Lộn xộn nguyện vọng 3

“Xé rào”

Nếu như việc xét tuyển NV1 và 2 khá yên ả thì sang đến NV3, hầu như các trường còn phải chờ đến nguyện vọng cuối cùng này đều bị “vỡ trận”, hầu hết không tuyển đủ chỉ tiêu. Vì thế, dù thời điểm kết thúc xét tuyển NV 3 đã kết thúc nhưng nhiều trường ĐH, đặc biệt là khối ngoài công lập vẫn sẵn sàng gia hạn nhận hồ sơ xét tuyển, bất chấp khuyến cáo của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Tư thục Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Văn Hiến… đều đề nghị kéo dài thêm thời hạn xét tuyển từ 10 ngày tới… 1 tháng.

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn tuyển sinh, nhiều trường đã chủ động “xé rào” hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu. Sau khi kết thúc NV2, ĐH Quảng Bình chỉ tuyển được 70/310 chỉ tiêu, vì vậy trường đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép hạ điểm sàn xét tuyển NV3 vào các ngành tin học (khối A từ 15 điểm xuống 12 điểm), nuôi trồng thủy sản (khối B từ 13 điểm hạ xuống 12 điểm) và tiếng Anh (khối D1 từ 13 điểm xuống 11 điểm).

Một số trường CĐ cũng có cách tuyển sinh khá “độc chiêu”. Trường CĐ Công nghiệp dệt may Thời trang TPHCM đã tổ chức kỳ thi chung theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT và đã gửi giấy gọi nhập học cho 683 thí sinh trúng tuyển nhập học ngày 5-9. Tuy nhiên, số thí sinh thực tế đến nhập học chỉ vào khoảng 369 sinh viên/500 chỉ tiêu nên trường đã xin Bộ cho xét tuyển thêm đợt 2 để tuyển thêm 323 thí sinh với mức điểm trúng tuyển thấp kỷ lục: ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí: 6 điểm; ngành Kế toán và công nghệ may: 9 điểm và Thiết kế thời trang: 10 điểm (chưa tính mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 điểm và giữa các khu vực kế tiếp là 0,5 điểm).

“Tiền trảm hậu tấu”

Không dừng lại ở đó, bức tranh tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 còn xảy ra nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”. Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An vừa có quyết định thành lập tháng 5-2007 và đã tổ chức xét tuyển NV2 các khối B (ngành quản trị bệnh viện) và khối C (quản trị du lịch).

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đình Viên, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, đến ngày 5-9 trường nhận được công văn cho phép tuyển sinh và theo tinh thần này, trường chỉ được phép tuyển sinh các khối A, D! Và thế là, ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An lại gửi đi một công văn xin Bộ cho phép tuyển sinh khối B và C vì sinh viên đã nộp hồ sơ xét tuyển và trúng tuyển. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ ĐH và SĐH thì cho rằng, trường tự thông báo xét tuyển NV2 hai khối này thì phải tự chịu trách nhiệm đối với số sinh viên đã tuyển sai quy định!

Tương tự, Trường CĐ Tài chính-Hải quan cũng đã tự ý hạ điểm trúng tuyển vào ngày 21-9 nhưng đến đầu tháng 10, Vụ ĐH và SĐH mới nghe báo cáo về tình huống này. Điều đáng nói là trong khi chỉ tiêu trung cấp của nhà trường có 910 sinh viên thì sau khi hạ điểm chuẩn số thí sinh trúng tuyển vọt lên tới trên 1.800 sinh viên.

Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy những trường khó khăn trong tuyển sinh đều là những trường ĐH, CĐ mới thành lập, chưa xây dựng được thương hiệu và khẳng định được uy tín. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2006 đến nay, đã có khoảng 25 trường ĐH mới được thành lập, đa phần các trường ĐH mới được nâng cấp từ một trường CĐ hoặc sáp nhập nhiều trường CĐ nên chưa thể một sớm một chiều gầy dựng cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ.

Nhưng với cách nhiều trường ĐH, CĐ đang làm - tìm cách tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả việc chấp nhận chất lượng đầu vào rất thấp – thì việc xây dựng thương hiệu và uy tín đối với những trường này quả thật còn rất xa vời.

Đinh Lan (Theo SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm