Hướng nghiệp lệch lạc

Hướng nghiệp lệch lạc ảnh 1
Sinh viên ngành điều dưỡng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học
Hằng năm có trên 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và qua 3 đợt xét tuyển, trung bình khoảng 35% thí sinh trúng tuyển nhưng đa số lựa chọn các nhóm ngành được xem là hot trong khi nhiều ngành khác tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí không có sinh viên. Nhiều chuyên gia cho rằng sự mất cân đối trong tuyển sinh là do công tác dự báo nguồn nhân lực và hướng nghiệp còn nhiều bất cập. 10 ngành được chuộngTheo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, trong số 280 ngành đào tạo tại các trường ĐH, CĐ trên cả nước thì có 10 ngành có nhiều cơ sở đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, đó là: quản trị kinh doanh (340 cơ sở đào tạo và chiếm 8,3% tổng chỉ tiêu tuyển sinh); kế toán (297-8%); công nghệ thông tin (295-6,5%); tài chính ngân hàng (200-5,8%); công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (156-3,7%); ngữ văn Anh (143-3,1%); kỹ thuật công trình xây dựng (67-1,6%); Việt Nam học (86-1,5%); kinh tế (53-1,3%); công nghệ kỹ thuật cơ khí (61-1,3%). Cũng theo TS Mai, tỉ lệ thí sinh đăng ký nhiều nhất vào 10 ngành học, gồm: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin, y đa khoa, sư phạm giáo dục tiểu học, điều dưỡng, kinh tế, công nghệ sinh học và luật. Riêng tại TPHCM, trong gần 180 ngành học ĐH thì quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin có số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhiều nhất. Nhiều bất cậpViệc các trường đua nhau mở ngành “hot”, thí sinh chạy theo ngành “hot” đã lộ rõ nhiều bất cập. TS Phạm Ngọc Trâm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng các trường chạy đua mở ngành theo phong trào, bất chấp nhu cầu nhân lực và khả năng đào tạo của nhà trường, do đó xuất hiện tình trạng “dạy những gì mà nhà trường có, chưa dạy những gì mà xã hội cần”. Chính việc tập trung đào tạo hàng loạt ở một số ngành nghề đã dẫn đến tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp lớn. Theo một thống kê gần đây ở khu vực Đông Nam Bộ, nhu cầu nhân lực chỉ 17% so với số lượng sinh viên tốt nghiệp, gây nên tình trạng dư thừa nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Sai lầm trong lựa chọnNhiều lĩnh vực quan trọng khác phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nhưng các trường thiếu sinh viên, doanh nghiệp thiếu nhân lực mà thí sinh lại thờ ơ. Một chuyên gia hướng nghiệp nêu thực tế: Một số trường ĐH đưa cán bộ tuyển sinh tới trường phổ thông giới thiệu về trường và các ngành đào tạo. Thực ra, mục tiêu ban đầu của họ chưa phải là hướng nghiệp mà là marketing về trường. Việc marketing thái quá sẽ khiến học sinh dễ bị cuốn vào sự hào nhoáng mà không tìm cách hiểu biết các thông tin nhiều chiều, dẫn đến lựa chọn sai lầm. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất phải nhanh chóng xây dựng một chương trình hướng nghiệp chung. Theo ThS Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, hiện chưa có thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực và việc cân đối thừa, thiếu trong các ngành nghề ra sao. “Các cơ quan quản lý nên tăng cường khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi. Các thông tin rất quan trọng này sẽ được nhà trường biết, thí sinh biết, cả xã hội biết và như thế sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân đối ngành nghề hiện nay”- ThS Lý đề xuất.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long: Cung - cầu đang méo mó!

Một số ngành công nghiêp nặng, khoa học kỹ thuật như điện, cơ khí… rất quan trọng, nhu cầu lớn nhưng các trường lại không tuyển sinh được. Nguyên tắc cung - cầu đang méo mó mà nguyên nhân là do thông tin về ngành nghề chưa đầy đủ, khiến thí sinh bị nhiễu khi tiếp nhận. Công tác hướng nghiệp hiện lệch lạc, chủ yếu là hướng thí sinh vào ngành lương cao, ngành dễ đậu mà chưa quan tâm đến nhu cầu thực sự của thị trường lao động.

Chưa chú ý phát triển nguồn nhân lực

Kết quả từ một đề tài khoa học cấp Nhà nước mới đây về khảo sát học sinh, giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý trên phạm vi 8 tỉnh, TP cho thấy có tới 70% học sinh tốt nghiệp THPT bước vào đời không được giáo dục hướng nghiệp đầy đủ; 60% giáo viên chưa coi trọng hoặc thiếu khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp; 89% số giáo viên được khảo sát thừa nhận các trường phổ thông chưa quan tâm đến công tác hướng nghiệp hoặc có hướng nghiệp nhưng chưa chú ý phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa…

Theo Thùy Vinh ( NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm