Châu Âu: Sinh viên phản đối thương mại hóa giáo dục

Giờ các nước châu Âu lại phải đau đầu tranh cãi làm sao để duy trì nguyên tắc bất khả xâm phạm: giáo dục miễn phí cho mọi người.

Tiến trình Bologna

Theo đề xuất đưa ra, chương trình đại học sẽ rút xuống chỉ còn ba năm, thêm hai năm để lấy bằng thạc sĩ, vừa rút ngắn thời gian của người học vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước vì giáo dục vốn được bao cấp.

Theo thỏa thuận tự nguyện giữa 45 nước - trong Liên minh châu Âu và 19 nước khác có Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tiến trình Bologna “hành động như một chất xúc tác cho sự thay đổi tại các nước trên khắp châu Âu. Hệ thống trường đại học, nơi cải cách là cần thiết đã buộc phải thay đổi”, bà Ligia Deca, người đứng đầu hiệp hội sinh viên Liên minh châu Âu tại Brussels nói.

Các nước Đông Âu như Hungary và cộng hòa Czech tìm thấy ở Bologna một cơ hội giúp các trường đại học theo mô hình cũ tại các nước này đến gần với tiêu chuẩn Tây Âu hơn. Czech muốn tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, hiện thấp nhất ở châu Âu; trong khi Đức muốn hỗ trợ ít hơn, tăng mức bằng cấp liên quan đến công việc nhiều hơn.

Nhưng với nhiều người, Bologna đồng nghĩa với việc sinh viên phải trả tiền. Anh là nước đầu tiên áp học phí năm 1998, mở đường cho các nước khác như Hà Lan, Áo, Ý, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha cùng làm theo. Nhưng học phí vẫn ở mức tối thiểu (trừ Anh). Ở các nước bán đảo Scandinavia, học tập về cơ bản vẫn còn miễn phí.

Gần đây, các trường đại học Đức áp luật nhằm ngăn chặn từ thu phí sinh viên, nhưng tòa án hiến pháp có thể lật ngược điều luật trên. Một số vùng như Hessen thu học phí mức độ khiêm tốn. Nhưng Bologna đã làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng giáo dục sẽ trở thành một mặt hàng đắt tiền. Khuôn viên Đại học Goethe tại khu phố Bockenheim, Frankfurt có những giảng đường đông đúc cũ kỹ, nơi sản sinh ra Karl Marx và Albert Einstein. Nhưng cái được gọi là “kinh tế học của giáo dục” của tiến trình Bologna có nguy cơ phá hỏng những điểm mạnh cốt lõi của hệ thống “đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh về khoa học và công nghệ”.

Tại Tây Ban Nha, học sinh chiếm giữ các tòa nhà đại học, chặn đường xe lửa, làm gián đoạn cuộc họp của thượng viện. Tại Paris, các cuộc biểu tình của sinh viên làm tê liệt hệ thống tàu điện ngầm. Tại Praha, người biểu tình tổ chức cuộc “đấu giá” tốt nghiệp, nơi các công ty ảo đấu giá những sinh viên tốt nghiệp "hiệu quả" nhất. “Giáo dục là quyền, không phải hàng hóa”, một tuyên bố dán trên các biểu ngữ tại Đại học Osnabrück, bang Hạ Saxony, Đức. Trong tháng 3.2010, hàng ngàn người biểu tình ở Vienna và Prague khi các bộ trưởng giáo dục châu Âu dự lễ kỷ niệm 10 năm tiến trình Bologna.

"McDonald's hóa" các trường đại học

Châu Âu: Sinh viên phản đối thương mại hóa giáo dục ảnh 1
Một sinh viên Đức biểu tình phản đối
việc tăng chi phí đại học. Ảnh: CSM

Sinh viên chỉ mất 5 năm hoặc hơn 3 năm để đạt các bằng cấp tập trung, điều đó có nghĩa các trường đại học buộc phải giảm giờ dạy. “Những gì chúng tôi lĩnh hội trong 8 học kỳ nay được tiêu hóa trong 6 học kỳ. Tôi không đồng ý", Eric Reifschneider, một sinh viên tại Frankfurt, người tổ chức cuộc biểu tình mới đây tại Đức, nói. Eric cho rằng sinh viên ngày nay không có nhiều thời gian để suy nghĩ. “Lúc bạn nói cử nhân, bạn thiết lập mô hình thức ăn nhanh kiểu McDonald's cho các trường đại học Đức”, Ulrich Beck, giáo sư xã hội học đại học Ludwig Maximilans, Munich, viết trên báo Rundschau trong bài “Thức ăn nhanh đưa đến giáo dục nhanh”. Tuy nhiên, nhiều người khác đồng ý rằng tiến trình Bologna buộc Đức phải cải tổ hệ thống giáo dục quan liêu, thiếu tài chính. Trên khắp châu Âu, có rất ít ưu đãi cho sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học được công quỹ tài trợ. Song song đó, tỷ lệ bỏ học ở các trường rất cao: 40% ở Pháp, hiện tượng này như cơn dịch lây lan ra nhiều nơi tại châu Âu, nhất là Đức. Nhiều người cho rằng ý tưởng Humboldt, trong đó khuyến khích cho sinh viên thời gian và tự do để thực hiện các nghiên cứu riêng – chỉ có tác dụng cho số ít người có tính kỷ luật, như ông Wolfgang Fach, đồng hiệu trưởng của Đại học Leipzig (Đức) nhận định. Ông cho hay tỉ lệ sinh viên triết học bỏ học là 6/10. Thông qua việc khuyến khích tài chính và đưa ra một thời hạn cho sinh viên, tiến trình Bologna có thể khiến sinh viên tham gia nghiên cứu nghiêm túc hơn. Trong khi mục tiêu hài hòa các hệ thống đại học trên khắp châu Âu của Tiến trình Bologna là tốt, việc thực hiện nó lại là cả vấn đề. “Bạn cần một hệ thống giáo dục giúp sinh viên làm được việc, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn khiến giáo dục sau đại học như một công ty kinh doanh”, bà Deca nói.
Theo Kim Dung (SGTT/ C&M)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm