Click chuột biết di tích quốc gia

Nằm trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” giai đoạn 2012-2013 do Bộ GD&ĐT phát động, cuối tháng 8-2012, Dự án Phát triển giáo dục THCS II (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ VH-TT&DL) cho ra đời Phần mềm di tích quốc gia (gọi tắt là phần mềm). Với phần mềm này, người dùng chỉ cần click chuột máy tính sẽ biết thông tin chi tiết của gần 1.500 khu di tích cấp quốc gia trên 63 tỉnh/thành phố của cả nước.

Hữu ích trong dạy và học…

Theo TS Trần Đình Châu, Giám đốc dự án, phần mềm được thiết kế có nội dung bám sát chương trình chuẩn các môn học Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý… của Bộ GD&ĐT. Ở mỗi bài học, giáo viên, học sinh có thể click chuột để tìm các thông tin liên quan, dẫn chứng hình ảnh của các khu di tích.

Cụ thể, chương trình SGK lớp 6, khi học tập, giảng dạy các truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng, bánh giầy, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng… giáo viên, học sinh có thể tham khảo thông tin về thời đại Hùng Vương qua một số di tích của tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc như đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Cổ Tích, di chỉ Làng Cả, đền Đuông…

Tương tự, trong chương trình Lịch sử lớp 9, khi học về Cuộc vận động tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945, học sinh có thể tìm trong phần mềm tất cả cứ điểm quan trọng, những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu để có thêm thông tin sinh động thông qua các di tích như Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ…

Click chuột biết di tích quốc gia ảnh 1

Giao diện phần mềm di tích quốc gia. Ảnh: TT

Trong chương trình Địa lý THCS, phần mềm làm sáng tỏ qua từng bài học của SGK lớp 6, 8, 9 (riêng lớp 7 là địa lý các nước trên thế giới nên chưa cập nhật). Cụ thể, khi học bài 38 trong SGK Địa lý lớp 9 về Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ môi trường biển-đảo, học sinh có thể gõ nguyên văn tên bài học vào phần tìm kiếm trong phần mềm là sẽ có những thông tin, số liệu rõ ràng. Đối với địa lý các tỉnh, học sinh dễ dàng tìm thấy vì phần mềm có tích hợp danh sách các tỉnh và những khu di tích trong tỉnh…

Cùng với đó, phần mềm cũng thiết kế hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như nghiên cứu các di sản thế giới tại Việt Nam, tìm hiểu các chuyên đề văn hóa-lịch sử, game trắc nghiệm học tập “ông là ai”, “bà là ai”, “ở đâu” (hỏi về các danh nhân, lãnh tụ, anh hùng của dân tộc…).

Có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống

Nhận xét về tính hữu ích, một giám đốc công ty du lịch tại quận 1 cho rằng phần mềm này có thể hỗ trợ tốt cho cả những hướng dẫn viên mới vào nghề, du khách… chứ không chỉ cho học sinh THCS. “Một điều thú vị là thông tin liên quan đến mỗi di tích đều có hình ảnh kèm theo làm người xem rất dễ cảm nhận. Số lượng câu chữ không nhiều nhưng viết rất cụ thể, dễ hiểu. Phần mềm này có cả ngôn ngữ tiếng Anh nên tôi cho rằng nếu ứng dụng rộng rãi thì đây cũng có thể coi là cách quảng bá hình ảnh quốc gia tới du khách nước ngoài hiệu quả. Hiện nay nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài chọn gói “du lịch đi bộ” (du lịch tự túc, tự tìm hiểu, không thông qua tour cố định - PV) mà họ chỉ biết thông tin qua một số quyển cẩm nang du lịch với thông tin chưa được cập nhật nên chưa biết nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử ý nghĩa tại các tỉnh mà đi. Vì thế nếu ban hành rộng rãi phần mềm này, tôi nghĩ chắc chắn du khách nước ngoài sẽ rất chuộng” - vị giám đốc này nhận định.

Chung quan điểm, một thạc sĩ văn hóa học đang giảng dạy tại một trường đại học chia sẻ: “Đây là một phần mềm rất thiết thực. Nó có thể trở thành “phần mềm gối đầu giường” cho những sinh viên theo học ngành xã hội. Những kiến thức trong phần mềm này dù là cơ bản nhưng không ít học sinh, sinh viên, ngay cả người đi làm cũng chưa có cơ hội tìm hiểu. Tôi hy vọng nó sớm được áp dụng rộng rãi để phục vụ cho công tác giáo dục, trau dồi thêm kiến thức văn hóa-lịch sử cho giới trẻ”.

Tài liệu hướng dẫn và phần mềm quản lý di tích quốc gia đã được Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của Bộ GD&ĐT phổ biến cho tất cả địa phương tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai năm học mới ngày 5-8 tại Cần Thơ. Trong thời gian này, vì đang triển khai thí điểm nên sẽ xem xét tính thực tiễn của phần mềm, nếu được sẽ áp dụng trong thời gian gần nhất và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phần mềm.

TS TRẦN ĐÌNH CHÂU,Giám đốc Dự án Phát triển giáo dục THCS II

Phần mềm tích hợp gần 1.500 di tích quốc gia trên cả nước. Mỗi di tích đều được giới thiệu cụ thể bằng cả ngôn ngữ và hình ảnh, thông tin cụ thể về năm xếp hạng, nét nổi bật, những sự kiện nổi bật xung quanh di tích. Ngoài ra, phần mềm cũng cung cấp thêm những thông tin liên quan đến hiện trạng công tác chăm sóc những di tích này.

ANH PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.