Làm thủ tục dự thi ĐH 2010: Mất giấy báo vẫn được dự thi

 Đồng thời, các cán bộ sẽ giải quyết những trường hợp có sai sót hoặc khiếu nại về giấy báo thi.

Đến thời điểm này, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, nhiều thí sinh phản ánh đã làm mất phiếu đăng ký dự thi số 2, mất giấy báo thi và cả một số giấy tờ liên quan như CMND, giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT.

Mang theo giấy tùy thân để cấp mới

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Ngô Kim Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết nếu xảy ra trường hợp xấu nhất là thất lạc, mất, hỏng giấy báo thi, thí sinh vẫn được dự thi. Nếu không có điều kiện đến tận trường xin cấp lại giấy báo thi, thí sinh cũng phải chủ động tìm hiểu để có được thông tin về số báo danh, địa điểm thi, phòng thi... của mình. Hiện nay, nhiều trường đã đưa thông tin tra cứu trên website của trường. Đồng thời, thí sinh phải có mặt tại buổi làm thủ tục dự thi trước khi bước vào hai ngày thi chính thức.

Khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh phải mang theo giấy tờ tùy thân hợp lệ có dán ảnh, phiếu số 2, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT, các giấy chứng nhận ưu tiên nếu có, CMND... để trường đối chiếu với hồ sơ gốc và danh sách lưu tại trường. Nếu các thông tin chính xác, thí sinh sẽ được làm giấy cam đoan và chụp ảnh tại chỗ để cấp thẻ dự thi bổ sung hoặc cấp lại giấy báo thi (nếu giấy báo thi kiêm luôn thẻ dự thi). Sau đó thí sinh vẫn được dự thi bình thường.

Ông Nguyễn Quốc Cường, phụ trách tuyển sinh Văn phòng Bộ GD&ĐT phía Nam, cho biết thêm thí sinh có sai sót trong giấy báo thi, mất giấy tờ tùy thân đến bộ phận tuyển sinh Văn phòng Bộ GD&ĐT phía Nam (số 3 Công Trường Quốc Tế, quận 3, TP.HCM) để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cấp giấy xác nhận hoặc giấy giới thiệu xuống trường để được dự thi.

Làm thủ tục dự thi ĐH 2010: Mất giấy báo vẫn được dự thi ảnh 1

Thí sinh và phụ huynh được đội tiếp sức mùa thi tại Thủ Đức hướng dẫn tìm điểm thi.

Tại ĐH Đà Nẵng, thí sinh có thể in giấy báo thi trên trang web: http://ts.udn.vn nếu chưa nhận được giấy báo thi hoặc bị thất lạc. Trường hợp thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nếu mất giấy báo thi nhưng đã biết được số báo danh, phòng thi và địa điểm thi thì thí sinh đến địa điểm dự thi để nhận thẻ dự thi và làm thủ tục dự thi (không cần có giấy báo thi).

Nhiều thí sinh bị sai sót giấy báo thi

Trong ngày 2-7, hàng trăm thí sinh đến gặp bộ phận tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để xin chỉnh sửa giấy báo thi hoặc xin cấp lại giấy báo thi. Trong đó, phần nhiều thí sinh có mã nộp hồ sơ 98 và 99. Ông Nguyễn Văn Đương - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết ngay trong hôm nay (3-7), những thí sinh nào có sai sót về giấy báo thi hoặc bị mất giấy báo thi sẽ được nhà trường giải quyết, đảm bảo cho thí sinh dự thi.

Tương tự, nhiều thí sinh dự thi vào các trường như ĐH Tài chính Marketing, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… cũng cho biết có sai sót trong giấy báo thi. Tất cả những trường hợp có sai sót sẽ được bộ phận tuyển sinh nhà trường chỉnh sửa.

Ngày 4-7, thí sinh bước vào ngày thi chính thức. Một số giấy tờ cơ bản thí sinh cần mang theo để bảo đảm thủ tục dự thi là: giấy báo thi, CMND, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, thẻ học sinh THPT, bằng lái xe…

Không được thi ĐH vì hồ sơ không hợp lệ?

Thí sinh Jơ Lương Ma Liên (thị trấn Thành Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết em nộp hai bộ hồ sơ đăng ký dự thi tại Phòng GD&ĐT huyện Đơn Dương (một hồ sơ vào ngành du lịch Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và một hồ sơ dự thi vào CĐ, khối C) vào ngày 27-3. Khi tiếp nhận hồ sơ, nhân viên Phòng GD&ĐT huyện không viết giấy xác nhận mà chỉ thông báo Liên cứ về đợi ngày nhận giấy báo thi.

Cuối tháng 5, chờ mãi không nhận được giấy báo, Liên trở lại Phòng GD&ĐT thì được trả lời nơi đây không hề nhận hồ sơ của em. Tuy nhiên, phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết hồ sơ của Liên đã đến trường ngày 21-6, tức đã quá thời gian nhận hồ sơ theo quy định. Vì vậy, hồ sơ bị xem là không hợp lệ. Trường yêu cầu Liên về Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng xin cấp giấy xác nhận làm thất lạc hồ sơ.

Quay về Lâm Đồng liên hệ Sở GD&ĐT, em không được cấp giấy xác nhận với lý do: Phòng GD&ĐT huyện Đơn Dương báo cáo không nhận hồ sơ của Liên!

Chiều qua (2-7), chúng tôi liên lạc với Liên nhưng thí sinh này cho biết đã về quê nhà. “Để chuẩn bị cho kỳ thi, em đã xuống TP.HCM ôn thi từ tháng 3, giờ chẳng nơi nào chịu giải quyết” - Liên nói trong thất vọng.

Về trường hợp này, ông Nguyễn Quốc Cường, phụ trách tuyển sinh Văn phòng Bộ GD&ĐT phía Nam, cho biết thí sinh đã nộp hồ sơ qua Phòng GD&ĐT huyện Đơn Dương thì sẽ còn giữ lại tờ phiếu số 2, đây chính là hồ sơ gốc của thí sinh. Thí sinh dùng phiếu số 2 này đến Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đơn vị này có công văn xác nhận là đã nộp hồ sơ. Sau đó thí sinh liên hệ với Văn phòng Bộ GD&ĐT phía Nam để được giải quyết cho dự thi.

Kỹ thuật làm tốt bài thi trắc nghiệm

Ngay khi được cán bộ coi thi cho phép xem đề, thí sinh phải ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi để tránh bị quên. Khi trả lời từng câu trắc nghiệm, chỉ dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu trả lời. Phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô, không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ rồi tô ô khác mà mình mới lựa chọn.

Làm đến câu nào dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu trả lời ứng với câu đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu trả lời vì dễ bị thiếu thời gian. Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu trả lời. Tránh việc tô hai ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu trả lời.

Cần nhớ là đề thi không theo một trật tự dễ, khó, vì vậy làm bài thì làm từ trên xuống. Câu nào khó thì đánh dấu trên đề, sau khi làm hết thì quay lại làm. Những câu còn nghi ngờ kết quả cũng dùng ký hiệu riêng để sau này làm lại. Nếu gặp câu khó không làm được thì bỏ qua để làm câu tiếp theo chứ không dừng lại quá lâu ở một câu. Nếu không chọn được đáp án nào cho câu khó, cứ chọn một phương án mà mình cho là đúng nhất chứ không nên bỏ sót câu nào.

TS NGUYỄN KIM QUANG, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

QUỐC DŨNG ghi

NHÓM PV GIÁO DỤC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm