TƯ VẤN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2010:

Chọn nghề “hot” hay chọn theo sở thích?

Sáng 28-2, hàng ngàn bạn đọc đã tham gia giao lưu buổi tư vấn trực tuyến “Những ngành nghề thời thượng hiện nay” trên Pháp Luật Online với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu-tư vấn thị trường nhân lực và đại diện các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhiều ngành nghề được bạn trẻ tập trung quan tâm đặt câu hỏi tìm hiểu thông tin cũng như được các chuyên gia tích cực giải đáp.

Công nghệ, kinh tế... nhu cầu cao

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó ban Quan hệ công chúng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ngành công nghệ sinh học và ngành khoa học môi trường đều là những ngành khoa học công nghệ mũi nhọn và có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực trình độ cao. Theo ông Nguyên, một trong những ngành cũng thuộc dạng “hot” là vật lý hạt nhân (một chuyên ngành của ngành vật lý), đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân. Sinh viên cần học tập thật tốt, quan tâm rèn luyện ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm để được trọng dụng khi ra trường.

Còn ông Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thị trường chứng khoán ở Việt Nam chỉ mới khởi đầu, do đó nguồn nhân lực rất cần. Nhu cầu nhân lực cho các ngành thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh trong thời gian 5-10 năm tới là rất lớn do nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh nên rất cần nhân lực.

Chọn nghề “hot” hay chọn theo sở thích? ảnh 1

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, ủy viên Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho hay hiện trong số 52 ngành và chuyên ngành của trường có rất nhiều chuyên ngành được đào tạo theo hướng đa ngành. Năm nay trường có thêm hai chương trình đào tạo tiên tiến liên kết với ĐH nước ngoài: ngành khoa học công nghệ thực phẩm và ngành thú y.

Không đáp ứng thị trường lao động

Nhiều bạn trẻ băn khoăn: Nhu cầu nguồn nhân lực trong 5-10 năm tới tại các vùng kinh tế khu vực TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... sẽ phát triển ra sao? Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết thị trường lao động đang tồn tại nhiều nghịch lý. Nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động có nghề và lao động phổ thông nhưng không tuyển được lao động, kể cả lao động đã qua đào tạo nghề vẫn khó tìm việc làm thích hợp.

Tại TP.HCM, trong những năm tới có nhu cầu rất lớn về ngành kỹ thuật, cơ khí, điện tử, kỹ thuật xây dựng. Kể cả các vùng kinh tế ngoài khu vực TP.HCM như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... vì tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Người lao động chọn học những ngành nghề này sẽ rất thuận lợi về việc làm trong tương lai.

Cân nhắc ngành “hot” hay đam mê...

Một trong những vấn đề bạn trẻ quan tâm là thị trường lao động cao cấp cần những bằng cấp gì, thu nhập ra sao. Theo Tiến sĩ Lê Thị Thúy Loan, Giám đốc Công ty TNHH Loan Lê, lao động cao cấp gồm các vị trí quản lý từ cấp trưởng, phó phòng trở lên. Thu nhập của lao động cao cấp tại các công ty lớn của Việt Nam và nước ngoài từ 1.000 đến trên 10.000 USD/tháng; tại các công ty Việt Nam vừa và nhỏ từ 5 triệu đến 30 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Thị Thúy Loan, với những vị trí quản lý cao cấp thì tất cả ngành đều chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, nếu các thí sinh yêu thích một ngành nào đó, quyết tâm đạt đến đỉnh cao của ngành nghề mình theo đuổi thì nhu cầu xã hội luôn rất cần, trong nhiều năm tới nguồn cung vẫn chưa được đáp ứng.

“Việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng. Phụ huynh và thí sinh cần quan tâm không chỉ đến những ngành nghề có nhu cầu cao trong xã hội mà chú ý đến sự phù hợp về khả năng, cá tính và niềm đam mê của từng người để lựa chọn ngành nghề. Do vậy, các bạn trẻ cần cân nhắc nên chạy theo các ngành “hot” hay chuyên tâm đi theo các ngành mình thật sự đam mê, phù hợp với cá tính, khả năng của mình để lên đến đỉnh cao nghề nghiệp” - Tiến sĩ Loan nhận định.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động - Sở LĐ-TB&XH TP.HCM):

44 ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao

Giai đoạn 2011-2015, với tốc độ tăng bình quân về chỗ làm việc 3%-3,5%/năm cho thấy TP.HCM sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 280.000-300.000 chỗ làm việc/năm. Những nhóm ngành nghề có nhu cầu cao gồm: Quản lý kinh tế, kinh doanh, quản lý chất lượng, du lịch, nhà hàng-khách sạn, bán hàng, marketing, nhân viên kinh doanh, dịch vụ và phục vụ, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, tư vấn, bảo hiểm, luật, quản lý nhân sự, tổ chức, hành chính văn phòng, giáo dục, đào tạo, thư viện, ngoại ngữ, biên phiên dịch, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông, cơ khí, sửa chữa ôtô, xe máy, điện, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh, giao thông, dầu khí, môi trường, thiết kế, đồ họa.

TRƯƠNG HIỆU - PHONG ĐIỀN

Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến mời bạn đọc xem tại địa chỉ tại đây

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm