Chỉnh sửa sai sót của sách giáo khoa từ năm học tới

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Phó thủ tướng - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: Tuệ Nguyễn

*Năm học 2007-2008, có ý kiến cho rằng tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học tăng đột biến so với các năm trước. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Năm học 2007-2008 số HS bỏ học chiếm 0,94%, so với các nước khác không cao và cũng không tăng đáng kể so với các năm học trước đó (năm 2006 là 0,92%, năm 2007 là 0,9%). Tuy nhiên, dù số HS bỏ học ít hay nhiều cũng là điều mà ngành giáo dục băn khoăn và quan tâm.

Năm học 2008-2009 sắp tới, để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT sẽ kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của xã hội đối với công tác giáo dục, phát triển hệ thống trường lớp để HS ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không phải đi học quá xa nhà...

Một giải pháp mới mà năm học tới chúng tôi đặc biệt chú trọng là xây dựng môi trường học tập vui vẻ, lành mạnh nhằm khuyến khích HS đến trường. Với việc phát động và triển khai mô hình "trường học thân thiện, HS tích cực", Bộ GD-ĐT đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể như: tất cả các trường học phải có nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn; bên cạnh việc chăm lo, bồi dưỡng cho đối tượng HS khá giỏi sẽ dành sự quan tâm đặc biệt hơn tới đối tượng HS yếu kém... Như vậy, tôi tin rằng hiện tượng HS bỏ học sẽ giảm.

*Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT cũng đã lấy ý kiến đóng góp và rà soát lại toàn bộ chương trình - sách giáo khoa của bậc phổ thông hiện hành. Trên cơ sở những hạn chế, yếu kém và sai sót mà các ý kiến đóng góp đã chỉ ra, ngành GD-ĐT sẽ tiến hành khắc phục ra sao, thưa ông?

- Việc rà soát chương trình - sách giáo khoa sẽ được tiến hành liên tục từ nay đến năm 2010. Sau đó sẽ có quyết định chính thức về hướng biên soạn và đổi mới chương trình - sách giáo khoa ra sao. Tuy nhiên, năm học tới sẽ tổ chức đánh giá sâu hơn hiệu quả của một số môn học còn đang tồn tại hiện nay, ví dụ như môn Giáo dục công dân, môn Thủ công (ở bậc tiểu học).

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm học tới sẽ tiến hành chỉnh sửa những sai sót của một số bộ sách. Sau khi sửa xong sẽ có thông báo và hướng dẫn cụ thể cho các nhà trường.

* Một trong những vấn đề trọng tâm mà ngành GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện trong năm học tới là tiếp tục thực hiện cuộc vận động "hai không". Vậy sẽ có những vấn đề gì cần phải thực hiện quyết liệt hơn?

- Việc thi cử, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học vừa qua đã được tiến hành khá nghiêm túc. Tuy nhiên, theo phổ điểm của từng hội đồng thi mà Cục Công nghệ thông tin của Bộ vừa thống kê thì vẫn còn những địa phương thực hiện chưa tốt. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành chấm lại một số hội đồng thi có dấu hiệu không nghiêm túc đó và gửi kết quả về cho lãnh đạo chính quyền và ngành GD-ĐT địa phương xem xét. Sang năm học tới, nếu còn phát hiện dấu hiệu tiêu cực xảy ra, chúng tôi sẽ không chỉ gửi kết quả về địa phương mà còn thông báo rộng rãi, công khai và có biện pháp xử lý kiên quyết. Chính vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới sẽ là một thách thức rất lớn với ngành, làm sao tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, chính xác và công bằng hơn nữa để có thể tiến hành một kỳ thi THPT quốc gia vào năm 2010.

* Được biết, một trong 3 chương trình được triển khai ở cấp quốc gia bắt đầu từ năm học tới là việc phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi. Vậy để thực hiện được mục tiêu này sẽ bao gồm những điều kiện gì?

- Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng và trình Chính phủ Đề án phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009-2015 nhằm tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi tiếp cận với GD có chất lượng trong các loại hình trường. Đảm bảo trẻ em 5 tuổi ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc được đi học tại các trường mẫu giáo công lập, ở các vùng còn lại tăng cường huy động trẻ 5 tuổi được học trong các loại hình trường. Sẽ điều chỉnh từng bước cơ cấu chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ phổ cập 1 năm mẫu giáo 5 tuổi, đảm bảo phổ cập có chất lượng từ nay đến năm 2010, trong đó có cả việc đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ.

Tuệ Nguyễn - TNO (thực hiện)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm