Bé 2 tuổi học "dzo dzo" theo bố

Những hành động bắt chước của trẻ

Anh Minh, nhà ở Thanh Oai, Hà Nội kể về cậu con trai với giọng lo lắng: “Có khi mình phải cất điếu cày đi chỗ khác hoặc không để cho cháu chơi gần đây nữa. Ai biết đâu lúc lớn hơn chút cháu không bập bẹ rít thử một điếu thì nguy”.

Bé 2 tuổi học "dzo dzo" theo bố ảnh 1

Bé cần có không gian sinh họat phù hợp, tập cho bé những hành động phù hợp với sự phát triển độ tuổi của mình. (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet)
Ở nhà, bé Bi của anh chị rất ngoan, ăn không quấy, dễ ngủ và như anh Minh cho biết “bé bắt chước mọi thứ rất nhanh”. Nhìn hai bàn tay nhỏ xíu của bé nắm lấy ống điều cày chưa vừa tay, kéo sát lại người và quắp chân phía cuối, đưa miệng lên thử hít hít khiến cả nhà anh chị vừa phì cười vừa lo lắng.

Không chỉ việc này, những khi ngồi trong lòng bố bên bàn máy tính, bé Bi cũng học theo bố gõ bàn phím tách tách rồi dùng tay dê chuột. Bé tập theo bố mẹ việc cầm điện thoại ấn phím, sau đó áp lên tai để nghe, miệng lẩm bẩm “toàn tiếng nước ngoài”.
Gia đình anh Nam ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc vẫn thường khoe với mọi người về cậu quý tử nhà mình về khả năng uống bia cực tốt và phong cách cực kỳ “chuyên nghiệp”. Do vợ chồng anh chị làm kinh doanh nên rất hay mời khách tới nhà rượu bia hoặc ngược lại, anh chị được mời đi ăn uống.

Bé Tuấn Anh, 2 tuổi vẫn được bố mẹ cho tham dự. Từ lè lưỡi kêu bia “cay”, mãi dần qua những lần bé “được mời” hay tự mình thử thứ “nước lạ” màu vàng, có bọt khi bố mẹ đặt cốc cạnh người, Tuấn Anh dần quen và thích uống thứ nước này hơn cả đường, sữa.

Mẹ bé, chị Hoa kể lại: “Có lần cháu khóc thét lên khi tới bữa cơm mời khách bị bà bế ra ngoài, dỗ mãi không được, tay cứ với với đòi “nước, nước”. Trời ạ, khi ông xã nhà mình mang cốc bia rót ra cái ly bé cho cháu uống thì bé im ngay, miệng cứ ừng ực. Rồi liếm mép như thật”.Bà nội của cháu tiếp lời: “Hôm anh Quang hàng xóm mang thằng Tễu sang nhà chơi, nó (bé Tuấn Anh) còn chơi trò cụng ly, dzô dzô nữa. Rồi cười phá lên”.

Bây giờ tới bữa cơm gia đình anh Hòa, chị Thắm, nhà ở Từ Liêm, Hà Nội lại phải bật clip “quảng cáo Zin Zin” cho bé làm theo hành động “bắt lấy cái tay, vớ được cái đầu” vài lần mới chịu ăn.

Có đáng lo ngại?

Lý giải về những hành động trên, theo chị Quỳnh Nga, chuyên gia tư tư vấn tâm lý, Công ty Tư vấn Đầu tư & Phát triển Con người Nhật Minh: "Không phải mọi hành động bắt chước của bé đều tốt và phù hợp với sự vận động, phát triển tâm sinh lý của bé. Những hành động bắt chước trên của các bé thực sự đáng lo ngại, bởi bản thân các bé chưa thể nhận thức được đâu là hành động, việc làm phù hợp với lứa tuổi của bé.

Bé cũng chưa thể phân biệt được những điều gì nên và không nên làm, những hành động nào là tốt cho sự phát triển về nhân cách của bé sau này.

Thường thì cha mẹ nào cũng cảm thấy rất hạnh phúc và yên tâm khi thấy con mình có khả năng “ghi nhớ và “bắt chước” những hành động cử chỉ, lời nói của người lớn. Điều này không sai, bởi ở lứa tuổi này, các bé mới chỉ học bắt chước người lớn. Cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng hơn khi bé không bao giờ bắt chước hoặc hoàn toàn thờ ơ khi người lớn cố tình dạy bé tập theo một hành động nào đó.

Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý trước sự phát triển của con ở giai đoạn này. Nếu tất cả mọi hành động của bé đều được “cố vũ” và đáp ứng vô điều kiện (như trường hợp bé Tuấn Anh) thì vô tình người lớn đã tạo cho bé thói quen xấu.

Cha mẹ cũng không nên cho bé tham gia vào những việc làm, họat động không phù hợp với trẻ nhỏ. Bé cần có không gian sinh họat phù hợp, tập cho bé những hành động phù hợp với sự phát triển độ tuổi của mình. Trẻ con dễ ghi nhớ nhưng cũng nhanh bị thu hút vào những họat động khác, không nên đáp ứng mọi đòi hỏi của bé mà nên hướng bé vào những trò họat náo khác dành cho trẻ nhỏ.
Theo Văn Chung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm