Lưu ý khi học THPT ở Mỹ và Singapore

Trong thực tế, du học sinh sẽ phải có những cam kết với chính phủ nước sở tại, đồng thời trải qua không ít bất cập về bằng cấp và sinh hoạt.

Các trở ngại khi du học Mỹ

Chương trình bậc THPT ở Mỹ bao gồm từ lớp 9 đến 12 với hai hệ thống công lập và ngoài công lập. Tổng chi phí cho mỗi năm học dao động từ 40.000 USD (khoảng 830 triệu đồng) đến 100.000 USD (khoảng 2 tỉ đồng)/năm, tùy từng khu vực. Tuy nhiên, dù chọn công lập hay tư thục thì các bậc phụ huynh cũng phải lưu ý đến những điều kiện sau:

Đối với trường tư thục: Hệ thống trường này yêu cầu học tối thiểu hai năm tại đây mới được cấp bằng tốt nghiệp. Chính vì vậy HS phải du học từ lớp 9, 10 hoặc 11. Yêu cầu đối với các học sinh muốn theo học tại một trường tư cần có điểm thi đầu vào dành cho học sinh trung học (SSAT: http://ww.ssat.org), một bài kiểm tra năng khiếu dạng trắc nghiệm dành cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 11 và điểm TOEFL.

Lưu ý khi học THPT ở Mỹ và Singapore ảnh 1

Nhiều cơ hội du học ở Mỹ và Singapore nhưng cũng kèm theo nhiều ràng buộc.

Cũng cần lưu ý là hệ thống này thu học phí rất cao. Cụ thể các trường THPT tư thục có hai dạng: + Không nội trú: Học phí trung bình 10.000-15.000 USD (tương đương 200 triệu-300 triệu đồng)/năm. Tham gia chương trình này, nếu không có thân nhân tại Mỹ, học sinh sẽ ở với gia đình người giám hộ (host family). Chi phí khoảng 5.000 USD (khoảng 100 triệu đồng/năm bao gồm ăn, ở). + Dạng nội trú: Học phí trung bình 40.000-50.000 USD (khoảng 830 triệu-hơn 1 tỉ đồng/năm).

Ngoài ra, tại Mỹ cũng có chương trình Hỗ trợ tài chính ở trường trung học hay trường dự bị ĐH (prep school) được gọi là trợ cấp tài chính theo nhu cầu (need-based). Để biết thêm chi tiết, có thể truy cập website của Hiệp hội Các trường tư thục quốc gia (National Association of Independent Schools): http://www.nais.org/ và website của Hiệp hội Các trường nội trú: http://boardingschools.com/.

Đối với trường công lập: Hầu hết các sinh viên quốc tế theo học trường công lập là nhờ hỗ trợ của các chương trình trao đổi học sinh quốc tế. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đăng tải thông tin về học sinh/sinh viên quốc tế (F-1) tại các trường công lập ở website: http://travel.state.gov. Học sinh Việt Nam tham gia chương trình Trao đổi văn hóa sẽ được học một năm lớp 11 hoặc lớp 12 tại trường THPT công lập, chi phí chương trình khoảng 8.000 USD (khoảng 165 triệu đồng).

Điều trở ngại của chương trình này là học sinh đã học lớp 11 tại Việt Nam có thể vẫn phải học lại lớp 11 ở Mỹ. Ngoài ra, học sinh sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ (High school diploma). Tham gia trường THPT công lập theo chương trình Trao đổi văn hóa, học sinh nhận visa J-1 (thời hạn một năm).

Chương trình cho vay học phí ở Singapore

Theo thống kê, số lượng trường tư ở Singapore vô cùng phong phú, từ bậc tiểu học đến trung học theo nhiều hệ thống giảng dạy thích hợp từng khu vực, từng nước như Úc, Hà Lan, Mỹ, Anh, Nhật, Pháp... Chính vì vậy, khi chọn học tại Singapore, học sinh hoàn toàn có thể chuyển đổi sang bất cứ các nước châu Âu nào để du học tiếp lên bậc ĐH.

Cuộc sống tại Singapore cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt, chi phí du học Singapore rẻ hơn tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ 3-4 lần nhưng các chứng chỉ, bằng cấp và chất lượng đào tạo không thua kém bất kỳ một nước tiên tiến nào. Ngoài ra, với những gia đình không đủ kinh phí, các trường tại Singapore đều có chế độ cho vay 75%-80% tổng chi phí du học thông qua chương trình cho vay học phí của Bộ Giáo dục Singapore.

Một điểm cần lưu ý với du học sinh Việt Nam là nếu nhận trợ cấp học tập từ chính phủ thì bắt buộc phải đồng ý làm việc tại Singapore ba năm sau khi tốt nghiệp. Để xin được trợ cấp, sinh viên chỉ cần có người bảo lãnh trên 21 tuổi nhưng dưới 65 tuổi, không phải là người khánh kiệt và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trả lại tiền trợ cấp nếu sinh viên sau khi tốt nghiệp không chịu làm việc tại Singapore. Thông thường, sinh viên nhận trợ cấp đều ở lại sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định với mức thu nhập 1.500-1.750 SGD (tương đương 25 triệu-30 triệu đồng/tháng) và chỉ trong hai năm làm việc, các bạn có thể trả hết tiền trợ cấp.

Thận trọng chọn gia đình người giám hộ

Phụ huynh và du học sinh cần thận trọng với sự giới thiệu gia đình người giám hộ của các trung tâm du học tại Việt Nam. Nguyên Lam, cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, đang du học tại Mỹ, cho biết: “Chỉ khoảng 2/10 học sinh vào tìm được gia đình để tá túc như mong muốn. Một trường hợp rất bi kịch mà bạn của em đã gặp phải: Không có phòng riêng mà chỗ ở của bạn ấy chỉ có một cái giường và một cái bàn kê giữa lối đi và… nhà tắm. Đồ đạc cá nhân thường không cánh mà bay”.

QUỐC HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm