Bạo lực gắn liền với tâm lý, lứa tuổi

Cuộc khảo sát về bạo lực học đường do báo Pháp Luật TP.HCM thực hiện (xem số ra ngày 8-4-2010) góp phần khẳng định những giả thuyết về sự biến dạng giá trị đạo đức chuẩn mực đời thường.

Đã có thể đề cập đến sự đứt gãy trong quan hệ giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội. Cũng đã có thể đề cập thẳng thắn đến sự duy ý chí trong thiết kế chương trình giáo dục đạo đức - công dân, bỏ qua những tiến hóa trong nhân sinh quan, thế giới quan thời đại…

Mấy hôm nay, những con số khảo sát khá ấn tượng của báo Pháp Luật TP.HCM về tình hình bạo lực học đường cứ làm tôi ray rứt suy nghĩ. Gần nhà tôi có một cháu nữ ngoan, hiền tuổi teen. Cháu ấy là một học sinh xuất sắc, trong một gia đình gia giáo, đã từng bị bạn bè hiếp đáp. Tôi thăm hỏi để nắm bắt lại suy nghĩ của cháu.

Nhìn lại bằng đôi mắt tuổi học trò

Cháu kể có một ngày cháu ấy nghĩ sao ta không chứng tỏ mình cũng có khả năng áp chế kẻ khác. Thế là bắt đầu một chiều, cháu ra đầu hẻm đón các bạn nhỏ hơn đi học để đánh hoặc hăm dọa. Sau vài lần như thế, các bạn nhỏ tuổi mỗi lần đi qua đầu hẻm phải rụt rè, lén lút để tránh cháu. Cháu cảm thấy mình cũng có quyền uy với người khác, thỏa mãn với những gì mình có và cháu ngưng việc hiếp đáp kẻ yếu thế. Câu chuyện của cháu làm tôi giật mình nhớ lại thuở thiếu thời tôi cũng đã từng bị bạn cùng lớp học yếu hơn tôi, ngồi cạnh tôi trong lớp nhưng to xác hơn tôi hiếp đáp chỉ vì tôi không muốn cho bạn copy bài kiểm tra. Tôi không có cách nào khác phải nhờ người lớn trong gia đình giải quyết với thầy cô giáo, rồi mọi chuyện cũng êm xuôi.

Qua hai câu chuyện của bản thân tôi và cháu gái ấy, tôi cho rằng vấn nạn bạo lực học đường đơn giản chỉ là vấn đề tâm lý lứa tuổi.

Bạo lực gắn liền với tâm lý, lứa tuổi ảnh 1

Nhu cầu tự thể hiện mình

Vấn đề còn lại là người lớn chúng ta làm thế nào để biết xử trí khéo léo với sự thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi mà ông cha ta bảo: “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Đứng về mặt phân tâm học, các tập tính như tư hữu, quyền lực là một cách thể hiện cái tôi của mỗi con người. Người có tài thì dùng tài năng của mình để chứng tỏ cái tôi. Kẻ có sức mạnh cơ bắp thì dùng cơ bắp để chứng minh sự chiếm hữu và quyền lực. Đặc biệt, ở lứa tuổi tư duy chân thật, hay còn gọi là tư duy một bước, chỉ biết ghi nhận sự việc, hiện tượng và bắt chước hoặc mô tả lại để học hỏi, trẻ không biết nói dối. Trẻ chưa nhiễm thói hư tật xấu của cuộc đời.

Khi bước vào lứa tuổi dậy thì, từ tư duy chân thật trẻ chuyển sang tư duy hai bước. Ở lứa tuổi này, trẻ tự dưng phát hiện mình có những sự thay đổi khác mà trước giờ trẻ chưa nghe hoặc được thấy người lớn hướng dẫn như vỡ giọng, mọc lông ở chỗ kín v.v… Tất cả đều mới lạ, trẻ tự khám phá và thấy trước nay trẻ bị sống trong một thế giới bị bưng bít thông tin. Trẻ tự ghi nhận và tự suy diễn đúng sai. Nếu ngay lúc này trẻ có người tâm sự, giải thích và dẫn dắt những quan niệm đạo lý, phương pháp tư duy chuẩn mực, trẻ sẽ thuần và tốt, đi đúng đường. Nếu không, trẻ sẽ tự nâng cái tôi mình lên một mức hơn trước và trẻ muốn chứng tỏ mình.

Càng cô đơn càng muốn quậy

Trẻ nào càng bị cha mẹ và môi trường xã hội xung quanh ít quan tâm thì càng làm những hành động nổi bật để chứng tỏ cái tôi của mình. Những trẻ học kém, gia đình ít quan tâm, thầy cô xem là thành phần phải kèm cặp thì càng ra vẻ ta đây, muốn chứng tỏ mình. Song ở lứa tuổi này, mọi suy diễn để chứng minh bằng hành động của trẻ đều bắt đầu bằng sự tự phát và không có định hướng. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi trong khảo sát của báo Pháp Luật TP.HCM sự ảnh hưởng không tốt từ cha mẹ lên đến 63% (cha mẹ bận rộn, không quan tâm: 46%, cha mẹ nêu gương xấu: 4%, cha mẹ nuông chiều: 9% và cha mẹ tạo chấn thương tâm lý: 4%).

Qua đó, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi ở lứa tuổi bắt đầu chuyển sang tư duy hai bước, không có người lớn định hướng, giải thích thì con số 68% tác nhân bạo lực học đường là do tiếp xúc với văn hóa phẩm xấu (từ kết quả khảo sát các thầy cô giáo) cũng là điều dễ thấy. Ngoài ra, các con số khác cũng trong chiều hướng đồng thuận với nhau khi tình hình gia tăng bạo lực học đường ngày càng tăng.

Quan niệm có nhiều, giáo dục chỉ một

Mỗi thời đại có một nhân sinh quan và thế giới quan khác nhau về cuộc sống. Không thể lấy tư duy thời mở cõi của ông cha đem áp dụng thời bây giờ. Nhưng về mặt giáo dục, dù thời nào cũng không thể khác nhau. Vì giáo dục là mang đến cho trẻ một tư duy độc lập trên nền tảng chân - thiện - mỹ để có những thế hệ minh tuệ về tinh thần và cường tráng về thể chất cho mỗi cá nhân và cho cộng đồng. Nên cái chung và cái riêng của giáo dục không thể thay đổi theo bất kỳ ý chí của một cá nhân nào.

Cuộc sống sôi động từ miếng cơm manh áo đã cuốn trôi tất cả giá trị đạo đức chuẩn mực đời thường. Chính chúng ta, những người được cho là lớn cứ mai một dần và trở thành đứa trẻ nhiều tuổi biết nói dối lúc nào không biết. Chính việc những người lớn nói dối đã làm cho trẻ thất vọng và tha hóa. Đừng bắt trẻ phải sống quá lứa tuổi của chúng với chính gia đình mình, nơi mà luôn ôm ấp chúng không chỉ bằng vật chất mà cả tâm hồn đẹp.

Nếu các nhà quản lý ngành giáo dục và cha mẹ học sinh không thấy được vai trò gia đình và xã hội tác động về tư duy nhiều bước và một bước của trẻ để đưa ra những đổi thay cấp bách cho giáo dục nước nhà, e rằng chúng ta sẽ có những thế hệ tương lai chai sạn trong tình cảm, thực dụng trong cuộc sống và thiếu nhân bản trong xử thế với đời.

Ba bước tư duy

Những nhà giáo dục và tâm lý thế giới đã đúc kết: Lứa tuổi cấp một là lứa tuổi mà trí não trẻ chỉ tư duy một bước: ghi nhận, học hỏi; lứa tuổi cấp hai là tư duy hai bước: ghi nhận và phân tích đúng sai; lứa tuổi cấp ba: tư duy phản biện (còn gọi là tư duy tới hạn, hay tư duy nhiều bước): ghi nhận, phân tích đúng sai và đưa ra giải pháp để giải quyết những sự kiện. Nếu nắm và hiểu được một cách rõ ràng như thế, thiết nghĩ biện pháp giáo dục cho các trẻ không còn khó khăn khi gia đình, nhà trường và xã hội luôn quan tâm và chăm sóc trẻ trong từng giai đoạn phát triển tư duy và hành động.

BS HỒ HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm