Bi hài teen “nhiễu” thông tin về sức khỏe giới tính

“Bố thơm có bầu không mẹ?”

Chị Khương (tên nhân vật đã thay đổi), nhà ở Q.4, TPHCM kể rằng cô con gái của chị đang học lớp 6 (trường THCS Vân Đồn Q.4) gần đây có phản ứng rất mạnh khi người khác giới, kể cả bố hay em trai chạm vào người mình.
 
Chị Khương không hề để ý cho đến một hôm, cháu lân la hỏi: “Bố thơm thì con bị có bầu không?”. Người mẹ nghe mà suýt… xỉu ngay tại chỗ vì không ngờ con mình lại “cẩn thận” đến mức đó.

Bi hài teen “nhiễu” thông tin về sức khỏe giới tính ảnh 1
Những buổi giáo dục giới tính thông qua trò chuyện, trao đổi là rất cần thiết đối với tuổi đang lớn. (Ảnh minh họa).
Lúc này chị mới hay, thông tin do con gái chị được một người bạn cùng lớp “mách nhỏ” sau khi em này nghe mẹ dặn “Con gái đã có kinh nguyệt mà để đàn ông chạm vào người sẽ…có bầu ngay tức khắc”. Chị Khương phán đoán “Các em bây giờ bày tỏ tình yêu nam nữ rất sớm. Có thể quá lo lắng nên bà này đã “hù” để con tránh xa các bạn trai, với mục đích bảo vệ con mà không lường được các cháu lại hiểu ra như thế”. Ngược lại, N, một học sinh lớp 8 ở Q. Tân Bình lại lăn tăn trước thông tin một chị trên lớp "cung cấp" nếu người bạn trai chưa đến tuổi 18, nghĩa là chưa thành người lớn thì không thể làm bạn gái có em bé. “Em nghe bạn kể rất nhiều điều nhưng không biết là đúng hay sai. Mẹ không bao giờ trả lời đâu, nếu em hỏi sẽ bị la ngay. Em nghĩ có thể chị kia nói đúng vì chị ấy có bạn trai rồi, anh bạn trai mới 17 tuổi”, N cho hay. Thế nên, không ít bạn trai cũng có suy nghĩ mình chưa qua tuổi 18 thì chưa thể… làm bố. Đến khi bạn gái kêu báo “lỡ rồi” các em mới tá hỏa bùng binh chẳng hiểu sao lại ra nông nỗi đó. Giới bị “nhiễu” thông tin Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TPHCM) cho hay, trong quá trình tham dự các chương trình tư vấn tại trường học, bà gặp nhiều tình huống học trò “ngô nghê” về giới tính. Bà nhớ nhất trường hợp nữ sinh học bán trú nhưng buổi trưa đến giờ ngủ, em chỉ ngồi ôm gối khư khư trên bàn, nằm xuống cũng không dám nhắm mắt. Hóa ra, do ngủ trên bàn học, có cả các bạn trai trong lớp nên em HS này sợ tinh trùng "tấn công" làm mình có bầu. Lý do là trước đó, em được nghe nôm na về giới tính rằng khi ngủ tinh trùng của con trai đi tìm trứng kết hợp lại sẽ có thai. “Con ngủ để canh không cho nó bò vào người con”, cô bé giải thích. Theo bà Thúy, nguyên nhân có những ngộ nhận như vậy là do việc giáo dục giới tính chưa đến nơi, người lớn diễn giải một cách mập mờ, né tránh nên trẻ sẽ suy luận theo cách nghĩ của mình, dẫn đến những tình huống rất đáng thương cho các em.
Bi hài teen “nhiễu” thông tin về sức khỏe giới tính ảnh 2
Nhưng không ít bạn trẻ yêu “liều mạng” lại không lường được hết hậu quả.
Thật ra, các bạn tuổi teen bây giờ không hoàn toàn mù mờ về sức khỏe sinh sản, giới tính. Hầu hết các em đã nghe đến, hình dung hay ít nhiều hiểu về viên tránh thai, bao cao su, quan hệ tình dục… Nhưng khi muốn tìm hiểu, đề cập để có những giải đáp cụ thể thì lại không biết tìm ở đâu. Trong khi đó, hàng ngày các bạn tiếp cận quá nhiều kênh thông tin như internet, bạn bè và chính người lớn cũng diễn đạt một cách mơ hồ, thiếu đồng nhất hoặc né tránh. Chuyên gia tâm lý Quỳnh Nga cho rằng, nhiều trẻ khi tò mò có thể sử dụng máy tính để tìm hiểu và luôn cho ra rất nhiều kết quả nhưng lại không dễ tìm được thông tin từ chính thống. Các em rơi vào cảnh nghe, đọc được cái gì thì hiểu và học theo cách đó mà nhiều khi những thông tin đó lại có tác dụng ngược. Do không được giáo dục một cách khoa học nên khi gặp phải sự cố, các em “bấu víu” tin tưởng vào những gì mình đọc được hoặc nghe ai đó nói. Nhất là tuổi này các em thường hay truyền tai nhau những điều mình biết. Người này truyền người kia, nên khi một bạn hiểu sai dẫn đến nhiều bạn cùng hiểu sai. Bà Nga bày tỏ: “Nói các bạn trẻ nên biết chọn lọc thông tin, nhưng đâu là thông tin được cho là đúng, chính thống thì dường như chúng ta đang né tránh, hoặc truyền đạt một cách chưa chính xác. Chính sự hiểu biết mập mờ về sức khỏe giới tính, tình dục rất nguy hại đối với các em”. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, người lớn vẫn cố giấu các vấn đề liên quan đến sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản với trẻ. Hoặc họ không có những lý giải thỏa đáng mang tính trách nhiệm, dẫn đến việc các em “nhiễu loạn” thông tin nên dễ gặp phải những hậu quả đau lòng.
Theo Hoài Nam (DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm