Đăng ký nguyện vọng 2: Trường nào nhiều cơ hội?

Theo thống kê của Pháp Luật TP.HCM, chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào các trường ĐH công lập là hơn 43.000, các trường ĐH ngoài công lập có hơn 41.000. Tuy nhiên, nếu chọn sai trường sẽ gặp cảnh bút sa gà chết, điểm cao mà vẫn rớt.

Năm nay, chỉ tiêu NV2 không nhiều mà diện thí sinh có điểm thi trên điểm sàn lại quá đông.  Nhiều trường ĐH phía Bắc ấn định điểm trúng tuyển cao nên phải xét tuyển thêm NV2 để đủ chỉ tiêu. Chính vì vậy mà điểm xét tuyển NV2 ở khu vực phía Bắc khá cao. Còn ở phía Nam, tình hình có vẻ êm ả hơn do điểm trúng tuyển được xây dựng vừa phải. Tuy nhiên, cơ hội NV2 vào các trường phía Nam sẽ phải khó hơn, do vậy phải suy nghĩ thật kỹ để chọn trường, chọn ngành cho đúng, không thì mất cả chì lẫn chài.

Phía Nam: 16 điểm vẫn rớt dân lập

Một thông tin gây choáng là Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 13 điểm nhưng nếu dưới 17 điểm thì thí sinh khó trúng tuyển ngành quan hệ quốc tế và tiếng Anh, quản trị kinh doanh quốc tế; dưới 16 điểm thì hãy từ bỏ ý định vào ngành tiếng Anh, quản trị du lịch-khách sạn; dưới 15,5 điểm cũng khó vào ngànhquản trị hành chính văn phòng. Trong khi với mức 13-14 điểm thì chắc chắn đậu vào các ngành tiếng Trung, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Nhật Bản học, công nghệ thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, cho biết: “Các ngành có điểm trúng tuyển NV2 cao là ngành nhiều thí sinh đăng ký nhất. Năm ngoái điểm trúng tuyển NV2 bằng điểm NV1 nhưng năm nay hoàn toàn khác vì chỉ tiêu ít và số trúng tuyển NV1 tăng lên”. Tuy nhiên, theo ông Cường, điểm trúng tuyển một số ngành năm nay cao là do trường đưa ra giải pháp “cứu” các ngành khó tuyển. Theo đó, trường nâng điểm chuẩn những ngành dễ tuyển trên điểm sàn. Thí sinh phải cân nhắc chọn nguyện vọng kế tiếp vào các ngành khó tuyển như tiếng Trung, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học hoặc chọn các trường khác. “Việc nâng điểm trúng tuyển vào các ngành dễ tuyển không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh các ngành đó vì năm nào trường cũng tuyển được vượt nhiều so với chỉ tiêu dự kiến. Mặt khác, điều này cũng nâng được chất lượng đầu vào các ngành dễ tuyển” - ông Cường nói.

Đăng ký nguyện vọng 2: Trường nào nhiều cơ hội? ảnh 1

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 năm 2009 tại Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: QUỐC DŨNG

Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phó Trưởng phòng Đào tạo Tạ Quang Lâm cho biết thí sinh từ 14 điểm trở lên có cơ hội trúng tuyển cao ngành cử nhân công nghệ thông tin. Ở mức 18 điểm (đã nhân hệ số môn ngoại ngữ) có khả năng trúng tuyển ngành sư phạm song ngữ Nga-Anh, sư phạm tiếng Pháp, cử nhân song ngữ Nga-Anh, cử nhân tiếng Trung Quốc. Ông Lâm cũng cho hay nếu muốn trúng tuyển vào ngành cử nhân tiếng Nhật phải trên 16 điểm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ tiêu NV2 vào trường năm nay nhiều nhất là 130 của ngành khai thác máy tàu thủy. Với mức điểm nhận hồ sơ là 13 và theo thống kê điểm trúng tuyển NV2 của nhiều năm trước thì điểm trúng tuyển NV2 ngành này chỉ cao hơn mức nhận hồ sơ 1,5-2 điểm. Nhiều ngành cũng ở mức cao hơn sàn 2 điểm là điện và tự động tàu thủy, cơ giới hóa xếp dỡ cảng, máy xây dựng, thiết bị năng lượng tàu thủy

Còn Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hàng loạt ngành mà thí sinh có mức 14 điểm khối A có khả năng trúng tuyển cao là: cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm, chế biến lâm sản, công nghệ giấy và bột giấy, công nghệ nhiệt lạnh, điều khiển tự động, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật ôtô. Các ngành cùng tuyển khối A và B thì nếu cao hơn điểm sàn xét tuyển 0,5-1 điểm có thể vào được các ngành lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, ngư y, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nông nghiệp… Một số trường ĐH công lập rộng cửa cho NV2 là ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ, ĐH Quy Nhơn, ĐH An Giang, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nha Trang, ĐH Đồng Tháp.

Trường ĐH Văn Lang cho hay thí sinh đủ điểm sàn có thể xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật nhiệt lạnh, xây dựng dân dụng và công nghiệp, công nghệ và quản lý môi trường. Các ngành tài chính-tín dụng, kế toán, quản trị kinh doanh, thương mại phải cao hơn điểm sàn 1-2,5 điểm. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Trường luôn tạo điều kiện để thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký được chuyển sang ngành khác có cùng điểm và khối thi với ngành đăng ký”. Tương tự, các trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Duy Tân, ĐH Võ Trường Toản… cũng ấn định điểm trúng tuyển NV2 tất cả các ngành bằng điểm sàn xét tuyển.

Phía Bắc: Công lập điểm cao

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có nhiều chỉ tiêu cho ngành khí tượng-thủy văn-hải dương học, công nghệ biển, địa chất với điểm nhận hồ sơ là 17. Thống kê nhiều năm qua điểm trúng tuyển NV2 chỉ bằng điểm sàn nhận hồ sơ. Các trường ĐH thành viên của ĐH Thái Nguyên như ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Nông Lâm, ĐH Khoa học, khoa Công nghệ thông tin đều xét tuyển NV2 bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Do đó nhiều ngành như kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, quản lý công nghiệp, kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, trồng trọt, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ điều khiển tự động, hệ thống thông tin kinh tế… thí sinh chỉ cần đạt 13 điểm theo sàn là trúng tuyển.

Tiến sĩ Phạm Văn Điển, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, cho hay hằng năm điểm trúng tuyển NV2 của trường đều bằng điểm NV1. Tình hình năm nay những ngành tuyển nhiều chỉ tiêu NV2 như chế biến lâm sản, thiết kế-chế tạo đồ mộc và nội thất, kỹ thuật cơ khí, hệ thống thông tin, xây dựng công trình, lâm học vẫn sẽ tương tự. Riêng cơ sở 2 của trường đào tạo tại Đồng Nai có thể phải xét tuyển cả NV3 cho ngành kế toán, quản lý tài nguyên rừng và môi trường.

Năm nay Trường ĐH Mỏ-Địa chất xét tuyển NV2 với chỉ tiêu gần gấp đôi năm 2009, như địa chất, trắc địa, mỏ có 180 chỉ tiêu trong khi năm ngoái chỉ có 100; còn công nghệ thông tin đến 225 (năm ngoái 100)…, thí sinh có điểm thi cao hơn 15 thì có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường.

Cửa NV2 khá rộng ở các trường ĐH ngoài công lập. Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân còn đến 550 chỉ tiêu, mỗi ngành có 100 chỉ tiêu gồm công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán, tiếng Anh cho các khối A, B, D1 mà điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Trường ĐH Phương Đông còn đến 1.500 chỉ tiêu NV2, trong đó hàng trăm chỉ tiêu cho ngành công nghệ thông tin, kiến trúc, xây dựng dân dụng và công nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, tài chính-ngân hàng, kế toán, tiếng Anh… Điểm trúng tuyển NV2 bằng điểm sàn của Bộ và nếu không tuyển đủ NV2 trường sẽ tuyển tiếp NV3.

Hàng loạt trường cũng dành hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển NV2, trong đó nhiều ngành hàng trăm chỉ tiêu NV2 gồm ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Hòa Bình, ĐH Đại Nam, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, ĐH Thành Đô, ĐH Thành Tây…

Cẩn trọng với trường, ngành có ít chỉ tiêu

Khi đăng ký xét tuyển NV2, thí sinh phải xem kỹ chỉ tiêu của trường, ngành mình định nộp hồ sơ có phù hợp với điểm thi hay không. Nếu điểm thi chỉ cao hơn 1 điểm so với những ngành có ít chỉ tiêu thì không nên nộp hồ sơ vào ngành đó. Chẳng hạn Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ có 50 chỉ tiêu với mức 15 điểm ngành kỹ thuật dệt may. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) các ngành kỹ thuật y sinh, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh chỉ tuyển vài chỉ tiêu. Các trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí tuyên truyền… cũng chỉ có 5-20 chỉ tiêu cho mỗi ngành tuyển NV2.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm