Dạy học sinh lớp 1 đi chân trần trên thủy tinh

Cuốn sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh (HS) lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam đang gây nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng. Ở bài 15 dạy trẻ về lòng dũng cảm với nội dung “Vượt qua nỗi sợ” kể về câu chuyện “Bạn An dũng cảm” (trang 77), sách viết: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh” (!).

Bên cạnh câu chuyện là hình ảnh bé gái đang giẫm qua thảm thủy tinh để minh họa. Phần thảo luận của bài học có nội dung: “Em đã dũng cảm như thế nào? Em kể về sự dũng cảm của mình cho các bạn cùng nghe”.

Dạy học sinh lớp 1 đi chân trần trên thủy tinh ảnh 1
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) được dạy đi qua thảm thủy tinh. Ảnh: CTV

Hàng trăm HS đăng ký làm theo

Ngày 24-8, bà Nghiêm Hoàng Ngân, Tổng phụ trách đội, người phụ trách lớp học kỹ năng sống của Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội), cho hay trong ngày 22 và 23-8, trường có phối hợp với một trung tâm  tổ chức lớp học về kỹ năng sống cho khoảng 200 HS lớp 6.

Trong đó có bài tập trải nghiệm, HS đi chân trần vượt qua đoạn đường trải mảnh thủy tinh theo cuốn sách để rèn luyện sự tự tin, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Đây là hoạt động ngoại khóa, không nằm trong chương trình học. HS đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Bà Dương Kim Tuyến, Giám đốc trung tâm chuyên giáo dục kỹ năng sống (đơn vị phối hợp với Trường THCS Nguyễn Tri Phương thực hiện bài trải nghiệm trên), cho biết HS tham gia bài tập trải nghiệm phải vượt qua đoạn đường trải mảnh vỡ thủy tinh dài khoảng 60 cm. Trong quá trình thực hiện, hai nhân viên của trung tâm sẽ đứng bên cạnh đỡ tay các em HS để giảm bớt lực từ bàn chân đè xuống đống thủy tinh, đồng thời động viên HS vượt qua thử thách.

“Ngày 22 và 23-8, số học sinh tham gia bài tập có tới 90% em dám đi qua đoạn đường có mảnh vỡ thủy tinh. Sau bài tập, phần lớn HS hào hứng, tự tin hơn. Không có sự cố nào xảy ra” - bà Tuyến cho biết.

 “Chúng tôi muốn HS hiểu rằng bài học rút ra là HS không dám thử nghiệm; nếu sợ đi đầu, các em sẽ bị lùi lại đằng sau. Nếu HS vượt qua được bài tập trải nghiệm đi trên thủy tinh thì sẽ vượt qua được những thử thách lớn hơn” - bà Tuyến nói.

Bìa sách và bài tập dạy học sinh lớp 1 dũng cảm. Ảnh: T.TUYỀN 

Ai chịu trách nhiệm?

TS Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho HS lớp 1, cho biết về mặt vật lý học, những mảnh thủy tinh hoàn toàn an toàn vì thủy tinh to cỡ bằng bao diêm, dày trên 3 cm. Khi người đạp lên thì mảnh nào nhọn sẽ trồi lên, tiết diện bé, áp suất lớn; mảnh nào nằm ngang thì tiết diện bé, áp suất lớn nên không có một chút đau đớn nào cả.

Theo ông Việt, thông điệp sau bài dạy là không phải lúc nào cuộc đời cũng nguy hiểm như chúng ta nghĩ mà chúng ta phải đối mặt với sợ hãi. HS phải thực hành để trải nghiệm và thấu hiểu.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 24-8, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết đã đề nghị tác giả  giải trình. Dự kiến hôm nay (25-8) NXB sẽ có ý kiến chính thức.


Quá nguy hiểm!

Việc dạy các em nhỏ đi trên mảnh thủy tinh là không nên. Có nhiều hoạt động kỹ năng sống rất quan trọng có thể dạy cho trẻ, không nhất thiết là cho trẻ đi trên mảnh thủy tinh mới là thể hiện sự dũng cảm. Cơ chế tâm lý lứa tuổi này là cơ chế bắt chước, các em bắt  chước mọi thứ ngoài đời các em nhìn thấy. Các em bắt chước ăn mặc, đi lại, kể cả tham gia giao thông, đội nón bảo hiểm… Nếu một lúc nào đó các em về nhà, không có người lớn theo dõi mà các em bắt chước việc này thì cực kỳ nguy hiểm. Điều nguy hiểm hơn, khi chúng ta trang bị kỹ năng mà quá sức với các em thì các em dễ rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi, ám ảnh. Trẻ nhỏ là lứa tuổi rất nhạy cảm vì đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách.

Chuyên gia tâm lý HUỲNH ANH BÌNH, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM

Tiêu điểm

Sao lại có kiểu dạy trẻ kỳ cục như vậy? Dạy kỹ năng sống cho trẻ là việc nên làm. Nhưng việc dạy trẻ lớp 1 đi trên mảnh thủy tinh thì không nên, kể cả việc mảnh thủy tinh đó đã được mài cạnh sắc. Với tuổi của các em chưa thể phân biệt được, nếu sau này các em thấy một đống thủy tinh tương tự rồi giẫm lên thì sao. Ai chịu trách nhiệm về sự nguy hiểm này?

Chị NGUYỄN THÚY AN, có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học Thành Công (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm