Khó khăn kiểm định chất lượng giáo dục

Chỉ 48% số trường thực hiện báo cáo tự đánh giá chất lượng. Các trường kêu gào thiếu tiền, thiếu nhân viên chuyên trách nhưng cũng có ý kiến cho rằng do ý thức thực hiện chưa cao.

Thiếu kinh phí hay chưa ý thức?

Theo ông Phong, không những các trường không gửi bản tự đánh giá KĐCLGD mà còn không cử cán bộ, giảng viên đi tập huấn về đảm bảo và KĐCLGD do Bộ tổ chức. Chính vì vậy, có đến 56 trường chưa triển khai công tác tự đánh giá theo quy định của Bộ. Trong đó có tới 50 trường chưa có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường.

Lý giải nguyên nhân, các trường CĐ cho rằng rất muốn khẳng định thương hiệu bằng việc KĐCLGD nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Thạc sĩ Khổng Chí Nguyện, Trường CĐ Sư phạm Tuyên Quang, cho rằng công tác tự đánh giá là một nội dung mới trong hệ thống giáo dục quốc dân, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn về con người, cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian… “Cán bộ chuyên trách, thành viên tham gia hội đồng tự đánh giá và các nhóm chuyên trách đều chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực công tác hoàn toàn mới mẻ này. Thực tế là tất cả cán bộ đều kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Vì vừa làm việc này, vừa phải đảm bảo hoạt động chuyên môn của trường”.

Khó khăn kiểm định chất lượng giáo dục ảnh 1

Các trường CĐ cần tăng cường kiểm định để nâng cao chất lượng. Trong ảnh: Sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: QUỐC DŨNG

Tiến sĩ Bùi Thị Việt, Trưởng Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, nói: “Ngoài khó khăn về cán bộ chuyên trách, các trường còn khó khăn về kinh phí. Kinh phí dành cho việc triển khai tự đánh giá còn hạn chế, chưa thật sự động viên các cán bộ giảng viên tham gia vào công tác tự đánh giá”.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Dệt may thời trang Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp, để triển khai tự đánh giá và cải tiến chất lượng phải chi bốn khoản tiền gồm tập huấn nghiệp vụ viết báo cáo, thu thập minh chứng, tư vấn học tập kinh nghiệm và viết báo cáo. Trường CĐ Y tế Thái Nguyên thống kê, để xây dựng bộ phận chuyên trách cho công tác này, chỉ trong sáu tháng phải huy động 21 người và kinh phí dự kiến lên đến hơn 171 triệu đồng. Do đó, nhiều trường đề nghị Bộ hỗ trợ kinh phí để các trường thực hiện công tác KĐCLGD.

Bộ chưa mạnh tay thúc đẩy?

Sẽ ban hành mức chi cho KĐCLGD

Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có văn bản quy định về mức chi cho công tác KĐCLGD. Trong năm 2011, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp để thống nhất ban hành văn bản quy định vấn đề này.

Tiến sĩ Bùi Thị Việt, Trưởng Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, đề nghị: “Bộ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm định giữa kỳ, đánh giá chương trình đào tạo và văn bản hướng dẫn sử dụng kết quả đánh giá trong việc xét thi đua hằng năm. Đặc biệt, cần có kế hoạch rõ ràng, hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Cần có biện pháp chế tài các đơn vị thực hiện không nghiêm trong kiểm định chất lượng bởi có một số giảng viên không nhận thấy lợi ích của công tác này”.

Ông Triệu Duy Trần Đông Thảo, đại diện Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng, đề nghị: “Bộ cần phải có các văn bản ràng buộc để các trường đăng ký kiểm định. Cục Khảo thí và KĐCLGD hằng năm cần có sơ kết một cách đầy đủ, phải có lộ trình KĐCLGD cho các trường theo thứ tự rõ ràng, công khai”.

Trong khi đó, đại diện Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình cho rằng Bộ cần công khai kết quả kiểm định chất lượng của các trường để xã hội biết làm cơ sở quyết định lựa chọn trường để học tập. Bộ cũng cần có kế hoạch dài hạn, có giải pháp cụ thể để tuyên truyền cho xã hội hiểu và ủng hộ chủ trương KĐCLGD. Chỉ trên cơ sở được sự đồng thuận của xã hội, công tác KĐCLGD mới thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay chưa triển khai được hoạt động đánh giá ngoài các trường CĐ bởi các trường này chưa có các tổ chức KĐCLGD. Nhiều trường CĐ chưa thật sự quan tâm đến việc thành lập đơn vị chuyên trách; một số trường tuy thành lập đơn vị chuyên trách nhưng việc quy định chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, chưa có kinh phí cho các đơn vị này hoạt động. Phần lớn cán bộ đều từ chuyên ngành khác chuyển sang làm công tác kiểm định nên rất ít người được đào tạo bài bản về chuyên môn. “Công tác đảm bảo chất lượng của các trường chưa tự đánh giá thuộc loại kém nên Bộ sẽ xem xét kỹ chất lượng đào tạo của những trường này” - Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCLGD, nói.

Vẫn giẫm chân ngay bước tự đánh giá

Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là công cụ hữu hiệu của nhiều nước trên thế giới để duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục ĐH và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Việc kiểm định được thực hiện thông qua các tổ chức của nhà nước hoặc các tổ chức kiểm định độc lập với một bộ tiêu chí, quy định kiểm tra chặt chẽ. Theo đó, muốn được các tổ chức bên ngoài kiểm định đánh giá chất lượng, từng trường học phải có bước tự kiểm định đánh giá.

Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã triển khai công tác này nhưng tiến độ thực hiện rất chậm chạp. Tại hội nghị về công tác KĐCLGD đối với các trường CĐ tổ chức ngày 29-11, Tiến sĩ Lê Mỹ Phong (Cục Khảo thí và KĐCLGD (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hiện cả nước mới có 107/224 trường CĐ (chỉ chiếm 48%) gửi bản tự đánh giá cho điểm thi đua. Do các trường chậm báo cáo và thậm chí có nhiều trường chưa làm công tác kiểm định nên Bộ không có cơ sở để chấm điểm và đành phải cho điểm 0 ở nhiều tiêu chuẩn.

Nội dung và các bước kiểm định chất lượng

Bộ tiêu chuẩn đánh giá và cho điểm KĐCLGD gồm năm tiêu chuẩn ứng với năm nội dung hoạt động, bao gồm xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục; triển khai công tác tự đánh giá trong nhà trường; tham gia hội nghị, hội thảo, tập huấn về công tác đảm bảo và KĐCLGD do Bộ GD&ĐT tổ chức; tham gia trả lời, góp ý các vấn đề liên quan đến KĐCLGD theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT; triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng trong toàn trường.

Thực tiễn kiểm định khá đa dạng và phức tạp, theo quy trình gồm có bốn bước như sau: Bước 1:  Xây dựng hoặc cập nhật các công cụ kiểm định chất lượng; Bước 2: Tự đánh giá của nhà trường; Bước 3: Đánh giá từ bên ngoài (đánh giá đồng nghiệp); Bước 4: Công nhận những trường hoặc những chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Tự đánh giá có ưu điểm là do chính những thành viên của nhà trường trực tiếp thực hiện. Họ là những người hiểu rõ trường ĐH/chương trình đào tạo của họ hơn ai hết. Nhưng tự đánh giá thường thiếu khách quan và do những người không chuyên thực hiện. Ngược lại, đánh giá đồng nghiệp hay đánh giá bên ngoài là một quá trình nhằm làm tăng thêm giá trị của kết quả tự đánh giá. Quá trình đánh giá đồng nghiệp nhằm làm sáng tỏ thêm những vấn đề chưa được đề cập đầy đủ trong báo cáo tự đánh giá và nhằm tăng thêm tính giá trị của chính bản báo cáo tự đánh giá. Một biện pháp để kiểm soát tính trung thực của báo cáo tự đánh giá và báo cáo của đoàn chuyên gia đánh giá bên ngoài là công bố công khai hai báo cáo này trên các thông tin đại chúng.

(Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thanh,
Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCLGD, Bộ GD&ĐT)

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm