Bài 2: Thật giả học bổng trời tây

Một “cò” đang du học ở Mỹ gạ bán chúng tôi một suất học bổng của trường West Texas A&M University với giá 40.000 USD. Nếu chúng tôi mua, sẽ có người quen của “cò” này ở Hà Nội liên hệ trao đổi. Ảnh: V.H
Một “cò” đang du học ở Mỹ gạ bán chúng tôi một suất học bổng của trường West Texas A&M University với giá 40.000 USD. Nếu chúng tôi mua, sẽ có người quen của “cò” này ở Hà Nội liên hệ trao đổi. Ảnh: V.H

Sau cuộc trao đổi khuya ngày 22.7 với “cò” candyweess trên mạng, chiều ngày 23.7, chúng tôi liên hệ với một người tên Sơn, đang làm việc ở một trường đại học của TP.HCM. Đây là người mà “cò” candyweess đã giới thiệu là “chân rết” đại diện cho anh ở TP.HCM để giao dịch mua bán học bổng

40.000 USD/suất học bổng Canada

So với những “cò” khác, ông Sơn có vẻ khá cảnh giác khi nhận được điện thoại hỏi mua học bổng của chúng tôi. “Tôi hiện không có bán, nhưng nếu mua thì để tôi hỏi giúp. Bây giờ, chỉ có học bổng ngoại giao của các hiệp hội chứ diện ngân sách thì khó tìm. Cần gì thì hẹn gặp nhau sẽ tiện hơn”, ông Sơn nói. Khi chúng tôi đề nghị đến trực tiếp cơ quan, ông Sơn từ chối và hẹn ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận).

Chiều ngày 24.7, chúng tôi đến đúng điểm hẹn. Sau khi để chúng tôi “ngồi đồng” hơn một giờ, ông Sơn mới xuất hiện. Khác với thái độ lúc nói chuyện qua điện thoại, ông Sơn rất mạnh miệng khi tiếp thị các suất học bổng: “Hiện tôi có hai suất toàn phần của Canada, thời gian hai năm, giá 40.000 USD/suất. Nếu anh lấy hết tôi bớt 5%, đưa trước 50%. Chừng nào có visa sẽ trả đủ”. Ông Sơn lấy từ túi áo ra một giấy chứng nhận scholarship (học bổng) của trường đại học tên Carleton ở Canada. Ông Sơn cho biết nếu đồng ý mua, ông sẽ làm hợp đồng để chúng tôi an tâm, tuy nhiên hợp đồng sẽ mang nội dung chúng tôi cho ông Sơn mượn một số tiền. Chúng tôi đề nghị bớt thêm, ông Sơn lắc đầu. “Giá đó là quá mềm rồi. Anh đi các công ty du học hỏi thử xem, không trên 50 ngàn tôi biếu không hai suất này”.

Theo giới thiệu của ông Sơn, đây là hai suất học bổng thuộc diện quan hệ ngoại giao của tổ chức phi chính phủ, điều kiện đi học không quá khắt khe như học bổng của bộ Giáo dục và đào tạo xét tuyển nên cơ hội xin được visa là trong tầm tay. “Chỉ cần anh có xác nhận của cơ quan đang làm việc cử đi học, sau đó bên tôi sẽ bồi dưỡng thêm ngoại ngữ. Còn lại giấy tờ này nọ bên tôi lo hết”, ông Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Sơn, nếu chúng tôi đi bằng học bổng này, không những được tiếng mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hiện chi phí du học tự túc ở Canada tối thiểu cũng là 20.000 USD/năm, chưa kể tiền ăn ở, chi xài hằng ngày. Trong khi nếu đi bằng học bổng này, ngoài tiền ăn ở tại ký túc xá được miễn phí, hàng tháng chúng tôi còn nhận được sinh hoạt phí 300 euro. Tính kỹ ra, chúng tôi chỉ tốn 30 ngàn USD để mua suất học bổng này.

“Bẫy” học bổng của công ty du học

Ông Sơn (trái) chào bán giấy chứng nhận học bổng của trường đại học Carleton (Canada). Ảnh: L.H.T
Ông Sơn (trái) chào bán giấy chứng nhận học bổng của trường đại học Carleton (Canada). Ảnh: L.H.T

Để làm rõ hư thực về những suất học bổng các “cò” chào bán, chúng tôi đã liên hệ với một số du học sinh thông qua một diễn đàn trên mạng để nhờ tư vấn đi du học bằng con đường mua học bổng. Hầu hết đều khẳng định chuyện đó không có gì lạ, nhưng lưu ý chúng tôi phải cẩn thận vì hiện thị trường này cũng có lắm “trò mèo”. Một du học sinh ở Singapore còn cung cấp địa chỉ một trung tâm tư vấn du học ở Hà Nội mà mới đây bạn anh đã mua được một suất học bổng ngắn hạn ở Trung Quốc với giá 10.000 USD. “Ở Hà Nội thì đây là nơi uy tín nhất. Giá cả lại rất OK”, du học sinh này cho biết.

Một du học sinh khác đang ở Đức, có nickname thanhphochet, tỏ ra khá am hiểu về “chợ” học bổng ở Việt Nam đã chỉ cho chúng tôi thấy một vài thủ đoạn lừa đảo của các công ty tư vấn du học để cảnh giác. “Họ nói bán một suất học bổng mấy ngàn đô, nhưng thật ra là tiền trọn gói của suất đi tự túc mà họ liên kết với trường bên kia gọi như vậy để lừa đảo thôi.

Có nhiều trường ở châu Âu, như ở Đức chẳng hạn, miễn phí toàn bộ học phí, nhưng mấy công ty du học cứ nói đó là học bổng thì người mua cũng chịu vì biết gì đâu mà nói lại. Khi qua đến nơi, việc đâu đã vào đấy rồi, ai dám làm gì họ nữa!”, thanhphochet giải thích. Cũng theo thanhphochet, có những trường hợp người mua học bổng hoàn toàn có thể tự xin được học bổng bằng khả năng của mình, nhưng vì không biết cách liên hệ trực tiếp nên đã bị công ty môi giới qua mặt xin giùm, sau đó bán lại.

“Họ đánh vô tâm lý thích đi du học bằng học bổng cho sang trọng của nhiều người. Cũng bỏ ra 20 ngàn đô, nhưng nếu tôi nói anh đi tự túc thì anh thấy nó bình thường quá, đúng không? Nhưng nếu tôi kêu giá 30 ngàn đô, rồi bảo đã kiếm được cho anh một học bổng 10 ngàn đô, anh chỉ phải đóng 20 ngàn đô thôi thì anh thích quá chứ gì nữa”, thanhphochet phân tích thêm. Theo hướng dẫn của du học sinh này, khi đi mua học bổng, để tránh bị lừa, phải hỏi rõ tên tổ chức hoặc cá nhân cấp học bổng. Yêu cầu bên bán cho xem công văn hoặc thư chính thức của trường cấp học bổng. Khi làm thủ tục du học phải đòi cho được bản gốc hợp đồng của nhà trường nơi người mua sẽ học. “Nếu họ không xuất trình được những giấy tờ này và trả lời ấm ớ thì tốt nhất anh nên đi tìm mua chỗ khác cho an toàn”, thanhphochet kết luận.

Du học sinh Nga bị nghi ngờ mua học bổng

Trên diễn đàn giáo dục Việt Nam (www.edu.net.vn) cách đây chưa lâu đã xảy ra một “xì-căng-đan” khá nghiêm trọng liên quan đến một số du học sinh Việt Nam ở Nga. Theo tố cáo của một nhóm du học sinh thì đã có một số trường hợp sau khi học hết cấp ba ở Việt Nam, sang Nga du học ự túc nhưng sau đó mua được học bổng và đã chuyển sang diện hiệp định. Các đối tượng này hàng tháng vẫn được nhận học bổng của Chính phủ Việt Nam và của Nga cấp như mọi sinh viên thuộc hiệp định khác được tuyển đi từ các trường đại học ở Việt Nam.

Trả lời cho tố cáo này, một cán bộ của vụ Hợp tác quốc tế (bộ Giáo dục và đào tạo) đã phủ nhận. Tuy nhiên, bà cũng giải thích thêm ngoài học bổng Chính phủ Nga cấp cho Việt Nam do bộ trực tiếp xét duyệt hồ sơ, còn có một số chỉ tiêu được phía Nga cấp trực tiếp cho các tổ chức khoa học xã hội của Việt Nam và Nga. Những học bổng diện này phục vụ quan hệ đối ngoại, hợp tác của các đơn vị đó nên họ tự quản lý, bộ không can thiệp được.

Theo Vĩnh Huy ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm