Dân số “vàng”, dân trí thấp: Giáo dục VN hành động gì?

Đây chính là cơ hội với những đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi nhất để có thể hoàn thành quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Song, một trong những trở ngại lớn là chất lượng lực lượng lao động trẻ vẫn còn khá thấp. Liệu ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có đủ sức tận dụng thời cơ vàng này để xoay chuyển tình thế, tạo nền kiến thức và chuyên môn “vàng” cho một thế hệ dân số lý tưởng?

Khi tổng tỉ số phụ thuộc tính trên cơ sở dân số 15-64 tuổi đạt mức 50%, tức là cứ hai người trong độ tuổi lao động mới phải gánh một người ngoài độ tuổi lao động thì dân số bước vào thời kỳ “dư lợi nhân khẩu học” hay thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Hiện nay, trong 10 nước ASEAN đã có sáu nước có cơ cấu dân số vàng, chỉ còn dân số của các nước Malaysia, Campuchia, Philippines và Lào là chưa đạt cơ cấu dân số vàng.

Một nền giáo dục hàm chứa mâu thuẫn tự thân

Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã phản ánh tình hình khả quan về giáo dục của Việt Nam. Năm 2009, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 93,5%. Trong nhóm dân số từ năm tuổi trở lên, có 24,7% đang đi học, 70,2% đã thôi học và chỉ có 5,1% chưa bao giờ đến trường. Tuy nhiên, bên cạnh những con số khả quan trên, nền giáo dục Việt Nam vẫn tồn tại những mâu thuẫn ngay trong nội tại mà nếu không có sự quan tâm giải quyết đúng mực sẽ trở thành những vấn đề mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt hơn.

Theo chuyên khảo giáo dục của Tổng cục Thống kê, khoảng cách dân trí giữa nông thôn-thành thị tại 63 tỉnh, thành vẫn còn khá nặng nề. Chẳng hạn, tỉ lệ biết đọc, biết viết của dân số 15 tuổi trở lên ở nông thôn thấp hơn thành thị. Ở trình độ ĐH-CĐ, dân ở các tỉnh, thành kinh tế phát triển có tỉ lệ nhập học đúng tuổi cao hơn tỉnh, thành kém phát triển gấp nhiều lần. Chẳng hạn, tỉ lệ này ở TP Đà Nẵng là 50,6%, trong khi ở Lai Châu chỉ có 1%. Tỉ lệ dân số tốt nghiệp THPT trở lên ở thành thị cũng cao gấp ba lần so với ở nông thôn (37,4% ở thành thị so với 13,8% ở nông thôn)…

Dân số “vàng”, dân trí thấp: Giáo dục VN hành động gì? ảnh 1

Nguồn số liệu: Việt Nam: số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 (mẫu 15%).  Các nước khác: UNESCO (15).

Ngoài ra, trình độ học vấn giữa năm nhóm hộ gia đình (từ nhóm nghèo nhất tới giàu nhất) cũng có khoảng cách rất lớn: Trong khi tỉ lệ dân số từ năm tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT trở lên của nhóm hộ rất giàu đạt 43% thì tỉ lệ này ở nhóm hộ nghèo nhất chỉ có 3,9%.

Bất bình đẳng có liên quan đến mọi tệ nạn xã hội

Những con số trên đã minh chứng cho mối quan hệ tỉ lệ thuận giữa trình độ học vấn và điều kiện kinh tế-xã hội của hộ gia đình, cũng như của từng địa phương. Và nếu sự bất bình đẳng giàu-nghèo cả về vật chất lẫn kiến thức giãn rộng sẽ là một tai họa cho xã hội. Richard Wilkinson và Kate Pickett - hai tác giả của “The Spirit Level: Tại sao bình đẳng tốt cho tất cả mọi người” từng gây xôn xao tại Anh bằng cách thông qua các biểu đồ và số liệu phong phú mà họ đã nghiên cứu và thu thập giữa các quốc gia đã chỉ ra rằng: Bất bình đẳng có liên quan tới mọi tệ nạn xã hội!

Trong khi đó, đáng lo ngại là tại Việt Nam, chênh lệch về mức sống giữa nhóm giàu với nhóm nghèo có xu hướng giãn ra ngày càng sâu sắc. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chênh lệch giữa 20% nhóm thu nhập cao nhất với 20% nhóm thu nhập thấp nhất đã tăng từ bảy lần năm 1995 lên 8,9 lần năm 2009. Ở thành thị và nông thôn, khoảng cách này lần lượt là 8,2 lần đến 8,3 lần và từ 6,5 lần đến 6,9 lần trong cùng giai đoạn.

Trong thực tế, chúng ta đã chứng kiến xu hướng gia tăng của tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo thuận chiều với xu hướng diễn biến an ninh trật tự xã hội ngày càng xấu.

Sự lệch pha: Thiếu chuyên viên kỹ thuật

Trình độ học vấn bậc phổ thông chỉ là nền tảng kiến thức cơ bản của một đời người, trình độ kỹ thuật chuyên môn của nhóm dân thuộc độ tuổi lao động mới thực sự là bệ phóng cho sự phát triển của đất nước. Song, đáng tiếc Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc đào tạo các kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện tại. Đây là sự lệch pha kéo dài minh chứng hiệu quả của giáo dục đào tạo rất thấp. Ngành giáo dục không tạo được nhiều cơ hội đào tạo kỹ năng, nghề và kỹ thuật chuyên môn ở các cấp độ sau phổ thông cho thanh niên ở độ tuổi vàng. Và có vẻ như giáo dục VN vẫn chưa có động thái nào thoát khỏi sự lệch pha này. Những nỗ lực ôm đồm qua các kỳ thi phổ thông mà chúng ta vừa chứng kiến cho thấy những người làm giáo dục chỉ đang tiếp tục lối mòn, thúc đẩy sự lệch pha ngày càng trầm trọng hơn thay vì rẽ hướng mới.

Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, có 18,9% dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc trung và chỉ có 5,4% dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc cao. (Theo Tiêu chuẩn quốc tế, độ tuổi 25 trở lên được coi là độ tuổi mà mỗi cá nhân đã trải qua tất cả các bậc giáo dục cơ bản cũng như đào tạo nghề hay đại học.)

Báo cáo phát triển con người năm 2009 của UNDP chỉ ra rằng các chỉ số này có tương quan qua lại với thành tựu giáo dục nói chung và xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) của các nước. (Xin xem biểu đồ ảnh 1 và ảnh 2; số trước tên mỗi quốc gia là xếp hạng chỉ số HDI)

Qua hai biểu đồ này, ta thấy khoảng cách rất lớn giữa Việt Nam và các nước có xếp hạng HDI cao. Tỉ lệ dân số Việt Nam từ 25 tuổi trở lên đạt trình độ giáo dục bậc cao thậm chí còn thấp hơn những nước có xếp hạng chỉ số phát triển con người thấp hơn (như Nam Phi). Tỉ lệ dân số có trình độ giáo dục bậc trung và bậc cao của Việt Nam đều thấp hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Đây là một vấn đề đáng quan tâm, vì nhóm dân số với trình độ học vấn bậc trung, đặc biệt là bậc cao chính là nhóm chủ chốt tạo nên vốn con người của Việt Nam.

Với tỉ lệ dân số có trình độ học vấn cao ở mức thấp như hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức lớn trong phát triển kinh tế và xã hội. Dĩ nhiên, để có thể tận dụng thời cơ “dân số vàng” như hiện nay đòi hỏi Chính phủ phải có nhiều quyết sách đồng bộ về kinh tế-xã hội để giảm dần những bất bình đẳng giàu nghèo, tạo thêm điều kiện đến trường cho người nghèo, chú trọng hơn nữa tới hệ thống giáo dục đại học và nhất là đào tạo nghề ở mức trung cấp trở lên. Đây sẽ là một động thái phù hợp để nắm bắt cơ hội mà cấu trúc dân số trẻ mang lại và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

MAI LAN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.