “lò” nói trên. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là sự chật chội của trung tâm này. Căn nhà ba tầng nhưng tầng trệt được tận dụng làm nơi để xe của học viên, bàn ghi danh và bếp nấu ăn. Tiếp chúng tôi là cô Châu, phụ trách ghi danh. Cô Châu cho biết: “Học phí ở đây 5,5 triệu đồng. Có hai loại lớp học: lớp dạy lý thuyết cho những học sinh có học lực bình thường và lớp chuyên giải đề cho những học sinh có học lực khá giỏi trở lên. Để vào được lớp chuyên giải đề, học viên phải tiến hành làm bài kiểm tra đầu vào”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về chỗ nội trú cho học viên ở xa thì cô Châu tiếp tục cho biết: “Nội trú thì 1,5 triệu đồng. Ở tại đây luôn. Mỗi phòng 10 người. Ăn, học, ngủ đều chung một phòng. Ban ngày học xong, đến tối lau bàn ghế sạch sẽ rồi ngủ”. Chúng tôi than vãn tiền cao thì cô Châu nói: “Có gì đâu mà cao: tiền nhà 500.000 đồng, điện nước 500.000 đồng, ăn uống mỗi ngày 30.000 đồng, ngày hai bữa”. Rồi cô trấn an: “ở đây học liên tục từ thứ hai đến chủ nhật. Một ngày học tới bốn ca: sáng học hai ca, chiều một ca và tối một ca. Có hôm thầy cô dạy tới 1-2 giờ sáng. Em nào yếu sẽ được kèm thêm”.

Chúng tôi đề nghị được đi xem lớp học và nơi nội trú, lập tức một nhân viên nam liền “hộ tống” chúng tôi lên từng lầu. Vừa tới chân cầu thang là nhìn thấy rất nhiều giày dép để lung tung. Lên đến lầu 1, bảo vệ bắt đầu giới thiệu các phòng “đa năng” (ăn, ngủ, học) của trung tâm. Đó là những căn phòng chưa tới 10m2. Góc học tập và lớp học của các bạn chỉ là những chiếc bàn vuông nối lại với nhau. Toàn bộ diện tích của lớp “chất lượng cao” vỏn vẹn chưa tới 5m2. Đến giờ học là cả chục học viên lại chen chúc nhau.

N., một học viên quê Quảng Ngãi đang học tại đây, cho biết: “Lâu lâu lại có một thầy giáo được mời đến dạy chuyên đề nhưng dạy không hiểu gì cả. Học viên có ý kiến mới được đổi thầy khác”. Một giáo viên từng công tác ở đây bức xúc: “Thầy cô thì quảng cáo là giáo viên của ĐH Sư phạm, Nguyễn Khuyến, Lê Hồng Phong, thế nhưng khi tôi tiếp xúc mới biết họ chỉ là những người đi dạy luyện thi bình thường. Thầy cô chất lượng chỉ dạy một vài buổi đầu, phần còn lại giao cho các giáo viên trợ giảng”.

Chen chúc chờ mua thẻ vào học luyện thi tại lò luyện cạnh Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - Ảnh: Hà Hương
Chen chúc chờ mua thẻ vào học luyện thi tại lò luyện cạnh Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - Ảnh: Hà Hương

“Luyện thi cấp tốc - đạt điểm như ý”?

Đây là chiêu mới của một lò luyện khiến nhiều thí sinh ở Hà Nội quan tâm dù học phí đắt gấp bốn lần những lò luyện “chất lượng cao” vừa đồng loạt tăng giá. Chúng tôi đến một cơ sở của “trung tâm gia sư Ams” tại số 11, ngõ 106, Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Đây là nơi giao dịch, ký hợp đồng với thí sinh, đồng thời cũng được tận dụng làm lớp học vào buổi chiều, tối. Hậu - nhân viên đảm nhận việc giao dịch - khẳng định: “ Học sinh có thể đăng ký học theo nguyện vọng.

Cụ thể muốn đạt 8 điểm trở lên trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì đăng ký lớp nâng cao, học phí 80.000 đồng/buổi. Thí sinh học lớp này sẽ có thể thi đậu vào các trường đại học tốp trên như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Tài chính... Lớp luyện cơ bản, học phí 50.000 đồng/buổi dành cho thí sinh chỉ mong muốn đạt từ điểm 6 trở lên, có nguyện vọng vào các trường điểm chuẩn vừa phải như ĐH Công đoàn, ĐH Thủy lợi, ĐH Thương mại”.

Với cam kết về mức điểm cụ thể sẽ đạt được, lò luyện giá cao này thu hút nhiều thí sinh, phần nhiều là những thí sinh muốn có được một sự đảm bảo chắc chắn trước khi bước vào kỳ thi căng thẳng. Theo người đại diện của Trung tâm gia sư Ams, thí sinh học lực trung bình ở lớp 12, nếu học ở trung tâm trọn vẹn hai tháng thì các thầy vẫn có thể giúp thí sinh bổ sung những kiến thức còn hổng và ôn tập để đạt được mức điểm 8 trở lên trong kỳ thi ĐH. Còn những thí sinh có học lực khá thì khả năng đạt mục tiêu vào ĐH khi đăng ký luyện thi ở trung tâm này càng cao.

Không có một căn cứ cụ thể, thuyết phục nào khác đảm bảo cho cam kết ban đầu này. Kể cả đội ngũ giáo viên luyện thi cũng được thông báo rất chung chung là “toàn các thầy giỏi, có kinh nghiệm luyện thi, hiện đang làm nghiên cứu sinh”. Một cơ sở của trung tâm này ở nhà số 10, ngõ 156, phố Hồng Mai, tầng 1 làm cửa hàng Internet, tầng 2 cho thuê lớp học. H.T., thí sinh vừa học buổi hóa ở đây, nhận xét: “Chủ yếu thầy cho chúng em làm các đề thi và thầy sửa. Trong quá trình học cũng có thi thử và thông báo kết quả. Cũng không có bí quyết nào đặc biệt, chỉ hi vọng những đề thầy cho ôn sát với đề thi sẽ ra thôi!”.

Tại cơ sở khác của trung tâm trên thuê ở tầng 3 của quán giải khát tại số 30, ngõ 97, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, một số thí sinh lớp “nâng cao” cho biết: “Chúng em còn khoảng tám buổi nữa là hết khóa nhưng vẫn không dám tự tin sẽ thi đậu”. Hỏi vì sao chọn lò luyện này, một thí sinh nhanh nhảu: “Vì học phí cao!”. Theo kiểu “tiền nào, của ấy”, một số phụ huynh dễ tin vào những lò chất lượng đặc biệt, giá tiền đặc biệt kèm theo cam kết đầy thuyết phục. Có thí sinh ở lớp học theo điểm đã chạy sô 3-4 trung tâm để dừng lại ở một nơi có “cam kết chắc chắn”.

Trả lời băn khoăn của chúng tôi về việc “cơ sở nào để cam kết với người học đạt được mức điểm trên 8 hoặc trên 6?”, đại diện trung tâm luyện thi nói nước đôi: “Còn tùy thuộc thí sinh, vì nếu trung tâm dạy rất chất lượng nhưng thí sinh không chịu học, không theo được hết khóa học thì cũng khó đạt”.

Học hay là... hành?

Đồng loạt treo biển “chất lượng cao”, nhưng những lò luyện thi “chất lượng cao” ở Hà Nội đều giống nhau ở cảnh “tiền thì ta cứ thu, còn học thế nào mặc kệ thí sinh”. Tại lò luyện ở ngõ 17, Tạ Quang Bửu, Bách Khoa, Hà Nội, 7g30 người thu tiền trực sẵn ở cửa, ai qua cửa thì nộp tiền. Bên trong học hành thế nào không cần biết, có buổi thí sinh đến ít, có buổi đến quá đông, không có chỗ ngồi, mặc kệ, thí sinh chìa tiền vẫn được vào.

Lớp ôn thi nhưng người ra kẻ vào như đi chợ. Việc thầy thầy cứ giảng, trò làm gì là chuyện của trò - không khí phổ biến của kiểu dạy học mang đậm chất thị trường. Chỉ khổ những thí sinh tốn tiền để muốn “mua” một sự ôn luyện nghiêm túc, hễ đến muộn là hết chỗ ngồi, nghe thầy giảng câu được câu mất trong không khí nóng bức ngột ngạt.

Tại một trung tâm luyện thi cạnh ĐH Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội, nhân viên bán thẻ học cho nhiều lớp học tại cùng một địa điểm. Chỉ cần mua thẻ qua cổng, thí sinh có thể vào bất kỳ lớp học nào. Tình trạng vô trách nhiệm của người tổ chức lớp ôn thi khiến lớp học luôn ồn ào. Ca học chỉ có một giờ rưỡi nhưng giáo viên phải ngừng liên tục vì có người ra hoặc vào. Chưa kể để vào được lớp học bên trong, thí sinh phải đi qua lớp học phía ngoài, trèo cả qua bàn giáo viên để đi. Gần kết thúc ca học, thí sinh muốn vào lớp vẫn được bán thẻ.

Tại lò luyện ở ngõ 175 Xuân Thủy, Hà Nội và lò luyện nằm trong Trung tâm GDTX quận Cầu Giấy, Hà Nội thường xuyên tái diễn cảnh hàng chục thí sinh chậm chân phải ngồi học ngoài hành lang. Nắng nóng, mồ hôi túa ra đầm đìa, có thí sinh không nhìn thấy thầy, thấy bảng, chỉ nghe được lõm bõm. Huyền, một thí sinh ở Quốc Oai, Hà Nội, cho biết lớp ôn ở đây thường xuyên có đến 300 người học. Đã có thí sinh bị hết chỗ phải ra về nhưng tiền đã nộp thì không đòi được. Tại một điểm luyện thi khác ở khu tập thể ĐH Sư phạm Hà Nội, thí sinh bắt buộc phải nộp tiền xong mới được chỉ dẫn lớp học. Đã đăng ký học thì bắt buộc phải học liên tục 2-2,5 ca, với số tiền 30.000-40.000 đồng/thí sinh.

Vĩnh Hà - Hà Hương

Theo Tuổi Trẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm