“Giáo viên trợ giảng”... lớp 1

Cô giáo cầm thước gõ từng nhịp đều đặn trên bảng cho những học sinh lớp 1 đánh vần. Ở một góc lớp học lại có thêm một “cô giáo” hay “thầy giáo” sẽ sàng, thì thầm giải thích một từ khó hiểu cho một trò nào đó đang ngơ ngác vì vốn tiếng Việt hạn chế.

Đây là những nhân viên của chương trình Nhân viên hỗ trợ giáo viên thuộc dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, tại mỗi lớp học trong vùng dân tộc thiểu số sẽ có một nhân viên là người địa phương hỗ trợ giáo viên công việc giảng dạy. Các nhân viên này đều tốt nghiệp THCS trở lên.

Lớp học hai cô giáo

Lớp 1B của cô giáo Phạm Thị Hải, Trường Tiểu học Rờ Kơi (Sa Thầy, Kon Tum), tiết học nào cũng có cô nhân viên người Gia rai Y Đây hỗ trợ. Cô gái 24 tuổi cúi xuống thì thầm một lúc lâu bằng tiếng Gia rai với cậu học trò A Khuy. Cậu bé nghiêng đầu lắng nghe rồi mỉm cười, gật đầu lia lịa. “Tàu hỏa là đoàn xe thiệt dài có bánh xe bằng sắt chạy trên đường sắt” - Y Đây dịch lại bằng tiếng Việt những câu cô nói với A Khuy khi tôi hỏi cô nói gì khiến cậu bé tâm đắc như vậy.

“Giáo viên trợ giảng”... lớp 1 ảnh 1

Nhân viên hỗ trợ A Huy giúp học sinh tập viết. Ảnh: TRÀ GIANG

Tại lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Trường Tiểu học Yaxier (Sa Thầy, Kon Tum), nhân viên hỗ trợ là chàng trai A Huy, 26 tuổi. Đứng giữa đám học trò bé bỏng của lớp 1A này, A Huy trìu mến với các em như một người anh với đám em nhỏ. Anh nhẹ nhàng cúi sát xuống mái đầu vàng hoe, khét mùi nắng của các em, cầm tay từng đứa nắn nót những nét chữ lên cái bảng con nhỏ xíu theo yêu cầu của cô giáo Hạnh. “Tôi đã tập trung những em có khả năng nói tiếng Việt yếu và tiếp thu chậm sang một dãy để A Huy tiện hướng dẫn cho các em. Có A Huy, các em này tiến bộ lên rất nhiều” - cô giáo Hạnh chia sẻ. Có những câu chuyện mà chỉ có A Huy mới có thể “nghe” được vì học sinh chưa đủ vốn tiếng Việt để diễn đạt với giáo viên. Chỉ là những chuyện nhỏ xíu của những đứa trẻ lên sáu: “Con không thích học lớp 1. Vì lớp 1 học chữ dính chùm. Lớp mẫu giáo học một chữ thôi, không dính chùm...”. A Huy nghe xong cười ngất, giải thích: “Học chữ dính chùm thì mới đọc báo được, mới thành bé ngoan được, lớn lên mới làm cán bộ được”.

Tới từng nhà dắt học sinh đến lớp

Ngoài việc hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên tại lớp học, nhân viên hỗ trợ còn có nhiệm vụ vận động học sinh đến lớp. Những ngày mùa lạnh, các cậu trò nhỏ cứ ngồi lì sưởi ấm bên bếp lửa nhà sàn, không chịu đi học. Y Thoan, nhân viên hỗ trợ của Trường Hùng Vương (Sa Thầy, Kon Tum), phải chạy xe đến từng nhà chở các bé đi học mặc dù đoạn đường từ nhà đến trường chỉ khoảng... 300 m. Y Thoan cười giải thích: “Mấy em thích đi xe máy lắm. Có xe máy là chở đi học được, chứ mình nói không nghe đâu. Mấy em thích gần mẹ, gần bếp lửa hơn”.

Còn nhân viên A Huy thì tự hào khoe đã biết mọi chỗ nấp của các em trốn học: “Một là sau tòa nhà ủy ban, hai là ven suối, ba là theo ba mẹ lên rẫy, hoặc thấy nhân viên hỗ trợ là chạy vào nhà đắp chăn trốn!”. Thậm chí A Huy còn nắm rõ lịch thu hoạch hay mùa vụ của từng gia đình trong làng để vận động không đưa con theo lên rẫy.

Những ngày đầu năm mới nhưng lớp học 1A không vắng em nào. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1A nhận xét A Huy rất nhiệt tình. Trước đó mấy ngày, A Huy đã đến từng nhà vận động phụ huynh nhắc nhở con đến lớp đúng ngày sau kỳ nghỉ tết. Làm công việc này đã ba năm, có vẻ như A Huy đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thuyết phục trẻ đến lớp. Nào là: “Đến lớp có người chơi, ở nhà một mình buồn không có ai chơi”, rồi: “Thấy anh cán bộ A Bí đẹp không, giàu không, có muốn giống anh A Bí không? Thì phải học. Hay em muốn giống anh A Khương nghèo, suốt ngày say rượu”...

Sau hai năm thực hiện chương trình Nhân viên hỗ trợ giáo viên có hiệu quả thấy rõ. Học sinh ở lớp học có nhân viên hỗ trợ đi học đều đặn hơn, đạt các kết quả môn toán và tiếng Việt tốt hơn các học sinh ở lớp không có nhân viên hỗ trợ giáo viên. Học sinh tự tin hơn với khả năng ngôn ngữ của các em. Tỉ lệ học sinh yếu, cá biệt giảm rõ rệt vì có người kèm cặp, uốn nắn trong lớp, khi về nhà các nhân viên cũng đến nhà nhắc nhở việc học.

Hồ Mai Châu, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Sa Thầy

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm