Bạo lực học đường: Vấn nạn toàn cầu

LTS: Hiện tượng nữ sinh đánh nhau và quay clip tại một số tỉnh thành phố đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường tại Việt Nam. Các cơ quan truyền thông trong nước đã có nhiều diễn đàn thảo luận từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ người trong cuộc, các nhà sư phạm, phụ huynh, chuyên gia, người quan sát. Chúng tôi cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin về hiện tượng liên quan từ nhiều quốc gia trên thế giới, bởi đây không phải một hiện tượng nhất thời mà nhiều năm qua nó đã trở thành vấn nạn cả thế giới phải đối mặt.

Bạo lực học đường: Vấn nạn toàn cầu ảnh 1

Bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia

Vấn nạn toàn cầu

Tại Philippines, trung tâm Hỗ trợ bạo lực học đường đã được thành lập ba năm qua và hoạt động như một cơ quan chính phủ. Tình trạng bạo lực học đường ở đất nước này rất đáng báo động. Đặc biệt tại đây các vụ bạo lực có nguyên nhân khá nhiều từ bất đồng tôn giáo của học sinh. Chính vì thế, Chính phủ Philippines đã phải xây dựng cả một chiến lược rộng lớn để giải quyết vấn đề này.

Không chỉ tại các nước đang phát triển, rất nhiều quốc gia phát triển cũng đang phải đau đầu với vấn đề bạo lực học đường. Người đứng đầu cơ quan giáo dục bang Queensland, Úc hồi tháng 7.2009 cho biết tình trạng bạo lực học đường ở nước này đang gia tăng một cách đáng sợ. Riêng trong năm 2008, 55.000 học sinh trong đó gần một nửa là nữ bị đình chỉ học tập vì vấn đề bạo lực. Còn tại miền Nam nước Úc, trong năm 2008 có 175 vụ bạo lực nghiêm trọng đã xảy ra liên quan tới học sinh.

Tình trạng bạo lực học đường tại Anh lại xảy ra tình trạng học sinh có hành vi bạo lực với giáo viên. Một điều tra của chính phủ năm 1989 cho thấy 2% giáo viên tại nước này phải đối mặt với nguy cơ hoặc đã từng bị xâm hại cơ thể. Nhưng tới năm 2007, trong số 6.000 giáo viên đang làm việc tại Anh có 16% giáo viên bị học sinh xâm hại bạo lực.

Tuy nhiên, Mỹ mới là quốc gia báo động đỏ về tình trạng bạo lực học đường. Hàng năm nước Mỹ đều chất đống những vụ học sinh nổ súng trong nhà trường. Theo thống kê của cơ quan quản lý giáo dục nước này, năm 2009 có 12,4% học sinh từng đánh nhau hoặc thậm chí gây thương tích nặng cho người khác tại trường học. Và đáng sợ hơn là 5,9% học sinh có mang theo vũ khí sát thương (như dao, súng…) khi tới trường.

Đặc biệt, tỷ lệ bạo lực liên quan tới nữ sinh ngày càng cao. “Chúng ta không thể cứu đám cháy của một toà cao ốc chỉ với một chậu nước”. Một mặt chính phủ và các nhà hoạt động xã hội cố gắng ngăn ngừa “những cái đầu nóng” giảm bớt trong môi trường học đường. Nhưng mặt khác chúng ta vẫn để những văn hoá phẩm bạo lực và sự tự do sử dụng vũ khí tràn lan. Tình trạng này đúng là “bắt cóc bỏ dĩa”, giám sư Thomas R. Frieden, giám đốc trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ phát biểu.

Chiến lược ngăn ngừa và can thiệp

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) là một cơ quan thuộc bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ. Nhiệm vụ của CDC là thực hiện công tác y tế cộng đồng và an toàn thông qua việc cung cấp thông tin giúp nâng cao sức khoẻ cùng với các bộ trong liên bang và các tổ chức khác. Tuy nhiên, nhiều năm qua, CDC cũng là một trong những cơ quan có nhiều nghiên cứu và hành động trong vấn đề bạo lực học đường tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2007, CDC đã đưa ra hệ thống chiến lược ngăn ngừa và can thiệp với vấn đề bạo lực học đường. Theo đó, các chuyên gia của cơ quan này xây dựng bốn mức độ can thiệp tương ứng với bốn chương trình can thiệp để ngăn chặn tình trạng này. Đó là can thiệp xã hội, cộng đồng trường học, gia đình và can thiệp cá nhân.

Các chiến lược phòng chống từ xã hội nhắm tới việc thay đổi điều kiện văn hoá và xã hội nhằm giảm thiểu sự phát sinh bạo lực. Sự can thiệp ở mức độ này khá rộng từ hạn chế kích thích bạo lực trên các phương tiện truyền thông, phục hồi các quy tắc xã hội và đạo đức tới việc tái dựng các hệ thống giáo dục tích cực. Tuy rộng về hình thức nhưng để sự can thiệp này khả thi đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những hành động mạnh và sâu sắc. Chính vì thế đây được coi là mức độ can thiệp có tính hiệu quả và tính khả thi là thấp nhất.

Cộng đồng trường học là mức độ can thiệp được xây dựng nhằm giảm thiểu những nguy cơ bạo lực tại trường học. Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy, sự giảm bớt của bạo lực và những thái độ tiêu cực ở thanh thiếu niên đặc biệt hiệu quả với những can thiệp tại trường học. CDC đề xuất trường học khuyến khích các kỹ năng quản lý lớp học, hình thức học nhóm và hình thức giám sát chủ động giữa học sinh.


Mức độ can thiệp thứ tư chính là gia đình. Thái độ bạo lực của thanh thiếu niên có thể xuất phát từ chính hoàn cảnh gia đình. Trong trường hợp đó, sẽ không dễ để can thiệp một cách mềm mỏng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi môi trường sống tại gia đình lành mạnh, tích cực và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, ông bà và cháu, anh chị em… tích cực sẽ đảm bảo cho mối quan hệ cá nhân với xã hội không đẩy tới bạo lực.

Tại rất nhiều nước hiện nay, sự can thiệp hiệu quả nhất chính là can thiệp trực tiếp với các học sinh có thái độ gây hấn và hành vi bạo lực. Trường học phối hợp với gia đình và chuyên gia tâm lý có thể xây dựng các chương trình can thiệp nhằm giảm thiểu thái độ xung đột của các em đồng thời giúp các em biết cách hoà đồng và biết lựa chọn những hành vi tích cực thay vì bạo lực.

CDC và nhiều tổ chức xã hội khác như PLAN, SIDA đều thống nhất với hướng quan điểm can thiệp đúng mức độ. Nếu ngay lập tức áp dụng những hình thức giáo dục quá mạnh chắc chắn sẽ gây tác dụng ngược với các đối tượng bạo lực học đường. Chính vì thế cần xác định rõ nguyên nhân, điều kiện tâm lý cũng như hoàn cảnh sống của đối tượng để lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp.

Theo Thanh Minh (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm