Chập chùng khó khăn phía trước

Hôm qua, hội nghị giao ban các sở GD&ĐT khu vực ĐBSCL lần thứ nhất đã được tổ chức tại TP Rạch Giá (Kiên Giang). Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Giáo viên sẽ đánh giá hiệu trưởng

Nội dung của hội nghị lần này là tiếp tục triển khai cuộc vận động “hai không” trong năm học mới 2007-2008: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và với tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động “hai không” trong ngành giáo dục vừa qua là khâu đột phá nhằm tạo tiền đề triển khai các mục tiêu lớn hơn của ngành trong giai đoạn mới.

Ông Trương Nghĩa, Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, đề nghị để cho cuộc vận động này đạt kết quả cao, cần đề cao vai trò của các vị hiệu trưởng, bởi chính họ là người quyết định chất lượng dạy và học trong nhà trường và cũng chính họ mới hiểu cặn kẽ chất lượng học tập của từng học sinh trong trường mình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những ý kiến đề xuất. Ông nhấn mạnh: “Với vị trí của mình, hiệu trưởng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc vận động “hai không”. Hiệu trưởng là người trực tiếp quyết định chất lượng dạy và học. Do vậy, tới đây sẽ triển khai việc giáo viên đánh giá hiệu trưởng, sao cho những người thật sự giỏi, có uy tín mới dám đảm nhận vai trò này”. Phó Thủ tướng cũng thông báo việc Bộ đã ký kết hợp tác với Singapore tới năm 2010, tất cả các hiệu trưởng được đào tạo, đào tạo lại.

Nghỉ học vì không được... “ngồi nhầm lớp”?

Đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng nếu không kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động “hai không” thường xuyên thì có thể xảy ra tình trạng nơi làm, nơi không. Ông dẫn chứng: trong năm học vừa qua, có tỉnh khi chấm phúc khảo có đến hàng trăm em từ rớt thành đậu. Ông nghi ngờ về con số này vì theo ông, một khi công tác chấm thi được tổ chức chặt chẽ, không thể có sai sót nhiều như vậy! Thực tế ở Vĩnh Long, chấm phúc khảo không có em nào đậu.

Đại diện Trà Vinh nói rằng tỉnh ông tỷ lệ học sinh THCS bỏ học trong năm học vừa qua lên đến 9%. “Có làng dân kéo đi làm mướn mỗi lần đầy kín 5-10 xe đò. Cha mẹ, ông bà, con cái kéo nhau đi hết. Hoàn cảnh như thế thì học hành gì nữa!”- ông nói.

Tương tự, ở Sóc Trăng, trong năm học vừa qua, số học sinh THCS giảm hơn 5.000 em. Tỉnh đang điều tra, nắm kỹ những trường hợp bỏ học này. Nếu nghỉ học vì “không được... ngồi nhầm lớp” thì sẽ vận động đi học trở lại.

Ông Lữ Văn Nhựt, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, nói: “Thi tốt nghiệp lần hai oải đủ thứ. Tôi đề nghị chỉ làm một năm học này nữa rồi thôi”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận đề nghị này. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, cần phải lắng nghe thêm ý kiến của những vùng, miền khác nữa mới chính thức quyết định vì việc này phải áp dụng chung cho cả nước, không thể vùng thi, vùng không.

Hơn 10.000 phòng học cần xây mới

Một vấn đề rất bức xúc của khu vực ĐBSCL hiện nay là tình trạng trường lớp xuống cấp. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, hiện toàn vùng còn hơn chục ngàn phòng học xây dựng từ lâu, phòng học cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng, cần xây dựng lại ngay để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long gần 700 phòng, TP Cần Thơ hơn 2.200 phòng, Bến Tre 2.000 phòng... Ông Trương Nghĩa, Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, nói: “Ở Bến Tre, tuy không còn phòng học tre lá, không còn học ca ba nhưng hiện nay nhiều trường đã hư hỏng rất nặng, ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học. Trong khi đó, kinh phí của địa phương và nhà trường quá ít, không đủ để sửa chữa nhỏ thì làm sao xây dựng, nâng cấp được?”.

Theo ông Nghĩa, việc Bộ định giá xây dựng phòng học không sát thực tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến chương trình kiên cố hóa trường lớp. Theo quy định của Bộ, mỗi phòng học xây mới được đầu tư 90 triệu đồng; trong đó, Bộ đầu tư 80% (72 triệu đồng/phòng), còn lại là kinh phí địa phương. Thế nhưng trong thực tế, giá thành xây dựng một phòng học lên đến 150 triệu đồng, nghĩa là phần đầu tư của Bộ chưa đến 50%. Điều này khiến cho địa phương rất lúng túng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tới đây, Bộ sẽ giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các địa phương trong xây dựng phòng học. Có thể Bộ sẽ giao cho mỗi địa phương “một cục” tiền, địa phương sẽ quyết định quy mô xây dựng trường... Phó Thủ tướng cho biết chương trình kiên cố hóa trường lớp ở các tỉnh khu vực ĐBSCL sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất.

TRƯỜNG PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm