ĐHQG TP.HCM tuyển sinh năm 2010 với nhiều điểm mới

Những điểm mới này được đề ra trong Hội nghị Tổng kết tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 và phương hướng tuyển sinh năm 2010 diễn ra ngày 23/11.

Mở nhiều ngành mới

ĐHQG TP.HCM dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 lên 12.985 em, bằng 102,5% so với năm 2009 (là 12.820 em).

Theo đó, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế đều tăng chỉ tiêu vì dự kiến mở một số ngành mới. Cụ thể Trường ĐH Bách khoa mở 1 ngành mới và xét tuyển thêm kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp cho ngành mới này; ĐH Quốc tế có 2 ngành mới: Kỹ thuật công nghiệp và hệ thống (dự kiến khối A, D1) và ngành Kỹ thuật Y sinh (dự kiến khối A, B).

Ngoài ra, ĐHQG còn có Khoa Y mới thành lập khiến cho chỉ tiêu của trường tăng.

Trong khi đó, Trường ĐH KH XH&NV vẫn giữ nguyên chỉ tiêu 2.800 em như năm ngoái nhưng có đến 4 ngành mới dự kiến được đưa vào năm 2010, đó là ngành Du lịch (dự kiến khối A, B, C, D1); Ngữ văn Tây Ban Nha (dự kiến khối D1, D3, D4, D5); Hàn Quốc học (dự kiến khối D1, D7); Nhật Bản học (dự kiến khối D1, D6).

“Việc mở các ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo sự hài hòa cho các ngành khác trong trường. Do có nhiều ngành không tuyển được thí sinh” - TS. Lê Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH KH XH&NV cho biết như vậy khi giải thích về nguyên nhân mở các ngành trên.

Xét tuyển ngành “khó nhai”

Thực tế, nhiều ngành khối C của Trường ĐH KH XH&NV năm nay phải gọi đến NV2 nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Để hạn chế tình trạng này, ông Phước hy vọng: “Mong là năm tới có phương án tuyển sinh hợp lý hơn và có cơ chế mới”. Được biết, những năm gần đây, trường gặp khó khăn về đầu vào ở nhiều ngành.

Theo ông Phước, những ngành như Ngữ văn Nga, Ngữ văn Đức... là những ngành không thể bỏ được vì dù ít được ưa chuộng nhưng lại có giá trị. Vì thế, thí điểm xét tuyển đối với những ngành này là tốt nhất.

Theo đó, năm 2010, ĐHQG dự kiến thí điểm cho xét tuyển đối với một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Bên cạnh, các ngành có tỉ lệ đăng ký dự thi thấp, điểm đầu vào không cao, tuyển không đủ chỉ tiêu cũng có thể cho xét tuyển. Như ngành Hải dương học, Khí tượng thủy văn và Chương trình liên kết của Trường ĐH Quốc tế.

Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng ban tổ chức cán bộ ĐHQG TP.HCM cho rằng nên có chủ trương xét tuyển như thế nào đó để tránh tình trạng thí sinh dựa vào việc xét tuyển để được vào ĐH mà không đảm bảo chất lượng.

Tuyển thẳng học sinh phổ thông năng khiếu

Nhằm thu hút học sinh năng khiếu vào các ngành khoa học cơ bản, thực hiện liên thông trong hệ thống ĐHQG TP.HCM, ĐHQG dự kiến xét tuyển thẳng học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu vào các ngành đúng với lớp chuyên như CNTT, Văn, Toán, Sinh…

PGS.TS. Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cũng đưa ra vấn đề nảy sinh trong chuyện này: “Có ý kiến cho rằng học sinh từ các trường chuyên khác trên cả nước cũng có chất lượng khá tốt. Như vậy thì phải đối xử với các em này như thế nào?”.

TS. Dương Anh Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN đề xuất có thể dùng cơ chế thí điểm ở Trường PTNK trước, nếu thí điểm được ở đây thì sau này có thể mở rộng ở các trường khác. “Trường PTNK là do ĐHQG TP.HCM kiểm soát nên có thể kiểm định được chất lượng” - ông Đức đưa ra lý giải như vậy.

Còn ông Phước đề xuất nếu tuyển thẳng vào Trường ĐH KH XN&NV thì nên tuyển vào các ngành khoa học cơ bản và ngoại ngữ. Ví dụ học sinh chuyên Văn có thể tuyển thẳng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, chuyên Anh thì tuyển thẳng vào khoa Ngữ văn Anh... Bởi lẽ, như khoa Báo chí thì học sinh không chỉ giỏi Văn là đủ.

Ông Bình cũng nói thêm rằng, phương án tuyển thẳng này cần được khảo sát và có đề án theo dõi, đánh giá lại, có thể là làm test nhỏ ở các em học sinh rồi tuyển vào.

Điểm sàn chung cho vài ngành

Năm tới, ĐHQG dự kiến quy định điểm sàn chung cho ĐHQG TP.HCM đối với các ngành có nhiều cơ sở đào tạo như ngành CNTT, CNSH, Điện tử - Viễn thông, QTKD... Trên thực tế, đã có một số trường quy định điểm sàn chung cho các ngành mang tính tương đồng.

Ngoài ra, ông Bình nói rằng vấn đề tuyển sinh theo khối truyền thống đang được xem xét vì còn nhiều điểm không hợp lý.

Ông Đức đưa ra ví dụ, muốn tuyển sinh ngành CNTT, Trường ĐH KHTN phải tuyển thí sinh thi khối A, tức môn Toán, Lý, Hóa. Trong khi đó, nếu lấy khối A1 là môn Toán, Lý, Anh sẽ hợp lý hơn. “Rõ ràng, đối với ngành CNTT, môn Tiếng Anh rất cần thiết nhưng khối A lại không có môn này” - Ông Đức giải thích.

Cũng theo ông Bình, như trường hợp Trường ĐH KH XH&NV, SV xã hội không có nghĩa là không cần đến tư duy logic. Ông nói thêm: “Phần lớn thí sinh thi khối C thường có khả năng tư duy kém hơn các khối khác. Từ đó làm cho điểm chuẩn trung bình hàng năm của trường này luôn thấp. Đó cũng là gánh nặng cho Trường ĐH KH XH&NV. Vì thế, có thể sẽ không tuyển thí sinh theo các khối truyền thống nữa.”

Theo Minh Quyên ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm