Đất chờ thành phố - Tiền chờ Chính phủ

Trường cũng muốn dời nhưng thiếu vốn, giá đền bù đất quá cao, thủ tục cấp phép còn rườm rà.

PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM , kiến nghị: “Chắc chắn quy hoạch là việc nên làm nhưng di dời thì vẫn cần một cơ sở ở nội thành để trường hợp tác quốc tế, đào tạo sau ĐH, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ như văn bằng hai, tại chức…”. Tiến sĩ Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học-đồ chơi trẻ em, cho biết: “Việc di dời một phần hay toàn bộ là bắt buộc. Có ba tiêu chí khi xem xét di dời ở mức nào là: đất đai, ngành nghề đào tạo, năm thành lập và xây dựng”. Theo ông Cần, khu ĐH tập trung của TP.HCM dự kiến sẽ phát triển theo nhiều mô hình: đô thị ĐH, khu ĐH và cụm trường ĐH, trường ĐH và CĐ hoặc trường CĐ. Các trường được bố trí riêng lẻ hoặc kết hợp để cùng hợp tác chia sẻ tài nguyên (giảng viên, cơ sở vật chất và các trang thiết bị, trung tâm tư liệu, cơ sở hạ tầng thông tin…). Khu ĐH có thể chỉ có các trường đào tạo cùng một lĩnh vực, chuyên môn hóa sâu hoặc các trường đào tạo đa lĩnh vực, liên ngành và đa ngành.

Ba năm chưa xong thủ tục

Bà Quỳ cho biết quy hoạch ĐH Luật và ĐH Kinh tế nằm ở khu đông bắc TP, đã thực hiện nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xong. Tốc độ làm rất chậm, vướng rất nhiều thứ mà trường không thể tự làm được. “Cụm trường chúng tôi lâu nay vẫn đứng yên tại chỗ do tiền giải phóng mặt bằng quá lớn. Vấn đề ở đây là tiền!” - bà Quỳ nói.

Đất chờ thành phố - Tiền chờ Chính phủ ảnh 1

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thành lập từ năm 1976, diện tích đất đang sử dụng chỉ có 1,5 ha. Trường này cần bổ sung 66,3 ha mới đủ điều kiện đảm bảo chất lượng. Ảnh: QUỐC DŨNG

Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến Nguyễn Mộng Hùng cũng cho biết từ năm 2006, trường đã được UBND TP.HCM cấp lô đất 5,6 ha ở huyện Bình Chánh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh. Nhưng từ năm 2007 đến nay, trường triển khai bồi thường giải tỏa nhưng vẫn chưa xong, mặc dù tiền đền bù tăng gấp năm lần giá trị thường. Tiến sĩ Huỳnh Trọng Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP.HCM, dẫn chứng: “Trường đồng ý chuyển ra ngoại thành nhưng đấu giá ba năm nay vẫn không bán đất được để chuyển đi”. Còn PGS-TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thì cho biết: “Làm thủ tục xây dựng vô cùng gian khổ, mất rất nhiều thời gian. Trường tôi làm mỗi thủ tục xây dựng ký túc xá mà ba năm chưa xong. Tôi đề nghị nhà nước cần có cơ chế như thế nào để giúp các trường làm thủ tục xây dựng nhanh hơn”.

Vốn chờ Chính phủ

Tiến sĩ Trần Duy Tạo khẳng định việc di dời là chủ trương lớn của Chính phủ, vừa giải quyết vấn đề giao thông và sự phát triển của các trường. Cục sẽ đề xuất cụ thể với Bộ Xây dựng các phương án trong năm, mười năm tới phải thực hiện được đất đai. Nếu không lo đất đai thì sau này sẽ hết sức khó khăn. Ông Tạo cho rằng: “Năm nay Bộ GD&ĐT đầu tư xây dựng cơ bản cho các đơn vị trực thuộc thì chỉ mấy trăm tỉ đồng. Nay Chính phủ đã có ý định di dời các trường thì Chính phủ sẽ có chính sách, kế hoạch để thúc đẩy nguồn tài chính. Hiện TP.HCM cho các trường di dời vay kích cầu theo cơ chế đặc thù (mức vay tối đa có thể đến 300 tỉ đồng/trường và thời gian hỗ trợ cấp bù lãi vay là năm năm). Trong thời gian năm năm, trường di dời phải tích cực thanh lý cơ sở vật chất, mặt bằng cũ để tạo vốn và hoàn trả vốn vay được ngân sách TP hỗ trợ vay”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết di dời các trường ra ngoại thành là tương lai sống còn của giáo dục ĐH: xây dựng trường ĐH, CĐ đúng tầm cỡ, đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng đào tạo lâu dài… “Quỹ đất càng ngày càng eo hẹp dần, chúng ta cần phải thực hiện di dời càng sớm càng tốt để có quỹ đất. Vì vậy đề nghị tất cả các trường đề xuất phương án cụ thể gửi cho Bộ GD&ĐT. Hầu hết các trường đều cho rằng việc để tự các trường tìm đất đai giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng rất khó thực hiện. Nếu để các trường tự lo thủ tục, đất đai, giải phóng mặt bằng, tìm kinh phí xây dựng… thì hầu hết các trường không thể thực hiện được. Vì vậy với các vấn đề vốn, cơ chế chính sách…, các trường cần đề xuất với Bộ để Bộ trình Chính phủ” - ông Ga nói.

Ông Ga cũng kiến nghị: TP.HCM tiếp tục quy hoạch quỹ đất cho giáo dục thì cố gắng giữ lại cho ngành giáo dục khi ngành chưa có tiền, không nên làm khu công nghiệp, xây chung cư… Đối với các trường sau khi dời ra ngoại thành đều muốn giữ lại cơ sở nội thành để đảm bảo quan hệ quốc tế, giữ truyền thống lịch sử của trường, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ nhưng sau này quy mô trong nội thành sẽ giảm dần.

TP.HCM sẽ có ba ĐH tập trung, gồm: Khu ĐH phía tây bắc TP (địa bàn của huyện Hóc Môn, Củ Chi): diện tích 660 ha, đã bố trí cho các trường ĐH Sư phạm, Y Dược, Mở, CĐ Văn hóa nghệ thuật-Du lịch Sài Gòn và đô thị ĐH quốc tế VIUT; khu ĐH phía nam TP (địa bàn quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè): diện tích 735 ha, sẽ bố trí các trường ngành khoa học xã hội và nhân văn, thể dục thể thao, tài chính-kế toán thuộc các trường ĐH Sài Gòn, Tôn Đức Thắng, Cảnh sát nhân dân, RMIT, Kỹ thuật công nghệ, CĐ Tài nguyên và Môi trường; khu ĐH phía đông bắc TP (địa bàn quận 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An, Bình Dương): diện tích 815 ha, trong đó khu ĐH Quốc gia TP.HCM 643,7 ha, khu cù lao Long Phước 172 ha, đã bố trí các trường ĐH Luật, Kinh tế, Marketing, Trường Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Tài chính hải quan.

Quyết liệt dời trường ĐH ra ngoại thành

Ngày 1-12, Bộ GD&ĐT đã họp với các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM về quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ tại vùng TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thời gian tới sẽ di dời các trường ĐH trong nội thành ra ngoại thành. Tiến sĩ Nguyễn Bá Cần, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học-đồ chơi trẻ em, cho biết trong những năm gần đây quy mô đào tạo của hầu hết các trường tăng rất nhanh nhưng quỹ đất và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo tăng không đáng kể. Vì vậy chỉ tiêu bình quân diện tích đất/sinh viên và bình quân diện tích đất/đơn vị trường rất thấp so với tiêu chuẩn xây dựng trường ĐH Việt Nam.

Sẽ khống chế chỉ tiêu tuyển sinh theo diện tích của trường

Trong năm 2011, Bộ sẽ có phương án cụ thể để xác định tiêu chí trường nào di dời hoàn toàn, di dời một phần, ở lại hoàn toàn… Một trường ĐH không thể chỉ rộng một vài hecta hoặc vài ngàn mét vuông, mà phải có quỹ đất lớn hơn để đạt tiêu chuẩn cần thiết. Trong xu hướng nâng cao chất lượng đào tạo thì một trong những tiêu chí xác định chất lượng trường là số mét vuông/sinh viên (tiêu chuẩn 1 ha = 1.000 sinh viên). Như vậy, trong tương lai sẽ gắn diện tích trường với chỉ tiêu tuyển sinh. Trường hẹp không thể tuyển quá nhiều sinh viên, không đảm bảo chất lượng. Đất đai không thể sinh ra được, do đó chúng ta phải tính toán. Lẽ ra chúng ta phải làm chuyện này 10-15 năm về trước nhưng chúng ta chưa có điều kiện làm nên bây giờ phải tính toán, nếu không thì đất sẽ không còn. Tương lai các trường sẽ bị Bộ khống chế về chất lượng. Khi siết chất lượng thì các trường phải tính ngay từ bây giờ để tồn tại. Hiện có hơn 40 trường có diện tích dưới 2 ha. Như vậy việc di dời phải tính ngay, nếu không sau này trường rất ít sinh viên thì trường còn có thể kéo dài đào tạo không và có tính kinh tế không. Phải nghĩ ngay phương án từ bây giờ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm