Lệch giờ học, có giảm kẹt xe?

Thầy trò cũng... hết đường về!

Tại đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM, đoạn trước cửa rạp Galaxy đến đầu đường Cách Mạng Tháng Tám hầu như ngày nào cũng bị kẹt xe. Nhiều người cho rằng vì ở đây có đến 2 ngôi trường kề cận nhau là trường THCS Nguyễn Du và cơ sở 3 của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Tuy nhiên, PV Thanh Niên đã khảo sát nhiều ngày liền để tìm hiểu và thấy rằng, nguyên nhân dẫn tới kẹt xe khu vực này còn do 2 bên vỉa hè đã được sử dụng làm bãi giữ xe cho khách vào Phòng Quản lý xuất nhập cảnh 161 Nguyễn Du và nhiều quán cà phê khác. Vỉa hè không thông thoáng, đường một chiều trong khi hướng lưu thông chủ yếu của phụ huynh là từ Cách Mạng Tháng Tám ngược vào Nguyễn Du theo kiểu "thắt cổ chai", thử hỏi làm sao không kẹt xe?

Trên đường Sương Nguyệt Anh, Q.1 có 3 ngôi trường: cơ sở 1 Tiểu học Lê Ngọc Hân, Mầm non Bến Thành và Mầm non quốc tế Việt - Úc. Ai cũng nghĩ đây là 3 "thủ phạm" gây kẹt xe.

Thế nhưng, chỉ cần một lần đi ngang đường này là có thể thấy ngay, lý do dẫn đến kẹt xe là do việc kẻ vạch "bán" lòng đường để giữ xe ô tô. Anh bảo vệ trường Lê Ngọc Hân chỉ xuống vạch kẻ dưới lòng đường, nói: "Nửa đêm họ đem sơn đến kẻ vạch "nơi đậu xe có thu phí" đến ngang nửa cổng trường, giờ học sinh vào học hoặc tan trường thì xe đậu đầy đường rồi. Xe của phụ huynh đến không có chỗ đậu thì chuyện kẹt xe là đương nhiên". Chúng tôi cũng ghi nhận thêm, trên con đường nhỏ này có đến 2 nhà hàng sang trọng với nhiều xe du lịch "hạng nặng" 45-50 chỗ đậu phía trước.

Trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, chếch với Trung tâm Huyết học là trường Tiểu học Phan Văn Trị. Nhà trường luôn luôn có đội dân phòng hỗ trợ phụ huynh đậu xe đúng nơi nhưng nạn kẹt xe vẫn diễn ra đều đều. Vì sao? Cả đoạn đường này gần như không có vỉa hè, nơi có "chút xíu" thì bị chiếm dụng làm nơi sửa các loại xe tay ga. Không kẹt xe mới lạ!

Một điểm nóng kẹt xe khác ở quận 1 là đường Cống Quỳnh, đoạn từ ngã 6 chợ Thái Bình đến giao lộ với Bùi Viện. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ do học sinh trường THCS Chu Văn An tan trường làm kẹt xe, nhưng không biết rằng chính thầy trò ở đây cũng không có đường về nhà! Chúng tôi đã bỏ ra hơn 1 tiếng đồng hồ cùng chịu cảnh kẹt xe và phát hiện nguyên nhân "liên hoàn" dẫn tới tắc nghẽn giao thông tại đây : Nhiều xe buýt và ô tô lưu thông đường Nguyễn Trãi về hướng trung tâm Sài Gòn, khi ngang qua khu vực trường Kết Đoàn ở Lương Hữu Khánh đã làm kẹt xe dây chuyền đến đường Đề Thám, từ đó nhiều xe phải tìm đường thoát theo hướng Bùi Viện rồi gây kẹt xe tiếp ở khu vực Bùi Viện- Cống Quỳnh và Nguyễn Cư Trinh.

Điểm kẹt xe khác ở quận 1 có liên quan đến trường học là khu vực phường Đa Kao với các trường: Trần Văn Ơn, Đinh Tiên Hoàng, Mầm non quốc tế, Huỳnh Khương Ninh, Quốc tế Việt Úc nằm trên các con đường Nguyễn Văn Thủ, Đinh Tiên Hoàng, Trần Cao Vân, Huỳnh Khương Ninh. Trường Đinh Tiên Hoàng có mặt tiền trên con đường cùng tên nhưng phụ huynh phải dừng dưới lòng đường vì vỉa hè ở đây đã bị Ủy ban Nhân dân phường sử dụng làm bãi giữ xe 15 năm nay. Các phụ huynh học sinh trường này đã liên tục kiến nghị phường dẹp bãi xe, nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Riêng đường Trần Cao Vân, nơi có ngôi trường nhiều con nhà giàu theo học, cha mẹ đưa đón bằng ô tô, nhưng đường thì bị gắn bảng "cấm dừng, cấm đỗ"...

Ngoài quận 1, nguyên nhân dẫn tới kẹt xe ở các quận 3, 5, 10 có liên quan rất ít đến trường học. Ngay việc kẹt xe ở khu vực ngã 4 Trần Bình Trọng- An Dương Vương, quận 5 nguyên nhân chính cũng là do thi công hệ thống thoát nước chứ không phải do học sinh trường Thực nghiệm sư phạm. Nạn kẹt xe trên đường Thành Thái, quận 10 tưởng là do trường THPT Nguyễn Khuyến hay Diên Hồng nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy do phân luồng và đặt đèn tín hiệu chưa hợp lý.

Giải pháp tình thế

Theo tiến sĩ Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM: "Đổ lỗi cho ngành giáo dục làm kẹt xe khắp phố phường thì oan cho chúng tôi quá! Tuy nhiên, về phần mình, chúng tôi cũng đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực để cùng làm giảm nạn kẹt xe". Về vấn đề, bà Trần Thị Kim Thanh- Trưởng phòng Giáo dục quận 1 khẳng định: "Không thể có một giải pháp chung cho nhiều khu vực. Chúng tôi phải chọn giải pháp cục bộ cho từng khu vực có những trường kế cận nhau. Ví dụ, khu vực phường Đa Kao, 2 trường Đinh Tiên Hoàng và Trần Văn Ơn thì học sinh sẽ ra, vào lệch giờ nhau. Khu vực đường Nguyễn Du, học sinh các trường THCS Nguyễn Du và Tiểu học Lê Ngọc Hân cũng sẽ ra, vào lệch giờ".

Thế nhưng, nhiều lãnh đạo các phòng giáo dục và các trường vẫn băn khoăn cho rằng: chuyện xếp lệch giờ học chỉ là giải pháp tình thế, và sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác như: cha mẹ phải thay đổi giờ đi làm, giờ đưa đón con đi học, các công sở, doanh nghiệp cũng phải xếp lại giờ làm việc... Nếu bố trí lệch giờ học mà vẫn không đủ đường cho xe lưu thông, quy hoạch đường sá vẫn thiếu hợp lý, ý thức người điều khiển phương tiện giao thông chưa được nâng cao... thì dứt khoát nạn kẹt xe vẫn còn tái diễn.

Giải tỏa nạn kẹt xe giờ cao điểm là một vấn đề lớn chứ không chỉ được giải quyết trong năm ba ngày, càng không phải là chuyện riêng của ngành giáo dục.

Vĩnh Thắng (Theo TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm