Dạy tích hợp ở tiểu học: Thực tế chưa sẵn sàng!

Nhận định về phương pháp này, TS Hoàng Thị Tuyết, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học của Trường ĐH Sư phạm TP, đánh giá tích hợp được xem là trào lưu dạy học phổ biến trên thế giới và là định hướng lý luận của chương trình tiểu học ở Việt Nam thời gian tới. Nghĩa là sẽ dạy học theo hình thức đa môn hoặc liên môn, đưa nhiều nội dung trong cùng một hoạt động nào đó… giúp học sinh (HS) nắm bắt tốt kiến thức, hiểu được mối liên hệ then chốt giữa các thành tố trong cùng một lĩnh vực. Tại Việt Nam, khối tiểu học đã áp dụng phương pháp này nhiều năm nay và có thể phát triển hơn từ năm 2015.

Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, thẳng thắn thực tế Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho phương pháp này, Bộ cũng chỉ đang thí điểm cho giáo viên phụ trách dạy từng nhóm môn tại một số trường nhưng chưa đánh giá được hiệu quả. “Chúng ta đang tính giáo dục theo xu hướng phân hóa chuyên môn hơn, giúp HS phát triển theo năng khiếu hơn, giờ lại dạy theo hướng tích hợp lại liệu có đi ngược?” - TS Oanh lo lắng.

Nội dung chưa giảm tải, thời gian dạy ở trường còn quá hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên chưa có kỹ năng tích hợp… cũng là những khó khăn được nêu lên tại hội nghị khi bàn về xu hướng giáo dục này tại Việt Nam. TS Lê Đình Thông, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, chỉ rõ tích hợp là dạy kiểu tư vấn, theo hướng cá thể hóa nên yêu cầu lớp học phải dưới 20 HS. Trong khi HS tiểu học ở Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải, có nơi lên đến 50-60 em/lớp, như thế giáo viên sẽ không đủ thời gian và năng lượng đáp ứng được.

Nhiều ý kiến khác xung quanh vấn đề này tại hội thảo đã cho thấy phương pháp này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, cần sự nghiên cứu, đánh giá lại thực tiễn một cách tổng thể mới có thể xây dựng được một chương trình phù hợp với thực tế lâu dài.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm