Lớp bán trú đặc biệt trong bệnh viện

32 em đa số là trẻ bại não, tự kỷ, chậm phát triển, điếc... có điểm chung là ăn khó, nói khó, đi đứng khó… được học tập trong một lớp học đặc biệt tại BV Nhi đồng 1. Với mức học phí thấp, các em được dạy dỗ để ăn tốt, nói tốt, đi lại tốt và nhiều em đã “ra trường” hòa nhập cộng đồng.

Lớp bán trú đặc biệt trong bệnh viện ảnh 1

Cậu học trò này thường phát cáu với cô giáo mỗi lần tập nói... Ảnh: TÙNG SƠN

Chi phí thấp, chất lượng cao

Đơn vị Chăm sóc ban ngày (hay còn gọi là lớp học bán trú) tại khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi đồng 1 được thành lập từ năm 1990. Theo bà Hà Thị Kim Yến, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, nó ra đời xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh điều trị trẻ bị bại não. Đây là những trẻ khiếm khuyết thần kinh trung ương, khó khăn rất nhiều về vận động nhưng có thể hiểu, có cảm xúc và tư duy tốt. Có trẻ bại não nặng chỉ nằm một chỗ nhưng có thể đánh máy vi tính. “Tuy nhiên, việc điều trị cho những trẻ này phải lâu dài mà phụ huynh không thể bỏ công ăn việc làm để chăm sóc con vì nếu bỏ thì lấy gì nuôi con? Chính vì vậy, khoa đã giữ lại để giải quyết công ăn việc làm cho phụ huynh và các bé cũng được điều trị tốt. Nếu trẻ điều trị ngoại trú, vào đây 30 phút thì chỉ được tập vận động chứ không làm gì khác được. Đây là mô hình độc đáo và đầu tiên ở Việt Nam” - bà Yến nói.

Cũng theo bà Yến, thời gian sau này, do phụ huynh nhiều trẻ bệnh khác có nhu cầu và xin được vào lớp nên đơn vị cũng tiếp nhận. Quan điểm của đơn vị là ưu tiên nhận những trẻ cần can thiệp sớm, tích cực để các bé có cơ hội hòa nhập rồi dành đầu vào cho trẻ khác. Hiện lớp có 32 trẻ, trong đó có 8-9 trẻ bại não, còn lại là tự kỷ, chậm phát triển, điếc…

Tập ăn là tập nói

Theo bà Yến, tại đơn vị Chăm sóc ban ngày, trẻ được chăm sóc toàn diện như tập vận động, tập đi, can thiệp ăn, sinh hoạt, kể chuyện để phát triển ngôn ngữ, rèn tư duy, bắt chước. Bên cạnh đó, các cô giáo còn giúp các em phát triển kỹ năng hòa đồng với các bạn.

Bữa ăn trưa không chỉ đơn giản là dồn thức ăn vào cho trẻ mập, lớn lên mà là để can thiệp vấn đề khó ăn của các em. Nhiều em đã 3-4 tuổi không biết nhai, khó nuốt, không biết ăn lợn cợn, chỉ biết ăn bột giờ đã ăn được cả tô cơm.

Có nhiều trẻ lớn chồng ngồng rồi nhưng chỉ biết đè ngửa bú bình mà theo bà Yến, giữa việc bú bình với ăn uống bằng ly, muỗng khác nhau hoàn toàn. Trẻ bú bình chỉ vận động môi, lưỡi một chiều và hoạt động lưỡi, hàm rất thô sơ. Còn ăn cơm thì dùng lưỡi di chuyển thức ăn, nhai qua nhai lại và nuốt, chính những động tác này giúp ích cho trẻ trong việc phát âm. Thí dụ, một trẻ nói ngọng thường phát âm “t” và “đ” nghe lẫn lộn. Do đó, phải can thiệp ăn uống bên cạnh việc tập nói. Công việc này phải mất từ một năm trở lên mới có kết quả. Ngoài việc hạn chế về ăn nói, những trẻ vào đây còn gặp khó khăn trong vận động, trong khi đó hạn chế vận động sẽ dẫn đến hạn chế về nhận thức. Chẳng hạn, trẻ đang nằm ngửa, hay nằm sấp hoặc chỉ ngồi một chỗ thì sự phát triển sẽ kém trẻ biết bò, biết đi. Do vậy, theo lịch xếp sẵn, tới giờ là các em được đưa qua tập vật lý trị liệu để có thể bò, đi đứng khám phá thế giới xung quanh.

Lớp học đặc biệt với những chiếc ghế ngồi cũng được thiết kế rất riêng giúp các em ngồi thẳng lưng. Chiếc ghế này cũng có thể biến thành bàn ăn hay bàn học. Một lần vào lớp học này mới thấy được sự đặc biệt khác của nó, bởi những học trò cứ thích la gì la, hét gì hét nhưng lắm lúc lại ngoan ngoãn chờ đến lượt cô giáo đưa sách cho mình học. Tay thì chỉ vào hình trong sách nhưng mắt thì ngó người lạ và thích thú tạo dáng trước ống kính máy ảnh…

Sẽ mở rộng lớp học

Hiện lớp có hai cô phụ trách bảo mẫu chính, có các kỹ thuật viên vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu. Ngoài ra, lớp còn tranh thủ những học viên học ở đây để chăm sóc cho các em.

Vấn đề kỹ năng, phương pháp, chuyên môn là quan trọng nhưng tổ chức là quan trọng nhất và nhu cầu rất lớn nhưng sự đáp ứng là có hạn. Sắp tới, bệnh viện sẽ mở rộng đơn vị và phân thành hai nhóm. Một nhóm can thiệp tích cực để hòa nhập cho những trẻ nhẹ và một nhóm can thiệp cho những trẻ nặng.

***

Tiêu Điểm

Đến lúc 22 tháng tuổi, con tôi không biết nói, gọi tên cũng không quay lại và chẳng buồn chơi với ai. Tôi đưa con đi khám tâm lý tại BV Nhi đồng 1 và được chẩn đoán là chậm phát triển nên giới thiệu vợ chồng tôi qua khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng để kiểm tra. Tại đây, tôi được hướng dẫn cách chăm sóc con nhưng cũng không cải thiện được. Được sự tư vấn của cô Yến, tôi cho con vào học tại đơn vị Chăm sóc ban ngày.

Đến nay tròn một năm bé vào học, bé đã nói nhiều, không bao giờ ngồi yên một chỗ và rất thích đi học. Bé cũng đã tự múc đồ ăn, tự uống nước được, mặc dù trước đây phải đút từng miếng cho bé. Các thầy cô ở lớp nói định cho bé “ra trường” nhưng hiện bé vẫn chưa biết nhai, cứ ăn là nuốt trộng nên tôi muốn gửi bé một thời gian để tập nhai.

Một phụ huynh ở quận 7

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm