Cổ tích viết từ lớp học trường làng

Phần lớn học sinh (HS) của lớp là con em gia đình nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đó là câu chuyện cổ tích về lớp 12A Trường THPT Thanh Chương I (huyện Thanh Chương, Nghệ An) do thầy giáo Nguyễn Công Lương làm chủ nhiệm. Câu chuyện cổ tích được viết nên không phải nhờ cây đũa thần của bà tiên, ông bụt mà bởi những tấm gương hiếu học, vượt khó của những cô cậu học trò nơi đây.

Cổ tích trường làng

Trong số47 HS lớp 12A của Trường THPT Thanh Chương I tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có sáu em cao điểm nhất lớp, cụ thể: Đặng Hoàng Quân (28,75 điểm), Đinh Văn Hướng (28,5 điểm), Nguyễn Xuân Phú (28 điểm) và ba em Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Như Hậu, Nguyễn Chí Chương (đều đạt 27,75 điểm).

Có những em đạt kết quả cao cả hai khối thi như Trần Lê Đông Sang (khối B: 27,25; khối A: 26,5), Nguyễn Thị Hà (khối A1: 27,75; khối D: 26,5; khối A: 25,25), Lê Ngọc Xuân Quỳnh (khối A: 25,5; khối B: 24,5)…

HS lớp 12A phần lớn ở các xã miền núi, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có sáu em là con thương binh, một em thuộc diện hộ nghèo, 10 em thuộc diện cận nghèo, ba em thuộc xã vùng cao được miễn giảm học phí hoàn toàn.

Em Đặng Hoàng Quân là HS đạt điểm cao nhất lớp: 28,75 điểm (toán: 10; lý: 9,25; hóa: 9,5). Với số điểm này, em cũng là cậu học trò có tổng điểm khối A cao nhất tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, ít ai biết rằng gia đình Quân không mấy khá giả, cha em là thương binh, mẹ em chân lấm tay bùn bên những thửa ruộng nuôi ba anh em ăn học. Nếu cộng thêm cả điểm ưu tiên thì tổng số điểm của Quân đạt được là 30,75 điểm.

Câu chuyện về em Nguyễn Thị Hà khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Mỗi ngày em phải đạp xe hơn 10 cây số từ nhà tới trường để đi tìm con chữ. Ngày nắng bỏng rát, ngày mưa đường sình bùn lầy lội, con đường đá sỏi gập ghềnh của mảnh đất Thanh Phong không ngăn được ý chí vượt khó của cô trò nghèo hiếu học. Trong kỳ thi năm nay, em đăng ký thi ba khối A1, A, D và đều đạt điểm cao, cụ thể: toán: 9,5; lý: 8,75; hóa:7; văn: 7; Anh: 9,5.

Hay như em Nguyễn Thị Hải, nhà có ba chị em đều đang tuổi ăn học, mẹ em bị bệnh tim không lao động được. Mọi nguồn thu nhập đều đặt lên vai người cha lam lũ, tảo tần.Hải từng đậu trường chuyên của tỉnh nhưng vì thương cha mẹ nên cô học trò nhỏ quyết định về học trường làng. Năm nay Hải đạt 27 điểm.

Tình cảm thầy trò là một trong các nhân tố viết lên câu chuyện cổ tích của lớp 12A Trường THPT Thanh Chương I. Trong ảnh: Giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Công Lương và tập thể HS lớp 12A bày tỏ quyết tâm trước ngày thi. Ảnh: N.TRÀ

Ơn thầy

Thầy Nguyễn Công Lương chia sẻ vì đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” nên các em hết sức lo lắng. Là giáo viên chủ nhiệm kiêm giáo viên dạy lý của lớp, thầy thường xuyên cập nhật thông tin về kỳ thi để hướng dẫn, cố gắng giảm áp lực cho các em.

Ngay sau khi nắm được thông tin định hướng ra đề thi từ Bộ GD&ĐT, thầy thường xuyên tìm tòi các sách, diễn đàn mạng các đề thi thử để ra đề tương tự cho các em làm quen. Đồng thời, thầy không quên bổ sung các dạng câu hỏi mới, lạ để các em thử sức.

Thầy Lương quan niệm phải cho HS rèn kỹ những kiến thức cơ bản của sách giáo khoa vì căn bản mà không có, không vững thì lên cao khó mà chắc chắn được. “Sau khi các em đã nắm chắc các kiến thức sách giáo khoa rồi, tôi mới cho các em luyện đề kết hợp, nhiều dạng mới, khó và lạ để HS đạt được tâm lý vững vàng trước khi thi. Kiến thức mà tôi và các giáo viên trang bị cho HS được thực hiện từ hè lớp 11 cho đến khi kết thúc lớp 12”.

Mỗi buổi học thầy Lương chỉ cho các em luyện một đề, làm đến đâu chắc chắn đến đó, giúp các em khắc sâu kiến thức. “Trước khi làm đề, tôi định hướng cho các em phương pháp làm để các em phát huy tối đa năng lực của mình” - thầy Lương cho biết.

“Tôi tự hào về các em!”

Để học trò thoải mái tâm sự, không giấu dốt, thầy Lương đã quyết định thay đổi cách đánh giá HS. Đối với HS yếu hơn, trong những lần đánh giá hay họp phụ huynh thầy không bao giờ đưa ra những lời chỉ trách hay phê phán, so sánh với những em học khá. Thầy chia sẻ những việc làm đó sẽ chỉ khiến các em tự ti.

Thầy chọn cách động viên, khích lệ các em trước những kết quả tốt mà các em đạt được. Thầy khẳng định: “Đánh giá HS là cả một quá trình, không chỉ ở một bài tập hay một tiết kiểm tra mà còn ở sự nỗ lực tiến bộ từng ngày. Chỉ cần các em cố gắng, ngày hôm nay làm tốt hơn ngày hôm qua, vậy là đủ. Hơn nữa, học thầy không tày học bạn, với những em học yếu hơn, cảm thấy có khoảng cách với giáo viên thì tôi sẽ nhờ các em gần gũi với các em ấy giúp đỡ, chia sẻ trong quá trình học tập”.

Nhìn lại một chặng đường đã qua, thầy Nguyễn Công Lương mỉm cười chia sẻ: “Điều tôi tự hào không chỉ ở kết quả các em đạt được trong kỳ thi năm nay mà còn tự hào vì đã có một tập thể đoàn kết, gắn bó. Tôi tự hào về các em!”.

Tỉ lệ học sinh giỏi khá cao

Trường THPT Thanh Chương I là ngôi trường miền núi, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, nhiều HS được miễn giảm học phí hoàn toàn để có cơ hội tới trường. Nhưng hằng năm, tỉ lệ HS của trường đóng góp vào số HS giỏi cấp tỉnh khá cao; số HS của trường đỗ vào các trường ĐH-CĐ cũng thuộc loại cao trong số các trường THPT của tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập.