Bài diễn văn xúc động trong lễ tốt nghiệp

Tôi hỏi trong các môn học, bé thích môn nào nhất. Cô bé trả lời trước đây là môn sinh học, còn bây giờ bé chưa xác định được. “Tại sao con không còn thích môn sinh học nữa?” - tôi thắc mắc hỏi bé. Thì ra một lần cô bé được gọi trả bài, cô giáo hỏi thêm những câu không có trong tập mà cô đã giảng, bé không trả lời được và trình bày hôm trước bị bệnh không đi học được. “Cô giáo cho điểm thấp rồi bảo con bệnh thì ráng chịu. Từ đó con không còn thích học môn này nữa” - cô bé kể. Bé không đủ lý lẽ giải thích nhưng tôi hiểu không phải bé thất vọng về môn học mà thất vọng về một người mà em đã từng vô cùng tin cậy. Nghe bé kể mà tôi tiếc ngẩn ngơ. Sao cô giáo của bé không nói rằng hôm nay vì con không trả lời được nhiều nên điểm số không cao? Sao cô không bảo con nhớ giữ gìn sức khỏe để luôn học tốt, khi ấy nhất định sẽ đạt kết quả như mong muốn. Chắc hẳn cô giáo ấy không bao giờ biết rằng vì một lời nói lạnh lùng vô cảm của mình nên một đứa trẻ non nớt đã từ bỏ một niềm say mê.

Thế cho nên tôi cảm phục sâu sắc bài diễn văn của TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, trong ngày lễ tốt nghiệp đại học của sinh viên trường mình cách đây vài ngày. Cô không bảo các bạn khi ra đời “phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội, đóng góp tài năng cho đất nước” như những bài diễn văn ai cũng thuộc nằm lòng. Cô không thông báo trường đạt thành tích xuất sắc năm sau luôn cao hơn năm trước, những huân chương, bằng khen hay các giải thưởng mà trường giành được trong thời gian qua. Cô lại dặn dò sinh viên mình về “tư duy không lợi nhuận”, về ý thức cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ người khác không toan tính.

“Quan trọng nhất là anh chị vừa phải có tư duy, năng lực cần thiết để thành công trên thương trường, đồng thời phải có tư duy, năng lực, thói quen, thậm chí là nhu cầu, khát vọng từ sâu thẳm trái tim mình đóng góp xây dựng xã hội”. Đó là lời khuyên cần thiết cho một cuộc đời ý nghĩa khi những bạn trẻ bắt đầu thật sự bước chân vào đời, đối diện với những thành công và thất bại, cả những cám dỗ lạc lối. Rồi cô kể về mối nguy từ Trung Quốc qua tình hình biển Đông, mong mỏi các tân khoa không được thờ ơ với vận mệnh của nước nhà. Để rồi dù cho sau này ai chọn sự nghiệp gì, làm công việc gì đi nữa, tất cả sẽ “luôn thành tâm làm điều gì đó cho quê hương”.

Tôi tin rằng những lời tâm huyết của cô hiệu trưởng về thông điệp đào tạo của trường mình không chỉ nằm ở bài diễn văn tốt nghiệp đại học mà đã xuyên suốt trong chương trình học của sinh viên. Nếu tôi là sinh viên của Trường Hoa Sen, điều tôi thấy mình may mắn và tự hào nhất là vì mình được lớn lên rất nhiều, được định hướng từ những nhà giáo dục có lý tưởng sống cao đẹp và tích cực. Xã hội luôn cần người giỏi chuyên môn nhưng đất nước chỉ có thể phát triển bền vững, con người chỉ có thể hạnh phúc khi người tài lại có thêm tâm. Giúp người trẻ hiểu mình là ai, bản lĩnh nuôi dưỡng những ước mơ của mình, có ý thức chia sẻ với cộng đồng và thèm muốn đóng góp cho xã hội - đó là sứ mạng lớn lao của giáo dục!

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm