Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT: Dễ thở!

Ngày 29-3, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Đối với giáo dục THPT, ngoài ba môn cố định là ngữ văn, toán, ngoại ngữ thì ba môn được chọn cho kỳ thi năm nay là hóa học, sinh học và địa lý. Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, môn thi tốt nghiệp năm nay “dễ thở” đối với các trường và học sinh.

Không vất vả ôn thi

Thông tin về các môn thi tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT công bố khiến học sinh hồ hởi. Công Quang, học sinh Trường THPT Marie Curie, cho biết: “Cả lớp em thở phào nhẹ nhõm khi biết không phải thi môn lịch sử. Môn địa lý thì tụi em thoải mái do không phải học thuộc lòng, ghi nhớ sự kiện, ngày tháng”. Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, học sinh Trần Mỹ Linh nói: “Em thấy môn thi phù hợp để chuẩn bị thi ĐH vì trải đều tất cả các khối A, B, C, D do khối nào cũng có từ hai môn chính của khối nên thuận lợi cho tụi em”.

Cô Đỗ Thị Hoài, Tổ trưởng Tổ địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Đây là năm thứ năm liên tiếp môn địa lý được chọn thi tốt nghiệp. Tinh thần của giáo viên ngay từ đầu năm học đã xác định môn địa đã cho thi lần thứ tư thì có thể năm nay vẫn tiếp tục nên trong quá trình dạy, nội dung nào được coi là trọng tâm đều nhấn mạnh để học sinh nắm nên thầy và trò đều không bất ngờ”.

Công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT: Dễ thở! ảnh 1

Học sinh lớp 12ATCA1 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) trong giờ học môn toán chiều 29-3 sau khi biết môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: QUỐC DŨNG

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng đã chuẩn bị tâm lý từ đầu năm là không dự đoán mà phải ôn tập đều tất cả các môn nên học sinh được chuẩn bị kiến thức kỹ. “Từ nay đến ngày thi, các môn toán, văn, ngoại ngữ, hóa học đã nhiều tiết (4-6 tiết/tuần) nên không tăng. Chỉ còn địa lý, sinh học có thể tăng 1-2 tiết cho học sinh. Qua kiểm tra học kỳ, những học sinh học lệch đều được khoanh vùng, có chăm sóc riêng cho những học sinh có điểm thấp” - cô Hồ Cam Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Đề thi bám sát kiến thức lớp 12

PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có khoảng 50% điểm số dành cho các câu hỏi thông hiểu, vận dụng kiến thức. Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, bám sát chuẩn kiến thức lớp 12, phù hợp về thời gian quy định cho từng môn thi, đảm bảo kiểm tra bao quát kiến thức cơ bản, sự hiểu biết của thí sinh. Bộ GD&ĐT không ra đề thi vào phần kiến thức đã giảm tải”.

Với đề thi năm nay (*), trừ môn ngoại ngữ không có phần đề riêng mà chỉ có một phần chung cho tất cả thí sinh, các môn thi còn lại đều có hai phần: Phần chung cho tất cả thí sinh (bắt buộc) là nội dung kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng (thí sinh chọn một trong hai phần) ra theo nội dung kiến thức của chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Ở phần riêng, thí sinh được lựa chọn phần phù hợp với năng lực vận dụng kiến thức của mình, do đó nếu thí sinh làm cả hai câu ở phần riêng thì phần riêng trong bài làm sẽ không được chấm điểm.

Ba môn thi tự luận, ba môn trắc nghiệm

Đối với học sinh hệ THPT, sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, hóa học, sinh học, địa lý. Thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy-học thì được thi thay thế bằng môn vật lý (thi theo hình thức trắc nghiệm). Các môn ngoại ngữ, hóa học, sinh học sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn còn lại sẽ thi theo hình thức tự luận. Thời gian thi các môn trắc nghiệm 60 phút, môn địa lý 90 phút và hai môn toán, ngữ văn thi trong 150 phút.

Đối với giáo dục thường xuyên (bổ túc THPT), sáu môn thi gồm: ngữ văn, toán, hóa học, sinh học, địa lý, vật lý. Trong đó, môn hóa học, sinh học, vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ được tổ chức vào các ngày 2, 3 và 4-6.

(*) Cầu trúc đề sáu môn thi tốt nghiệp

Môn ngữ văn, phần chung sẽ chiếm 5 điểm với hai câu hỏi, bao gồm câu I (2 điểm) yêu cầu tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm (của văn học Việt Nam hoặc nước ngoài); câu II (3 điểm) yêu cầu vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (không quá 400 từ). Phần riêng chiếm 5 điểm yêu cầu vận dụng khả năng đọc-hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học liên quan đến các tác giả, tác phẩm văn học theo chương trình chuẩn hoặc nâng cao.

Môn toán, phần chung chiếm 7 điểm bài thi, bao gồm ba câu nhỏ. Câu I (3 điểm) yêu cầu khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị của hàm số, các bài toán liên quan đến ứng dụng của đạo hàm và đồ thị của hàm số. Câu II (3 điểm) đòi hỏi kiến thức hàm số, phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit; giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số, tìm nguyên hàm, tính tích phân; bài toán tổng hợp. Câu III (1 điểm) kiến thức hình học không gian (tổng hợp). Phần riêng chiếm 3 điểm, mỗi phần riêng bao gồm hai câu nhỏ.

Môn ngoại ngữ có 50 câu trắc nghiệm dành cho tất cả thí sinh (không có phần đề riêng), gồm các câu hỏi về ngữ âm, ngữ pháp-từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng đọc-hiểu (điền từ vào chỗ trống, đọc hiểu, từ vựng…), kỹ năng viết (xác định lỗi liên quan, dựng câu/ chọn câu/ cấu trúc cận nghĩa)... Thí sinh chú ý cách sử dụng các thì, mệnh đề quan hệ, mệnh đề chỉ thời gian, cách sử dụng loại từ trong một câu cho chính xác (cần phân biệt danh từ, tính từ, trạng từ...), cần biết phân biệt câu chủ động và bị động…

Môn hóa học, phần chung có 32 câu, gồm este, lipit (2 câu); cacbohidrate (1 câu); amin, amino acid và protein (3 câu); polime và vật liệu polime (1 câu); tổng hợp nội dung các kiến thức hóa hữu cơ (6 câu); đại cương về kim loại (3 câu); kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm (6 câu); sắt, crom (3 câu); hóa học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường (1 câu); tổng hợp nội dung các kiến thức hóa vô cơ (6 câu). Phần riêng thí sinh chọn phần A hoặc B, mỗi phần có tám câu. Trong bài thi môn hóa, lý thuyết thường chiếm 2/3 số điểm. Tuy nhiên, muốn thuộc lý thuyết thì không nên chỉ thuộc lòng mà cần viết lại để có sự tư duy và nhớ kỹ, nhớ lâu. Với các bài toán, khi viết phương trình phải nhớ cân bằng phương trình, tính toán số liệu không được làm tròn số tùy tiện.

Môn sinh học, phần chung có 32 câu, gồm di truyền học (21 câu với nội dung cơ bản cơ chế di truyền và biến dị, tính quy luật của hiện tượng di truyền, di truyền học quần thể, ứng dụng di truyền học, di truyền học người); tiến hóa (sáu câu gồm bằng chứng tiến hóa, cơ chế tiến hóa, sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái đất); sinh thái học (năm câu gồm sinh thái học cá thể, sinh thái học quần thể, quần xã sinh vật, hệ sinh thái, sinh quyển và bảo vệ môi trường). Phần riêng thí sinh chọn phần A hoặc B, mỗi phần có tám câu.

Môn địa lý, phần chung chiếm 8 điểm, gồm ba câu, câu I (3 điểm) về địa lý tự nhiên, địa lý dân cư; câu II (2 điểm) vận dụng kiến thức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa lý các ngành kinh tế; câu III (3 điểm) yêu cầu kiến thức địa lý các vùng kinh tế, địa lý địa phương. Phần riêng chiếm 2 điểm, thí sinh chọn một trong hai câu, yêu cầu thí sinh phải nắm kiến thức như phần chung, đồng thời phải thành thạo kỹ năng đọc bản đồ ở Atlat địa lý Việt Nam, kỹ năng vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích biểu đồ, kỹ năng vẽ bảng số liệu, tính toán, nhận xét.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm