UNICEF NGHIÊN CỨU VỀ TRẺ EM VIỆT NAM

52% trẻ khuyết tật không được đi học

Hôm qua (31-8), tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố về kết quả tình hình trẻ em tại Việt Nam 2010 sau hai năm tiến hành nghiên cứu (2008-2010).

1/3 trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng

Bà Geetanjali Narayan, Trưởng phòng Kế hoạch và chính sách xã hội của UNICEF, cho biết đây là lần đầu tiên họ nghiên cứu về nhóm đối tượng trẻ em và cảm thấy lo ngại. Đó là một bộ phận trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam tiếp tục sống trong điều kiện chưa được hưởng quyền trẻ em và chưa hòa nhập với xã hội. Tử vong trẻ em dưới một tuổi và trẻ nhỏ đã giảm xuống nhưng tỉ lệ tử vong về các bệnh có liên quan đến đường hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết vẫn cao ở khu vực dân tộc thiểu số, người nghèo và vùng sâu, vùng xa. Cứ ba em bé dưới năm tuổi thì có một em bị suy dinh dưỡng, đây là số liệu khá cao so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đối với trẻ dưới sáu tháng tuổi còn rất thấp (17%).

52% trẻ khuyết tật không được đi học ảnh 1

Trẻ em vùng xa, miền biển có tỉ lệ bỏ học cao. Ảnh minh họa: HTD

Cũng trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện 30% em nam chưa có kiến thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản nhưng đã có đời sống tình dục khá “phong phú”. Lo ngại hơn cả là có khoảng 243.000 người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Tuy nhiên, số thực còn cao hơn rất nhiều bởi nhiều người vẫn ngại khi làm xét nghiệm HIV.

Chi phí cho giáo dục cao

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cho dù Việt Nam luôn đặt vấn đề ưu tiên số một là đầu tư giáo dục, thế nhưng sự cách biệt và bất bình đẳng đang tồn tại. Nếu như hơn 90% học sinh thành phố được đi học (con số khá cao) thì bên cạnh đó vẫn còn 52% trẻ em khuyết tật không được đi học. Mặc dù tiếng Việt là ngôn ngữ chính nhưng phần lớn trẻ em dân tộc thiểu số không nói được tiếng Việt khi bắt đầu đi học trong khi giáo viên lại không thể nói được tiếng dân tộc. Nguyên nhân là thiếu tài liệu giáo dục, giáo viên và cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nhóm trẻ này cũng có tỉ lệ bỏ học và lưu ban cao nhất.

Tại hội thảo, ông Đặng Nam - Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho hay Bộ sẽ tiếp nhận báo cáo phân tích này để đưa vào nội dung “Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2010-2020” và “Chương trình Mục tiêu quốc gia mới về giảm nghèo” để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Trong khi tại nhiều nước học sinh được học miễn phí thì ở Việt Nam, chi phí giáo dục luôn tăng (từ năm 2002 đến 2006 tăng hơn hai lần). Không chỉ dành 30% tổng chi phí cho giáo dục là học phí, các cha mẹ còn phải trả tiếp các khoản như quỹ lớp, đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Khoảng 30% người được hỏi cho biết ít nhất một người con của họ phải bỏ học vì cha mẹ không có khả năng chi trả các khoản phí của trường. Chi nhiều tiền cho con, thế nhưng “rất ít giáo viên có chất lượng”, đặc biệt là giáo viên người dân tộc thiểu số.

Các chuyên gia còn lo ngại về việc sử dụng vũ lực đối với thân thể (chủ yếu là đánh) thường được coi là cách dạy dỗ của cha mẹ dành cho con cái. Vấn đề bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại cũng đang gia tăng với khoảng 15% phụ nữ làm mại dâm dưới 18 tuổi. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ cái nghèo và trình độ học vấn thấp.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm