Con trẻ kinh doanh - Nên hay không? Hai luồng ý kiến khác nhau

Hôm qua, sau khi Pháp Luật TP.HCMđăng bài “Tám tuổi làm giám đốc” về một nhóm học sinh tự thành lập công ty để sản xuất, kinh doanh buôn bán các vật dụng cho học sinh trong trường, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi. Có hai luồng ý kiến khác nhau, một bên cho rằng đây là sự sáng tạo, cần khuyến khích các cháu tiếp tục phát huy sáng kiến của mình; một bên, chủ yếu là các giáo viên thì cân nhắc: Lứa tuổi tiểu học cần được giáo dục để chia sẻ, yêu thương hơn là tập cho các cháu làm ra tiền và tiêu tiền quá sớm.

Hãy để các em sáng tạo

Dưới quan điểm của tôi thì việc bé Nhi có ý tưởng trên là rất bình thường vì tôi cũng thường nghe con trai tôi (bằng tuổi bé Nhi) nói lên rất nhiều ý tưởng, trong đó có hẳn ý tưởng làm tổng giám đốc điều hành một hãng máy bay có đường bay trực tiếp từ sân bay quốc tế Cam Ranh - Montreal Canada và là ông chủ của chuỗi siêu thị mang tên Clement. Cháu cũng từng in card đề tên họ của cháu với chức danh giám đốc. Vậy xét về mặt tâm lý thì việc trẻ con có ý tưởng hay ước mơ là đương nhiên.

Con trẻ kinh doanh - Nên hay không? Hai luồng ý kiến khác nhau ảnh 1

Tờ rơi quảng cáo công ty do các bé tự thiết kế. Ảnh: HÀN GIANG

Tuy nhiên, điều khác biệt đáng khen nhất của Nhi là bé dám nghĩ và dám làm, đồng thời cách tổ chức của bé thật đáng kinh ngạc. Nhiều người nghĩ kinh doanh là do thiên thời-địa lợi-nhân hòa, ở đây bé Nhi có các yếu tố đó, đặc biệt là năng khiếu kinh doanh. Với ý tưởng của bé, theo tôi, chúng ta có thể xin sự đồng ý của bé, thành lập quỹ từ thiện trong nhà trường từ sự kinh doanh của các bé để giúp đỡ các học sinh nghèo hiếu học. Đây cũng là cách dạy cho các bé lòng yêu thương, chia sẻ với bạn bè.

ĐINH DUNG

Tôi đã được xem một số mô hình kinh doanh nhà hàng, quán trà sữa, nhà sách, siêu thị... của một số em học sinh lớp 4/2 Trường LĐC, quận 3. Điều đáng nói là khả năng sáng tạo của các em trên mức người lớn có thể tưởng tượng. Thay vì lập bản thuyết minh bằng giấy, các em đã mô tả bằng tranh, trong đó miêu tả chi tiết vị trí nào đặt máy tính tiền, quầy kệ.... Trong các dịp hội trường, ngày 20-11, ngày hội văn hóa Pháp, các em cũng tham gia rất tích cực bằng cách phân nhau vẽ tranh, làm đồ thủ công... bán kiếm tiền gây quỹ. Điều đáng nói là các thầy cô giáo trong trường là người hướng dẫn, khuyến khích các em sáng tạo và cùng các em tham gia các hoạt động từ thiện.

ngothu 252

Tôi thấy nên để các em tự do sáng tạo. Đừng cấm gì cả. Tuy nhiên, các em cần sự giám sát của người lớn (như cha mẹ, thầy cô). Chúng ta cần hướng dẫn các em được bán gì và không được bán gì. Theo tôi, quan niệm của cô hiệu trưởng là sai lầm khi cho rằng các em không được phép bán sản phẩm mình làm ra trong trường. Điều này vô tình làm các em hụt hẫng và không có ý chí vươn lên. Chúng ta nên tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em phát huy cái hay, cái tốt của mình. Đừng bó các em vào khuôn đúc.

PHAN MINH TUẤN

l Quy mô của việc kinh doanh này rất hạn chế như một trò chơi, không đáng ngại. Nếu ta biết khích lệ là phải học từ khá trở lên, các cháu sẽ cố gắng học. Việc buộc các em đem số lợi nhuận làm từ thiện là rất bậy, phi thực tế. Chưa có nhà kinh doanh nào đem tất cả 100% lợi nhuận làm từ thiện. Đừng giáo dục trẻ con việc mà mình không bao giờ làm.

VÕ VĂN THÔN

Đây quả là trường hợp đặc biệt, không thể chê vào đâu được. Bởi có một sự tổ chức, sắp xếp, phân công bộ máy hoạt động không thua kém gì một công ty, xí nghiệp… của người lớn đang hoạt động, ăn nên làm ra. Vậy thì tại sao chúng ta không tôn trọng, khuyến khích các cháu tiếp tục phát huy sáng kiến của mình? Nếu chúng ta giúp đỡ và hướng dẫn các cháu trong một không gian và thời gian phù hợp cho việc học tập của các cháu thì cũng có nghĩa là chúng ta đã tạo cho các cháu một tương lai đúng theo sở thích và nguyện vọng của các cháu.

HUỲNH QUANG DIỆP (69/33/4 đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Không nên để các em kiếm tiền sớm

l Nhiều năm tiếp cận với trẻ lứa tuổi này, tôi chưa phát hiện học trò của mình có những suy nghĩ như vậy. Đặc điểm của lứa tuổi tiểu học chỉ cần có bạn chơi với mình, các cháu hồn nhiên, trong sáng chia cho nhau từng cái bánh, viên kẹo ăn là chúng rất vui. Còn chuyện học sinh “kinh doanh” như báo phản ánh, tôi cho là quá cá biệt và tôi không ủng hộ cách sáng tạo này của trẻ.

Trẻ con bậc học này đang hình thành nhân cách và chúng ta phải giáo dục chúng biết về sự chia sẻ, tình yêu thương giúp bạn nghèo chứ môi trường giáo dục không có mua bán, kiếm chác kể cả ở bậc học THCS, THPT.

Thầy NGUYỄN ĐẠT SỬ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3

Ở lứa tuổi này cần “làm việc theo sức của mình” như là tiết kiệm nuôi heo đất, kế hoạch nhỏ giúp bạn nghèo, nó thể hiện giá trị yêu thương, chia sẻ của trẻ và hình thành nhân cách tốt, lớn lên các cháu sẽ sống tốt. Còn việc nhà trường, giáo viên, cha mẹ không ngăn những việc làm này của các cháu, tôi cho rằng đi ngược lại giáo dục. Cá nhân tôi phản đối việc làm này của các cháu khi chưa hiểu khái niệm công ty, chức vụ, nhiệm vụ. Có khi nào báo chí “đẩy” sự việc lên quá không? Nếu sự việc có thật thì các chuyên gia tâm lý lứa tuổi cần vào cuộc, các nhà giáo dục phải quan tâm.

LẠI THỊ THÚY, giáo viên lớp 3 Trường Tiểu học Vạn Nguyên, quận 8

“… Cứ giờ ra chơi là bọn con lấy giấy ra cắt và ghim lại thành từng cuốn tập, rồi cắt giấy tô màu, đi mua các hột vòng… làm thành từng sản phẩm thật đẹp và đi bán”. Là một người dạy học, tôi không tin rằng các em có học lực khá, giỏi khi bị mất nhiều thời gian để mua bán như thế. Tôi nhớ chúng ta luôn kêu than rằng trẻ em phải học nhiều quá, chẳng còn giờ ăn ngủ, nói chi tới chuyện nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Giờ chơi là giờ nghỉ sau mấy tiết học căng thẳng để trí não thảnh thơi, các em lại phải tất bật với công việc sản xuất, phục vụ cho việc kinh doanh của công ty. Lại còn phải cạnh tranh, khuyến mãi nữa! Thế là tiêu tốn hết giờ chơi hiếm hoi quý giá chỉ vì sự hấp dẫn của đồng tiền. Chuyện học trò đem thứ này thứ nọ vào bán cho các bạn, cho bạn vay tiền lấy lãi là chuyện bình thường trong nội bộ bí mật của chúng. Thầy cô nếu biết được sẽ khuyên răn, hướng dẫn, chỉ ra cái sai trái. Phải chi bé gái giám đốc lớp 3 kia được khuyên dạy bằng những lời lẽ giản dị, phù hợp với tư duy lứa tuổi non nớt của em thì đâu có chuyện lập công ty cấp lớp.

Nhà văn, cô giáo LƯU THỊ LƯƠNG

Có một số ý kiến bàn luận theo hướng các bé không đủ tuổi lập công ty nên hình thành công ty TNHH, có đầy đủ các chức danh là trái luật. Khuyến khích sự sáng tạo, sự tự chủ của trẻ là điều tốt nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật. Chúng tôi xin nói rõ đây là hình thức kinh doanh sinh lợi tự phát của những em học sinh tiểu học nên chưa cần thiết phải xét theo quy định pháp luật về kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm