Chống bạo lực học đường: Không được bất lực trước học sinh cá biệt

Gần đây, hiện tượng học sinh đánh nhau, thanh toán nhau, trong đó có nhiều vụ nữ sinh đánh bạn học vì những lý do rất đơn giản xảy ra ngày một nhiều. Nhiều học sinh đánh bạn vì lý do “nhìn mặt thấy ghét”, “ỷ học giỏi mà chảnh”, có nhóm học sinh bắt nạt, trấn lột học sinh khác buộc em này phải lấy cắp tiền bạc, tài sản của gia đình cống nạp. Dư luận xã hội băn khoăn, bức xúc, chúng tôi đã trao đổi với cơ quan quản lý, xem xét mức độ, nguyên nhân và tìm biện pháp chấn chỉnh tệ nạn bạo lực trong trường học.

. PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những sự kiện bạo lực học đường diễn ra ngày một nhiều tại TP.HCM cũng như các địa phương khác, trong đó có vụ nữ sinh đánh nhau và đâm chém nhau?

+ Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên (Sở GD&ĐT TP.HCM): Thật ra, ở bất cứ trường học nào cũng có học sinh đánh nhau, tùy mức độ nhà trường xử lý. Nhưng gần đây những vụ đánh nhau mang tính chất côn đồ diễn ra thường xuyên và dày đặc khiến những người làm công tác giáo dục quan ngại, chúng tôi đang tìm nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa. Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của các em học sinh tất cả các trường THCS, THPT để tìm hiểu nguyên nhân. Qua một số bài dự thi “Học sinh TP.HCM nói không với bạo lực học đường” thấy toát lên nguyên nhân bạo lực là do các em học sinh lười học, mê game và sự buông lỏng giáo dục của gia đình…

. Thực tế cho thấy tệ nạn học sinh đánh bạn gây thương tích không chỉ nằm ở những học sinh cá biệt, có hoàn cảnh gia đình không tốt. Những học sinh ngoan, học giỏi cũng dễ nổi cơn giận, đâm bạn mình như báo chí phản ánh.

+ Đa phần học sinh có hành vi anh chị thường rơi vào những gia đình không được hạnh phúc, xuất thân từ những gia đình bất hảo như trường hợp học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lai (cha mẹ nghiện ma túy rồi buôn bán ma túy đi tù và chết trong tù). Còn học sinh ngoan, giỏi có hành vi bạo lực thì do các em thiếu nơi bày tỏ cảm xúc. Qua sự việc, bình tĩnh nhìn nhận lại chúng ta thiếu bộ phận tham vấn học đường, không có nơi cho học sinh nói lên suy nghĩ của mình để cùng nhau giải tỏa những gút mắc trong khi học và giao tiếp giữa học sinh với học sinh, giữa thầy cô với học sinh.

Chống bạo lực học đường: Không được bất lực trước học sinh cá biệt ảnh 1

Khi học sinh thấy mình được chia sẻ, động viên sẽ có suy nghĩ tích cực, phấn đấu tốt. Ảnh minh họa: HTD

Sắp tới, Sở sẽ củng cố lại mạng lưới phòng tham vấn học đường tại mỗi cơ sở trường học để học sinh có nơi giải tỏa những suy nghĩ của mình và thầy cô định hướng đúng cho học sinh.

. Trở lại vụ hai học trò hành hung tại Trường THCS Lê Lai, quận 8, học sinh thấy bạn mình bị đánh không dám can ngăn và giáo viên cũng không dám nói động đến hai học sinh cá biệt này. Ông nhìn nhận sự việc như thế nào?

+ Nếu sự việc rõ ràng như vậy thì biện pháp giáo dục của chúng ta sai. Thầy cô không được phép bất lực trước học sinh cá biệt như vậy. Thầy cô, nhà trường phải biết dùng tình thương để cảm hóa các em. Tôi tin rằng dù các em có ngỗ ngược như thế nào đi nữa, nếu giáo viên biết dùng tình thương cảm hóa thì các em sẽ sống tốt hơn.

. Qua các vụ bạo lực học đường nêu trên, theo ông vai trò của giáo viên chủ nhiệm được đặt ra như thế nào?

+ Trong một lớp học, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò hết sức quan trọng, phối hợp với giáo viên bộ môn nắm được tâm sinh lý các em, gần gũi, chia sẻ, động viên về tinh thần, chia sẻ khó khăn với các em. Ví dụ, một học sinh thường hay gây gổ với bạn, giáo viên chủ nhiệm biết được nên tìm hiểu hoàn cảnh, tâm lý và phối hợp với giáo viên bộ môn, ban cán sự lớp gần gũi hơn, xóa được mặc cảm. Khi học sinh thấy mình được chia sẻ thì sẽ có suy nghĩ tích cực, phấn đấu tốt.

. Về lâu dài, ngành giáo dục sẽ làm gì để hạn chế bạo lực trong trường học, thưa ông?

+ Cái chính là ở các trường, công tác đoàn, đội phải làm cho tốt. Tại các lớp học, giáo viên chủ nhiệm dành tiết sinh hoạt tập thể để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhất ngay từ đầu. Cái lo ngại lớn của ngành mà các trường thường hay báo cáo về là học sinh thường hay câu kết với các nhóm xã hội đen bên ngoài để đánh bạn. Sở GD&ĐT TP.HCM kết hợp với Công an TP.HCM đang soạn thảo văn bản liên tịch trong việc phòng ngừa tội phạm trong trường học.

. Xin cám ơn ông.

Chị Lê Thị Thu Trang (phụ huynh, ngụ Thạch Thị Thanh, quận 1):

Nhà trường và công an cần góp tay ngăn chặn

Chưa bao giờ tôi lo sợ trước vấn nạn bạo lực học đường như lúc này. Năm rồi báo chí đưa một cô bé học lớp 9 ở Hóc Môn rạch mặt bạn bằng dao lam. Tìm hiểu thì được biết gia đình em này là xã hội đen ở địa phương chuyên cho vay nặng lãi. Môi trường gia đình, xóm làng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành nhân cách trẻ. Môi trường giáo dục góp phần uốn nắn hành vi, giúp trẻ nhận thức được đúng, sai vai trò của giáo viên hết sức quan trọng. Tôi cho rằng mọi chuyện gì xảy ra nếu được học sinh và giáo viên phối hợp hỗ trợ nhau thì cái xấu không có cơ hội xâm nhập vào trường học. Sự việc học trò sợ không dám can ngăn đã đành, giáo viên cũng không can thiệp được thì không chấp nhận được.

Lứa tuổi trên 14 có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội nghiêm trọng. Đã đến lúc ngành công an địa phương phải vào cuộc, xử lý nghiêm và cần thiết cho đi trường giáo dưỡng những học sinh vi phạm nghiêm trọng.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm