Cô giáo đặc biệt của học sinh khuyết tật

Thấy vậy, Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Hà vội trấn an các em: “Các con ngồi ngay ngắn, hôm nay các con có bạn đến thăm đó”. Nghe vậy, các học sinh mới hết quậy phá.

Cô giáo kiêm bảo mẫu

Gắn với cái nghiệp dạy dỗ những học sinh khuyết tật đã gần 10 năm qua, hơn ai hết, cô giáo Ngọc Hà cảm nhận được bao nỗi gian truân của nghề. Trước đây, cô Hà từng thỏa sức đi lại khắp nơi với công việc của một nhân viên hoạt động trong ngành du lịch. Vậy mà vì thương những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh bị nhiễm chất độc màu da cam, cô Hà quyết định chuyển sang công tác tại trường với mức lương rất thấp. Cô còn nhớ như in buổi đầu lên lớp: “Hôm chân ướt chân ráo đến nhận lớp, tôi nghe một học sinh bảo rằng: “Ê mi! Tới đây làm chi?”. Dù giận tím mặt nhưng tôi phải cố nén. Sau này khi hiểu ra học sinh đó bị bệnh, tôi càng thấy thương hơn”.

Cô giáo đặc biệt của học sinh khuyết tật ảnh 1

Học sinh đang học nghề làm nhang. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Có đến Trường Chuyên biệt Tương Lai xem cô trò dạy và học, mới thấy được những hy sinh thầm lặng, lương tâm nhà giáo mà cái nghề sư phạm đặc biệt này mang lại. Các cô yêu học trò như con, cẩn thận uốn nắn những hành động ngớ ngẩn mà ý thức trẻ không làm chủ được. Nhiều khi trong giờ học, các em học sinh tiểu tiện, đại tiện ngay giữa lớp. Thấy vậy, các cô lại phải bỏ vội tập sách xuống để dọn dẹp vệ sinh.

Chuyện học sinh đánh cô giáo, đập vỡ đồ đạc xảy ra mỗi ngày. Nhưng bằng tất cả tình thương, các cô không sợ hãi hay ghê tởm các em. Họ vẫn cần mẫn, âm thầm chăm sóc các em với ước mong các em có thể tự bước trên đôi chân của mình.

Cô giáo đặc biệt của học sinh khuyết tật ảnh 2

Truyền nghề làm nhang cho học sinh khuyết tật. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Cô giáo Nguyễn Hoàng Oanh kể: “Tôi nhớ như in hình ảnh em Thanh. Hồi mới vào trường, em không biết đi và bị sốt da vàng. Và đặc biệt là em không biết nói. Bằng tất cả những kiến thức được học, tôi đã cố gắng chăm chút cho em từng tí. Đi đâu tôi cũng bồng bế em trên tay. Một ngày, bỗng nhiên em gọi tôi bằng hai tiếng “Mẹ ơi!”, tôi đã bật khóc vì sung sướng!”.

Nâng bước trẻ khuyết tật

Trong gần 10 năm thành lập trường, không ít thế hệ học sinh sau khi ra trường đã khỏi bệnh, có thể tự lao động nuôi sống bản thân. Cô giáo Quỳnh Châu, chủ nhiệm lớp sản xuất nhang (hương thắp), cho biết: “Khi ra trường, nhiều học sinh đã có thể tự làm nhang để bán, kiếm thu nhập phụ giúp gia đình”.

Cô giáo đặc biệt của học sinh khuyết tật ảnh 3

Học sinh có thể hòa nhập cộng đồng như người bình thường. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Nhà trường hướng đến năm đối tượng học sinh, bao gồm: các em bị bệnh tự kỷ, bệnh tăng động, bệnh down, bại não và chậm phát triển trí tuệ. Hiện tại, trường có 65 em chia thành bảy lớp. Giáo viên thường dạy cho các em năm kỹ năng: sinh hoạt hằng ngày, kỹ năng trí tuệ, kỹ năng vận động, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng ngôn ngữ. Thương học trò, các cô ngày ngày rèn luyện, chỉ bảo cho các em không chút nề hà. Nhờ vậy mà sau vài năm ở trường, các em đã tiến bộ rõ rệt.  Họ biết đi lại, biết ăn biết nói, biết làm toán, vẽ tranh, biết chăm sóc bản thân và không còn phá phách.

Cô giáo đặc biệt của học sinh khuyết tật ảnh 4

Cần mẫn chăm sóc trẻ như con. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Đa số các cô giáo ở đây đều rất trẻ. Từng ấy năm qua, các cô nhận một mức lương khá bèo bọt so với công sức (850.000 đồng/người/tháng). Để đảm bảo mức lương 1.500.000 đồng/người/tháng cho giáo viên theo mức hiện nay, nhà trường phải tự cân đối các nguồn thu chi để trả lương. Với mong mỏi cải thiện đời sống cho giáo viên, cô Ngọc Hà thường xuyên kêu gọi những nhà hảo tâm giúp đỡ. Những ngày lễ, tết, cô tranh thủ đi xin nguồn tài trợ từ các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa tìm được mạnh thường quân nào.

Nhìn các cô ân cần vỗ về học sinh như con, chúng tôi cảm nhận được nỗi vất vả của họ để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống. So với mức sống hiện tại, đồng lương họ nhận mỗi tháng chẳng thấm tháp vào đâu. “Nếu bận lòng chuyện lương bổng thì có lẽ 15 cán bộ, giáo viên nhà trường chẳng ai gắn bó lâu dài với nghề. Chúng tôi có thể tăng lương cho giáo viên bằng cách nâng học phí. Nhưng làm vậy thì tội cho các em, bởi đa phần các em đều có hoàn cảnh khó khăn”. Nói đoạn, cô Ngọc Hà tiếp tục tâm sự: “Trọn đời nâng bước cho các em có số phận không may phải là những cô giáo tâm huyết với nghề”.

Cô giáo đặc biệt của học sinh khuyết tật ảnh 5

Một giờ rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Chúng tôi rời trường vào giờ tan lớp và không khỏi xúc động trước cảnh các cô giáo cõng học sinh ra với phụ huynh. Có câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nghề giáo khổ đã đành nhưng khổ như các cô giáo nơi đây thì thật hiếm.

Trường Chuyên biệt Tương Lai được thành lập vào tháng 4-2001 dưới sự giám sát của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế, Văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ em khuyết tật (thuộc Đại học Y Dược Huế). Đây là ngôi trường bán trú đầu tiên chỉ dành riêng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trường có bảy phòng học, trong đó có phòng vật lý trị liệu để hỗ trợ học sinh.

Ngoài ra, trường còn được hỗ trợ về chuyên môn giáo dục đặc biệt của các chuyên gia: PGS-TS-bác sĩ Nguyễn Viết Nhân, Chủ nhiệm bộ môn Di truyền học Trường ĐH Y Dược Huế, bà Vivien Heller thuộc Tổ chức Hỗ trợ phát triển DED (Đức).

LÊ HOÀNG SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm