Đổi mới quản lý giáo dục ĐH: Cho mua, dịch giáo trình ngoại

Chiều 17-5, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng đại diện các cơ quan ban, ngành các tỉnh, thành và đại diện gần 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước đã tham dự hội nghị sơ kết triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của bộ này về công tác đổi mới quản lý ngành giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012.

Hầu hết các đại biểu tham gia đều đồng tình ủng hộ kế hoạch thực hiện của Bộ GD&ĐT đề ra. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, các trường ĐH, CĐ đã đưa ra những nguyên nhân làm chất lượng đào tạo chưa cao, còn tiêu cực trong các hoạt động của trường.

Đầu tư dàn trải

Phần lớn các ý kiến từ các trường ĐH, CĐ cho rằng đầu tư của nhà nước còn dàn trải, học phí thấp, chậm thay đổi, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn dẫn tới việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính đối phó, hình thức như việc đào tạo theo tín chỉ chưa triệt để (thiếu giảng viên, thiếu phòng học, thiếu giáo trình…). Thu nhập của giảng viên còn thấp, không tạo động lực để giảng viên chuyên tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ cần chỉ đạo và có giải pháp siết chặt chỉ tiêu đào tạo vừa học vừa làm, liên thông, từ xa… Tăng cường kiểm tra và xử lý các trường vi phạm trong tuyển sinh vừa học vừa làm, liên thông, liên kết. Việc thực hiện cam kết của nhà đầu tư, Bộ chủ quản trong quá trình thành lập và hoạt động của các trường ĐH, CĐ.

Đổi mới quản lý giáo dục ĐH: Cho mua, dịch giáo trình ngoại ảnh 1

PGS-TS Phan Thanh Bình (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM): “Đổi mới quản lý giáo dục ĐH không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục ĐH mà cũng là của các ngành, các cấp khác”.

Sau hơn hai tháng triển khai chỉ thị của Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD&ĐT vẫn còn trên 130 trường chưa gửi báo cáo thực hiện chương trình hành động.

Rà soát lại giáo trình

Về phía các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nêu nhiệm vụ nóng hổi đang được xã hội đặc biệt quan tâm là phải rà soát lại giáo trình hiện có. Các trường phối hợp với các trường trong cùng khối ngành và trưởng khoa cùng nhóm ngành để biên soạn giáo trình dùng chung. Tham khảo các chương trình, giáo trình cùng khối ngành đang được đào tạo ở nước ngoài để có kế hoạch mua, dịch, xuất bản phục vụ đào tạo, nghiên cứu tại trường.

Thứ trưởng Trần Quang Quý yêu cầu đến năm 2012, tất cả các trường đều có đủ giáo trình phục vụ đào tạo cho các môn học được thực hiện dưới các hình thức: tổ chức biên soạn, lựa chọn, mua bản quyền của nước ngoài, dịch và in trong nước.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi (Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho rằng: “Chủ trương rà soát lại giáo trình các trường ĐH, CĐ là hoàn toàn cần thiết mặc dù hơi muộn. Đây là hồi chuông cảnh báo cho các cán bộ quản lý, các vị giáo sư, phó giáo sư… đã viết giáo trình chỉ để được thăng tiến chức danh học hàm, đồng thời đẩy lùi chất lượng đào tạo ĐH”.

Theo Tiến sĩ Ngãi, nếu dịch sách nước ngoài ra làm tài liệu giảng dạy thì chúng ta sẽ có một kho tài liệu rất lớn, kế thừa được kiến thức nước ngoài mà không ai chê cười hoặc khép tội “ăn cắp”. Với nước nghèo như chúng ta, tác giả sách nước ngoài luôn ủng hộ chúng ta dịch sách của họ, thậm chí họ cho không.

Phân cấp mạnh mẽ, tạo khung pháp lý…

Gút lại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận “chúng ta thật vừa mừng vừa lo” vì có rất nhiều trường đã đưa ra nhiều chương trình hành động để thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành động của chúng ta chưa đồng bộ. Thứ trưởng Luận nêu vấn đề: “Tuyển sinh, đào tạo tại chức… các trường chưa coi trọng chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo mà cứ luẩn quẩn tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu”.

Theo Thứ trưởng Luận, trong công cuộc đổi mới giáo dục ĐH phải đổi mới đồng bộ bắt đầu từ trên xuống. Đổi mới quản lý giáo dục ĐH là đột phá của đột phá. Với tinh thần như vậy, chúng ta triển khai phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, tạo khung pháp lý cho các đơn vị tự chủ nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, đi kèm với nó là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. “Không thể nói chỉ giao tự chủ cho các trường nếu chúng ta chưa xong cơ chế tự chịu trách nhiệm” - Thứ trưởng Luận nhấn mạnh.

Một số nhiệm vụ trọng tâm:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản đã ban hành, đồng thời ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới để các trường thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội.

- Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục ĐH. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên…

- Triển khai xây dựng ký túc xá sinh viên để đến năm 2011 giải quyết tối thiểu 200.000 chỗ ở. Đến năm 2015 có 60% sinh viên có chỗ ở ký túc xá.

- Phân cấp cho các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời phát huy cao tính tự chủ, tự chịu, tự kiểm soát của các trường ĐH, CĐ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các trường.

- Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.

- Xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch cán bộ lãnh đạo trường giai đoạn 2010-2015.

- Thành lập hội đồng hiệu trưởng các khối ngành và các trưởng khoa cùng nhóm ngành để tư vấn cho Bộ GD&ĐT những vấn đề có liên quan đến phát triển ngành.

XUÂN HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.