Bạo lực học đường xuất phát từ xã hội

Chiều qua (9-4), Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. Nhiều ý kiến của các chuyên gia tâm lý cho rằng bạo lực học đường ngày càng manh động, gia tăng là do xã hội nhìn đâu, lĩnh vực nào cũng có bạo lực. Một số thầy cô cho rằng nguyên nhân của bạo lực học đường là do học sinh bị ảnh hưởng của game online đầy bạo lực.

Ở đâu cũng thấy bạo lực

TS Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP, nêu: Những năm gần đây, cảnh bạo lực diễn ra khắp nơi, khắp các lĩnh vực, bạo lực sân cỏ, cầu thủ đánh nhau, huấn luyện viên chửi trọng tài, cổ động viên choảng nhau; bạo lực kinh doanh đâm chém để tranh giành thị phần. Ngoài đường phố xe taxi húc vào xe cảnh sát, đánh trả lại cảnh sát. Rồi bạo lực gia đình, con cái hù dọa cha mẹ, mẹ đánh đập con gây thương tích, con hành hạ cha đến ngất xỉu… và rất nhiều hình thức bạo lực khác, không riêng gì bạo lực học đường. Vấn đề đặt ra là tại sao các loại bạo lực này vẫn diễn ra hằng ngày ở xã hội ta đang sống, tại sao chúng ta không hạn chế được mà nó có chiều hướng gia tăng.

Khi bạo lực xảy ra trong nhà trường, đôi khi thầy cô cũng cảm thấy không an toàn khi phải giải quyết một vụ nào đó thì làm sao tình hình bạo lực học đường sáng sủa hơn được.

Thầy Nguyễn Văn Cải, giáo viên Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) nhìn nhận: Đa số học sinh cho rằng bạo lực học đường là sai trái nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo, vì thế mà không dám báo với thầy cô hay chính quyền địa phương. Một bộ phận học sinh khác thì thờ ơ, dửng dưng, im lặng, hoặc thậm chí cổ vũ, đồng tình với bạo lực...

Bạo lực học đường xuất phát từ xã hội ảnh 1

Một số thầy cô cho rằng nguyên nhân của bạo lực học đường là do học sinh nhiễm game online bạo lực. Ảnh minh họa: HTD

Game là nguyên nhân số một?

Cô Nguyễn Thị Bạch Lan, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng học sinh ngày nay tiếp cận những phương tiện giải trí như game online đã không xa lạ gì những cảnh bạo lực từ trò chơi này, toàn những cảnh đấm đá man rợ mà các em học sinh là người nhập vai. Tôi chứng kiến những khuôn mặt hân hoan, thỏa mãn của các em khi đối diện với những cảnh rùng rợn trong trò chơi. Các game bạo lực này đang dần phá hủy tâm hồn và nhân cách các em, biến các em thành những con người dữ tợn.

Cô Lê Hoàng Tú Uyên, giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh, dẫn lời cảnh báo của TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: “Lứa tuổi học sinh, việc các em khám phá và hành động một cách tự do để khẳng định mình trong mắt người lớn và bạn bè đã trở thành một nhu cầu. Đến với trò chơi điện tử, các em sẽ được làm theo những gì mình thích để thỏa mãn sự tò mò mang tính tâm lý. Tuy nhiên, chưa đến tuổi trưởng thành nên các em chưa có đủ kỹ năng để làm chủ thời gian và cảm xúc bản thân. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp chìm đắm trong một thế giới xa lạ dẫn đến rối loạn tâm lý và là hậu quả khôn lường nếu các game thủ mang chính những “kỹ năng” của mình từ trò chơi điện tử áp dụng vào cuộc sống ngoài đời thực”. Cô Uyên dẫn chứng năm ngoái ở Hải Dương, một sinh lớp 12 giết cha, chặt làm ba khúc, phi tang xuống sông để lấy tiền chơi game. Các nhà tâm lý học phân tích nhận thức khi học sinh này thực hiện hành vi là trong trạng thái tâm lý không phân biệt được đâu là thế giới ảo, đời thực và giết cha tàn nhẫn.

Từ cư xử trong cuộc sống

Ông Phạm Ngọc Lưu, Trợ lý thanh niên Phòng Giáo dục quận 9, cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay đang ở mức báo động cấp thiết, đang có nguy cơ nổ bùng và lan rộng. Và sẽ càng nguy hiểm hơn nếu bản thân các em tìm cách tự trả thù theo kiểu “xã hội đen” mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường.

Nguyên nhân của những vụ việc trên có thể do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt, dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường với bạn bè.

Bốn giải pháp cấp thiết xóa bạo lực học đường

Toàn xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội. Nghiêm cấm các game bạo lực.

Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội. Các cơ quan báo chí phải quan tâm thỏa đáng đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức và chấp hành luật pháp của mọi người dân.

Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.

Nhà trường cần phát huy trách nhiệm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh.

Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm nhất ngăn chặn bạo lực học đường.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm