“Điểm hẹn” khoa học đã mở cửa

Ngày 12-8, Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức khánh thành Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn. Đây là tiêu điểm nằm trong chuỗi sự kiện của “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 diễn ra từ ngày 28-7 đến 17-8, tại TP Quy Nhơn.

ICISE do GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, cùng vợ là GS Lê Kim Ngọc bỏ vốn đầu tư, xây dựng trên diện tích 20 ha với quần thể kiến trúc Pháp do kiến trúc sư Milou thuộc Văn phòng kiến trúc Pháp tại Singapore quy hoạch, thiết kế. Theo kiến trúc sư Milou, công năng của phần lớn các hạng mục thuộc ICISE đều phục vụ cho các hoạt động giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản. Giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành trên diện tích hơn 8 ha, với công trình chính là khu trung tâm hội nghị 400 chỗ ngồi với trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của các hội thảo quốc tế.

GS Trần Thanh Vân cho biết: “Mục đích lớn nhất của ICISE là trở thành một “điểm hẹn” khoa học, thu hút các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam giới thiệu, trao đổi những thành tựu nghiên cứu mới nhất; qua đó tạo điều kiện, góp phần đào tạo hoàn thiện những tài năng khoa học Việt Nam. ICISE là trung tâm thứ tư trên thế giới đặt ra mục tiêu này. Và hôm nay “điểm hẹn” tại Việt Nam đã mở”.

“Điểm hẹn” khoa học đã mở cửa ảnh 1

Các vị lãnh đạo và các nhà bác học cắt băng khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Ảnh: TẤN LỘC

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là sự kiện đặt thêm một dấu mốc quan trọng với nỗ lực của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, của Hội Gặp gỡ Việt Nam, của tỉnh Bình Định và cá nhân vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong việc hỗ trợ đắc lực và cụ thể cho các nhà khoa học Việt Nam. “Tôi mong rằng hoạt động của ICISE sẽ là cầu nối giữa các nhà vật lý Việt Nam trong và ngoài nước với các nhà vật lý người nước ngoài để phấn đấu đến năm 2020 vật lý Việt Nam làm nòng cốt cho sự phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ đa ngành, một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN” - phó thủ tướng nói.

Bày tỏ cảm tưởng tại lễ khánh thành ICISE, GS Sheldon Lee Glashow, nhà khoa học vật lý người Mỹ được trao giải Nobel, nói: “Hôm nay là một ngày đỉnh cao chót vót, ngày mà giấc mơ từ rất lâu của những người bạn, đồng nghiệp thân mến của tôi là vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã trở thành hiện thực. Trung tâm này được xây dựng dành cho giáo dục, là nơi truyền cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ sinh viên, các nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nước châu Á. Những khám phá khoa học mới nhất sẽ được giới thiệu thường xuyên tại trung tâm này để khuyến khích những nghiên cứu thông qua hợp tác, trao đổi thông tin quốc tế; đó là cách các nước trên thế giới làm việc cùng nhau”.

Diễn đàn học thuật cực cao

Cùng ngày, tại ICISE đã khai mạc hội nghị khoa học vật lý quốc tế với chủ đề “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới thuộc 300 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là phiên họp quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” lần này.

Trong phiên khai mạc, hai nhà bác học được trao giải Nobel là Sheldon Lee Glashow (Mỹ) và Klaus von Klitzing (Đức) đã diễn thuyết về vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong việc tạo ra những bước tiến đột phá trong công nghệ, mang lại lợi ích khổng lồ cho nhân loại.

Cũng tại phiên họp này, nhà bác học Rolf Heuer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN); GS Jean-Loup Puget, Giám đốc Chương trình nghiên cứu PLANCK, trình bày những kết quả đặc sắc nhất về vật lý hạt và vật lý thiên văn trong năm vừa qua. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới khác cũng thuyết trình chuyên sâu, trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất, thảo luận để nhìn lại những kết quả nghiên cứu mới nhất về vật lý hạt, vật lý thiên văn, vũ trụ học.

Đánh giá về sự kiện này, GS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, nói: “Đây là lần đầu tiên ở châu Á tạo được một diễn đàn học thuật ở trình độ cực cao như thế”.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Hội Vật lý Việt Nam soạn thảo chiến lược phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020 và đang tiếp thu các kết quả nghiên cứu chiến lược đó để xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia phát triển vật lý Việt Nam đến năm 2020. Trong chương trình này, chúng tôi sẽ mời các nhà vật lý người nước ngoài cũng như các nhà vật lý Việt Nam ở nước ngoài tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu vật lý tại Việt Nam, bao gồm cả việc lãnh đạo các trung tâm nghiên cứu xuất sắc hoặc các nhóm nghiên cứu mạnh về vật lý.

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm