Không đánh, mắng trẻ: Khó nhưng làm được

Năm học mới, ngành giáo dục TP.HCM chỉ đạo điều chỉnh hành vi ứng xử của giáo viên tiểu học trong giảng dạy. Trong đó, nhấn mạnh không được trách phạt trẻ nặng lời, phải ứng xử với trẻ nhẹ nhàng, thân thiện… Nội dung chỉ đạo thể hiện mong muốn tốt đẹp của lãnh đạo ngành. Tuy nhiên, trong giới giáo viên và phụ huynh học sinh vẫn có dư luận lo lắng thực tế so với những khái niệm trong văn bản vẫn còn khoảng cách. Một số khái niệm trong văn bản còn chưa rõ ràng như: lời lẽ gay gắt, phê phán, trách phạt nặng nề.

Tác phong sư phạm

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TP.HCM), cho biết: Thầy cô giáo đã qua trường lớp sư phạm khi họ đọc văn bản, họ phải hiểu và làm đúng những gì đã được học ở trường sư phạm.

Ông Điệp giải thích: Một người anh, người chị dạy trẻ khác với người thầy dạy. Người anh có thể quát mắng nhưng nhà sư phạm thì không. Phải biết nói lời lẽ dịu dàng, đúng mực. Bố mẹ dạy con khó dạy là vì sao, vì không có tính sư phạm. Trong môi trường học đường có hàng ngàn tình huống xảy ra và người thầy phải biết lựa chọn cách giải quyết thế nào là tốt nhất. Đối với nhà giáo khi bước vào cổng trường phải biết bỏ hết mọi bực dọc của cuộc sống cá nhân và tất cả vì học sinh, không được hành xử theo kiểu “giận cá chém thớt”. Hành vi của giáo viên cần có giám sát của hiệu phó, hiệu trưởng. Qua phản ánh của phụ huynh, chính bản thân giáo viên cũng xem lại mình để rút kinh nghiệm sửa chữa. Có giáo viên khi bị phản ánh dùng hình thức quở phạt học sinh bị xử lý kiểm điểm thì vào lớp họ “bỏ mặc” học sinh, không thèm nói tới học sinh đó, coi đó như là một cách trừng phạt. Nếu ngành phát hiện và có chứng cứ cụ thể về giáo viên có thái độ hành xử như nói trên làm tổn thương trẻ về mặt tinh thần, giáo viên đó sẽ bị kỷ luật mức cao nhất.

Không đánh, mắng trẻ: Khó nhưng làm được ảnh 1

Giáo viên đang điều khiển giờ học thể dục tại Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Gò Vấp chiều 25-8, trong đó có hai học sinh đùa giỡn bị cô giáo phạt đứng khoanh tay ở một góc riêng. Ảnh:QV

Dạy trẻ biết nhận thức

Một giáo viên ở Trường Tiểu học Hồ Văn Huê cho biết: Văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục, giáo viên nào cũng có thể lĩnh hội. Giáo viên nào nói không hiểu, làm không được chẳng qua là vì muốn thoái thác hành vi phản sư phạm. Nếu định nghĩa rõ ràng từng hành vi, tình huống thì không ai làm được. Chỉ có điều giáo viên có đủ bản lĩnh xử sự, mang lại hiệu quả tốt nhất hay không mà thôi. Người giáo viên giỏi khi giải quyết vấn đề biết dựa trên những chuẩn mực đạo lý mà mình cho là đúng nhất. Khi đó sẽ được nhiều người ủng hộ.

Còn theo ông Lê Ngọc Điệp, khi dạy trẻ, cần xem xét hành vi học trò dưới đôi mắt nhà sư phạm. Học sinh làm bể cái ly, cái bình hoa, thầy cô không được dùng lời lẽ quát mắng làm học sinh sợ hãi hay dùng hình phạt. Suy cho cùng trẻ không cố ý làm, giáo viên phải biết dùng lời lẽ an ủi, giúp học sinh không còn sợ hãi nữa và các bạn cùng lớp phải hiểu đó là lỗi ngoài ý muốn, ai cũng có thể vấp phải nếu chúng ta không cẩn thận.

Ví dụ khi thấy đứa bé ngủ gật, giáo viên không được la mắng mà phải biết hỏi thăm dịu dàng, quan tâm đến trẻ có bệnh gì không. Hành vi gõ thước xuống bàn gây tiếng động là không thể chấp nhận trong môi trường sư phạm, khiến trẻ hốt hoảng, bởi vì người lớn nghe tiếng động bất chợt còn giật mình huống gì là trẻ. Ngành giáo dục nghiêm cấm mọi hành vi dùng thước gõ nhịp xuống bàn trong quá trình giảng dạy.

Đánh, mắng là sự bất lực của người lớn

Cô Phạm Thị Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Gò Vấp), cho rằng: Giáo viên đánh trẻ hay quát mắng là sự bất lực của người lớn. Với nhiều lý do khác nhau như giáo viên còn phải đương đầu với cuộc sống đời thường, áp lực về sĩ số lớp học đông, điều kiện vật chất và phương pháp giảng dạy còn lạc hậu, phụ huynh khoán trắng việc dạy dỗ cho nhà trường… giáo viên buộc phải dùng hình phạt đánh đập, chửi rủa, thậm chí sỉ nhục để răn đe. Điều này có thể mang lại sự sửa đổi tức thời của trẻ nhưng lại in hằn trong tâm hồn trẻ về sự tổn thương thể xác và tinh thần.

Tuy nhiên, để hạn chế điều này, giáo viên phải ý thức được dạy trẻ bằng tình thương, lòng nhiệt huyết chứ không phải là cách “thương cho roi cho vọt”. Có rất nhiều cách để hạn chế đánh phạt học sinh nhưng chọn cách nào cho phù hợp và sử dụng như thế nào đòi hỏi tâm huyết và sự sáng tạo của người thầy. Trước hết, giáo viên phải có một tâm lý hết sức thoải mái khi bước lên bục giảng thì mới giảng bài hiệu quả. Giáo viên cần phải quan tâm chăm sóc bản thân về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm để tránh căng thẳng, giận dữ, mệt mỏi trong quá trình quản lý lớp học.

Anh Nguyễn Quang Lâm, có con học lớp 1 ở Trường Tiểu học Đông Ba, phường 7, quận Phú Nhuận, rất vui khi đón con. Bé thì thầm vào tai ba: “Ba cho con xin lỗi ba trước nhé!”, anh Lâm nghe rất giật mình và hỏi con có chuyện gì xảy ra trong trường. Bé Ân - con anh cho biết: “Ba ơi, hôm nay, con lỡ nói chuyện với bạn, cô phạt con khoanh tay. Ba đừng giận con nghe!”. Nghe xong chuyện, anh nói với bé: “Thế con thấy con có sai không? Cô giáo phạt con đúng không?”. Bé lại trả lời: “Dạ, con sai rồi. Con xin lỗi ba. Con hứa không tái phạm nữa”.

Theo anh Lâm, anh rất vui khi nhà trường dạy con tính trung thực, biết thú nhận điều sai trái. Từ đó, anh và cô giáo của con thường xuyên trao đổi về việc học, dạy con tốt hơn.

Không làm tổn thương, xúc phạm trẻ

Giáo viên cần lắng nghe ý kiến trẻ, nhận xét một cách nhẹ nhàng và khen ngợi đúng mực, những chỗ còn hạn chế chỉ nhắc nhở để trẻ thực hiện lại. Tránh lời lẽ gay gắt, phê phán, trách phạt nặng nề làm cho trẻ sợ hãi và thương tổn. Giáo viên cần lưu ý đến quá trình tiến bộ của học sinh, đặc biệt học sinh mới vào lớp 1, nhiều trẻ chưa qua mầm non còn nhiều bỡ ngỡ, vụng về, giáo viên phải chú ý sự tiếp thu và cố gắng thực hành khi đọc, viết để giúp đỡ, động viên và khen ngợi nỗ lực của trẻ. Đối với trẻ đã qua lớp mầm non, làm quen với chữ viết thì yêu cầu trẻ lập lại chính xác và khen ngợi đúng với khả năng. Tránh cho điểm thấp mà không có lời nhận xét cụ thể để gia đình hiểu và kết hợp rèn luyện cho học sinh tiến bộ. Giáo viên lớp 1 đón trẻ vào lớp học một cách thật vui tươi, nhẹ nhàng. Giáo viên hướng dẫn sắp xếp thật cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ để trẻ làm quen dần. Giáo viên tránh các lời dọa nạt, quát mắng học sinh, ra lệnh cộc lốc, khô khan làm trẻ sợ hãi. Tuyết đối không dùng thước gõ lên bảng, lên bàn học gây âm thanh chấn động tinh thần trẻ. Tuyệt đối không xúc phạm thân thể trẻ dưới mọi hình thức.

(Theo văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM năm học mới đối với bậc tiểu học)

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm