NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2010:

“Đãi cát tìm vàng” cho ngành giáo dục

Lỗi đầu vào

Theo trang web của Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), nghiệp vụ sư phạm là một trong những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo giáo viên. Mục đích của nội dung này nhằm hình thành nǎng lực nghề nghiệp, cả về lý luận và thực hành. Đó là việc rèn luyện các kỹ năng sư phạm, bắt đầu từ các kỹ năng đơn giản nhất (đọc, viết bảng...) đến các kỹ năng phức tạp nhất (tổ chức các hoạt động học tập, các mối quan hệ trong giờ học, giải quyết các tình huống sư phạm, nghiên cứu khoa học giáo dục...).

Bây giờ thử đặt câu hỏi, trường sư phạm đã trang bị cho giáo viên tương lai một hệ thống kiến thức và lý luận về nghiệp vụ. Vậy tại sao trong thực tế lại có người thầy ứng xử “chẳng ra làm sao” với học trò của mình? Câu trả lời chỉ có thể là do giáo viên đó chểnh mảng việc học về cái nghề mà mình chọn theo suốt cuộc đời. “Em không biết mấy năm học nghiệp vụ sư phạm em đã tiếp thu được cái gì!” - không ít sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp thú nhận như vậy khi được hỏi đã chuẩn bị hành trang gì trên con đường đến với học trò.

“Đãi cát tìm vàng” cho ngành giáo dục ảnh 1

Đội ngũ giáo viên giỏi năng lực là mục tiêu của ngành giáo dục. Ảnh minh họa: TH.C

Sự lơ là việc học có lý do của nó. Hằng năm, trong mùa tuyển sinh có một bộ phận không nhỏ sinh viên “vào nhầm” trường sư phạm. Một số khác đơn giản học chỉ để có một tấm bằng đại học. Bằng chứng là hiện có một số trường sư phạm đã mở ra nhiều ngành “ngoài sư phạm” để đáp ứng cho nhu cầu này.

“Một bác sĩ mắc sai lầm có thể làm chết một bệnh nhân, còn một thầy giáo mắc sai lầm có thể làm hỏng một thế hệ”.

Mặt khác, dạy học là một nghề, nhưng trên hết nó là một nghệ thuật. Bởi vậy nó đòi hỏi cần phải kiểm tra năng khiếu đầu vào như đào tạo các môn nghệ thuật khác. PGS-TS Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD&ĐT (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), từng đề nghị nên có thêm cuộc thi vấn đáp về năng khiếu để lựa chọn thí sinh vào ngành sư phạm. “Một bác sĩ mắc sai lầm có thể làm chết một bệnh nhân, còn một thầy giáo mắc sai lầm có thể làm hỏng một thế hệ”. Với lập luận như vậy, các trường sư phạm yêu cầu phải tuyển được người vừa giỏi vừa có năng khiếu truyền đạt, giao tiếp. Nhưng thực tế thì không như vậy, thậm chí còn ngược lại, “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Tóm lại, với đầu vào như trên, sinh viên hoặc không có năng khiếu hoặc không có động cơ học tập thì làm sao trở thành giáo viên giỏi được.

Lỗi hệ thống

Nhưng lỗi không chỉ từ phía giáo viên. Một khi nhiều giáo viên cùng có ứng xử sư phạm kém thì phải xem lại hệ thống đào tạo. Các trường sư phạm do vậy phải có một phần trách nhiệm trong việc này. Tại một hội thảo về nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các trường đại học sư phạm diễn ra hồi đầu năm 2010 tại Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết có tới 50% giáo sinh muốn đổi nghề do thiếu tự tin trong quá trình thực tập sư phạm. Từ đó ông đi tới một nhận định mà hầu hết các chuyên gia tại hội nghị đều đồng tình: Việc giảng dạy tại các trường sư phạm hiện nay chưa chú ý đến nghiệp vụ sư phạm. Chương trình mang nặng tính hàn lâm, lý luận chưa gắn với thực tiễn.

Đã vậy, các trường sư phạm dường như cũng không tập trung lắm cho nhiệm vụ trọng tâm của mình. Nhiều trường lo mở nhiều ngành ngoài sư phạm để “đảm bảo nguồn thu”. Rõ ràng có cái gì đó không ổn trong việc đào tạo sư phạm hiện nay.

Người giỏi chịu vào trường sư phạm ngày càng ít hơn. Vì sao ư? Vì thu nhập kém hấp dẫn, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường có nhiều cánh cửa để làm giàu.

Mặt khác, mối quan hệ tương tác giữa trường sư phạm và hệ thống trường phổ thông hiện còn khá rời rạc. Cũng tại hội thảo trên, TS Trương Thị Bích (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích: Trường sư phạm là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho các trường phổ thông. Nói cách khác, đây là nơi “tạo ra sản phẩm”. Còn các trường phổ thông là “khách hàng tiêu thụ sản phẩm”. Thế nhưng nơi đào tạo chưa quan tâm thực sự đến “đơn đặt hàng” của khách, cho ra lò những sản phẩm được đánh giá là “nghèo kỹ năng sư phạm”. Vì đâu nên nỗi này? ThS Nguyễn Thu Tuấn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chỉ ra: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, có tới trên 90% giảng viên các trường sư phạm hầu như chưa tham gia dạy học tại các trường phổ thông nên thiếu kinh nghiệm thực tế”.

Trong khi đó, ở Phần Lan, đất nước có nền giáo dục được đánh giá tốt nhất thế giới hiện nay, giảng viên bộ môn phương pháp dạy học ở các trường đại học sư phạm luôn tự hào có hai công việc chính, một ở trường đại học và một ở trường phổ thông. Nhờ đó, những kỹ năng giảng viên truyền thụ cho sinh viên sư phạm là rất sát với thực tế.

Không còn hấp dẫn

Nhưng đó là những nguyên nhân trực tiếp. Còn một nguyên nhân gián tiếp nhưng tác động của nó rất lớn là nghề dạy học hiện nay không còn hấp dẫn giới trẻ như các nghề thời thượng khác. Người giỏi chịu vào trường sư phạm ngày càng ít hơn. Vì sao ư? Vì thu nhập kém hấp dẫn, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường có nhiều cánh cửa để làm giàu. Tất nhiên cũng có ý kiến phản biện rằng ngày trước các cụ dạy học cũng sống đạm bạc mà sao cánh cửa vào trường sư phạm khó chen chân? Xin trả lời vì ngoài đồng lương đủ sống, các cụ còn có một địa vị xã hội nhất định, được nhiều tầng lớp người dân kính trọng. Các giá trị truyền thống đó đang đổ vỡ dần trong dòng chảy cuộc sống hiện tại mà các giá trị vật chất được giới trẻ đánh giá cao hơn. Mặt khác, ngày trước giáo viên là tinh hoa của xã hội. Còn nay tiến tới xã hội học tập, giáo viên trở thành số đông, từ thị thành đến nông thôn, miền núi đều có. Giá trị xã hội của nghề giáo vì vậy cũng không còn như trước.

Tâm hồn học sinh như tờ giấy trắng. Nhất cử nhất động của người thầy đều để lại dấu vết. Ai cũng muốn trong tâm hồn các em có nhiều vết son hơn vết nhơ. Bởi vậy, ngành sư phạm mới có cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương cho học sinh noi theo”. Đó là việc cần nhưng chưa đủ. Cái gốc của vấn đề là có chính sách thu hút người giỏi, người có năng khiếu vào trường sư phạm; có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Từ đó bổ sung, xây dựng đội ngũ nhà giáo có tri thức và tâm huyết với nghề.

Mục tiêu của trường sư phạm là gì?

Là đào tạo giáo viên có trình độ cho hệ thống giáo dục phổ thông hiện tại và tương lai. Đó là những người có phẩm chất chính trị vững vàng; có lập trường tư tưởng đúng đắn; có tư cách đạo đức tốt; yêu nghề và sẵn sàng công hiến cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo; có khả năng chuyên môn và nghiệp vụ; có óc sáng tạo; có khả năng và sự say mê tự học, tự nghiên cứu; vừa có khả năng đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của thực tiễn giáo dục phổ thông ngay sau khi tốt nghiệp, vừa được chuẩn bị tiềm năng cơ bản cho sự thích ứng để có thể đương đầu và không ngừng phát triển nghề nghiệp, hoàn thiện nhân cách trong tương lai giáo dục được dự báo là biến đổi không ngừng.

(Theo TS LÊ THỊ THANH THẢO, Ban Quản lý dự án - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM)


TỪ NGUYÊN THẠCH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm