“Chột dạ” với những con số ảo

Khi học sinh còn trên ghế nhà trường, giáo viên chúng tôi luôn được nhắc nhở là phải rèn cho học sinh tính trung thực. Học sinh hỏi bài bạn thôi, chưa cần xem tài liệu đã xem như vi phạm quy chế kiểm tra, thi cử và sẽ nhận hình thức xếp loại hạnh kiểm yếu. Nhưng rời ghế trường học, vào phòng thi tốt nghiệp, hình như điều này bị lãng quên. Giữa lý thuyết và thực hành đã có một độ vênh lớn.

Học sinh đi thi về so bì: giám thị hội đồng em thi “khó” hơn hội đồng các bạn, ở bên đó hỏi bài dễ hơn. Hội đồng “dễ” của một học sinh khác thì được em kể lại như sau: giám thị kêu mấy bạn có thể trao đổi với nhau, em thấy không công bằng...

Đến khâu chấm thi, làm giám khảo thật khổ. Thầy cô tôi (đã nghỉ hưu) kể lại khi chưa có thi cụm, chấm chéo, đến hẹn lại lên đi chấm thi là rất bực mình, vì sau mỗi buổi chấm, lãnh đạo lại “quán triệt” và giám khảo phải chấm lại các bài thi chưa đạt yêu cầu (điểm dưới 5), có khi phải chấm lại ba lần mới được các vị “buông tha”. Đến lượt tôi đi chấm thi mấy năm có thi cụm, chấm chéo cũng hơi bực mình, nhưng cũng tạm hài lòng vì nhìn chung giám khảo tỉnh tôi vẫn rút kinh nghiệm sau góp ý của “thanh tra chéo”: không nên đếm ý cho điểm đối với môn văn!

Năm học này thi cử đổi khác, giám khảo chúng tôi lại được yêu cầu như hồi thầy cô tôi đi chấm thi. Con số gần 90% học sinh toàn tỉnh đạt trên trung bình môn văn là con số ảo. Học sinh tôi hơn 80% (vẫn thấp hơn tỉnh) mà tôi đã thấy “chột dạ”, con số tôi ước với năng lực và điều kiện của học sinh mình số đạt yêu cầu khoảng 60-70% thôi.

Đáng nói nhất là khâu chấm chung, tranh luận mãi cũng nản, đành chọn cách giơ tay hoặc không giơ tay ủng hộ. Tư duy thiểu số phục tùng đa số có điều kiện lên ngôi. Dù trong lòng ấm ức nhưng rồi cũng phải đành dặn lòng: thôi thì con em tỉnh nhà cả. Đi chấm thi bốn năm nay rồi mà chẳng có năm nào tôi thấy vui trong bụng. Hình như không được chọn làm giám khảo sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.

Học sinh trường tôi có tỉ lệ lên lớp thẳng khoảng 70% (từ khi sở giao việc ra đề thi học kỳ về cho trường), nghĩa là có số phần trăm còn lại ở mức yếu kém. Khối 12 thi thử tốt nghiệp cũng chừng 50-60% (chúng tôi coi thi rất chặt, chấm thi nghiêm túc, không thêm điểm, không đếm ý - chúng tôi tự hào về điều này). Rất nhiều em tổng điểm chỉ 17-20 (hoặc hơn chút). Thế mà thi thật các em ở mức 32 trở lên. Mừng cho học trò được công nhận tú tài mà cũng lo cho xã hội về sau, kiến thức phổ thông của các em còn vụn vặt, mà đáng buồn nhất là điều các em được tiếp nhận ở nhà trường có sẽ theo các em vào đời, khi mà những giá trị thật nhiều lúc bị xem nhẹ?

Thầy cô tôi dù đã “lui về” nhưng vẫn quan tâm đến giáo dục, không khỏi băn khoăn: Hay là phải ở thế kỷ 22 giáo dục mới chịu trị căn bệnh thành tích? Những đề văn cho tụi nhỏ làm chẳng lẽ người lớn không suy tư?...

Theo ĐỖ THỊ ( TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm