Đón tết xa quê cùng du học sinh tại Pháp

Cũng bánh chưng, củ kiệu, hạt dưa...

Từ ngày đưa ông Táo về trời, chắc hẳn mọi người ở nhà đã bắt đầu tranh thủ sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, náo nức đi chợ mua sắm thức ăn, cây cảnh và quần áo mới. Ở Pháp, không khí những ngày này cũng vui nhộn không kém. Dù không thể đón một cái tết theo đúng nghi thức truyền thống nhưng mỗi người con Việt cũng chuẩn bị đón tết rất chu đáo. Mọi người mua sắm cho mình những món ăn ngày tết rất thuần Việt như mứt, hạt dưa hay ít ra là vài cái bánh chưng, một hũ kiệu nhỏ.

Từ một tháng trở lại đây, các chợ châu Á đã nhập về rất nhiều loại mứt quả, bánh kẹo phục vụ tết. Những chợ châu Á lớn của Paris cũng bày bán cây mai, cành đào. Không khí người mua, người bán ở các chợ diễn ra hết sức vui nhộn.

Đón tết xa quê cùng du học sinh tại Pháp ảnh 1

Nhóm bạn sinh viên Nantes đón tết với các món ăn truyền thống.

Vì lượng sinh viên Việt Nam tại Pháp khá đông và có mặt ở nhiều thành phố nên hình thức đón năm mới mỗi nơi mỗi khác. Nhìn chung, hoạt động đón tết tại đây được tổ chức theo hai hội chính: Hội Sinh viên Việt Nam tại mỗi thành phố và Hội Việt kiều - thường là những người con Việt đã sống nhiều năm hoặc sinh ra lớn lên ở Pháp. Các hoạt động tết của cả hai hội đều được tổ chức theo quy mô lớn hơn những nhóm sinh viên nhỏ riêng biệt, có múa lân, hát dân ca và ẩm thực Việt.

Ở Pháp, nếu không có nhiều thời gian, các sinh viên Việt Nam thường chọn dịp cuối tuần để tụ tập ăn uống theo từng nhóm bạn. Ngày tết, mọi người chăm chút hơn trong việc chuẩn bị vài món ăn truyền thống đơn giản và một mâm quả nhỏ để cúng giao thừa hoặc rủ nhau đi chùa thắp hương đầu năm.

Phải công nhận sinh viên Việt Nam giỏi “hết cỡ”. Từ con trai đến con gái, ai cũng có thể “muốn ăn thì lăn vào bếp”. Mọi người tự tay làm từ khâu chuẩn bị đến khâu nấu nướng rồi thức đến sáng để canh nồi bánh chưng. Nỗ lực của mọi người được đền đáp bằng mẻ bánh ra lò mềm dẻo và thơm phưng phức.

Cần hơi ấm gia đình

Hoàn cảnh xa nhà khiến sinh viên Việt Nam tại Pháp thiếu thốn nhiều điều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đón tết theo cách riêng. Không được tập trung chờ giờ khắc giao thừa cùng gia đình như ở nhà, các sinh viên Việt Nam tại Pháp quây quần bên nhau hay đơn giản là gọi điện thoại, nhắn tin cho người thân để chúc mừng năm mới.

Đón tết xa quê cùng du học sinh tại Pháp ảnh 2

Chương trình ca múa hát Bonsoir Vietnam mừng xuân Kỷ Sửu của sinh viên Lyon.

Nhiều bạn trẻ khi còn ở nhà thường ít biết dành thời gian chăm sóc gia đình. Đến khi sống nơi đất khách quê người, nơi không cùng ngôn ngữ, chúng tôi mới hiểu thấu cái ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình. Khi đi xa, chúng tôi mới biết quý những khoảnh khắc được quây quần với ông bà, ba mẹ, anh chị, mới hiểu cảm giác cười ra nước mắt khi nghe một bản nhạc xuân hay khi ngồi tán dóc cùng bạn bè, kể nhau nghe về một kỷ niệm tết năm xưa.

Những ngày cuối năm, chúng tôi bỗng nhớ nhà khôn xiết. Nhớ nụ cười của từng người thân, cái xoa đầu cầm tay của ông bà, cái dáng bận rộn chăm lo gia đình của mẹ, cái nhíu mày của ba. Nhớ hình ảnh mỗi người một tay phụ nhau nấu ăn, bày trí bàn thờ, mâm quả.

Được đón tết ở nhà là ước mơ của rất nhiều sinh viên Việt Nam tại Pháp nhưng rất ít người thực hiện được. Phần vì hầu như năm nào ngày tết cũng trúng vào thời điểm thi cuối kỳ. Phần khác vì đi lại tốn kém nên chúng tôi cứ lần lữa hết mấy cái tết mà vẫn chưa được về thăm nhà.

“Mẹ ơi, con thèm bánh chưng!”

Để mô phỏng lại cái tết xa nhà, cái cảm xúc cần được quan tâm chăm sóc từ bạn bè, các sinh viên Việt Nam còn làm vài bộ phim ngắn miêu tả thực tế cuộc sống đời sinh viên. Những thước phim ghi lại cuộc đối thoại với ba mẹ từ quê nhà, những bữa ăn tự tay đi chợ nấu nướng. Thước phim đan xen giữa niềm vui nỗi buồn, vừa sâu lắng vừa dí dỏm khiến người xem pha lẫn cảm xúc tủi thân, cười ra nước mắt.

Đón tết xa quê cùng du học sinh tại Pháp ảnh 3

Đón xuân Tân Mão 2011 của hội sinh viên Việt Nam tại Lyon.

 

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sự trưởng thành khi sống xa nhà được rèn luyện và đúc kết theo thời gian, đó là điều dễ dàng nhận thấy qua cách ăn nói và ứng xử của các sinh viên Việt Nam ở đây.

Vui buồn xoay quanh câu chuyện tết xa nhà thì kể hoài không hết. Nếu có ai hỏi “đón tết bên kia sao rồi?” thì câu trả lời thường chỉ vỏn vẹn trong vài từ “vừa vui vừa buồn” hay “đâu có tết, như ngày thường thôi, nhớ nhà ghê”.

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm Nhâm Thìn. Tôi vẫn nhớ như in cái ôm hôn siết chặt của bạn bè chúc nhau một năm mới an lành của năm trước. Và tôi vẫn nhớ vào dịp tết một vài năm cũ, giọng nghèn nghẹn, tôi nói nhỏ với mẹ qua điện thoại: “Mẹ ơi, con thèm bánh chưng!”.

ĐỖ NGUYỄN CÁT TIÊN, từ Lyon, Pháp

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 175)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm