"20 tuổi có thể tốt nghiệp đại học"

Tại hội thảo "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong môi trường công nghệ thông tin" mới đây, nhiều chuyên gia bày tỏ sự không hài lòng với nền giáo dục hiện tại và kiến nghị nhiều phương pháp đổi mới căn bản, toàn diện. Bài phát biểu của Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng đã thu hút sự chú ý của nhiều người tham dự.

Theo TS Tùng, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới quản lý. Tuy nhiên, để đổi mới một cách đúng đắn phải bắt đầu từ công việc mang tính cơ bản là xem xét và thay đổi Kiến trúc của hệ thống giáo dục đào tạo Việt nam. Nếu thiếu một kiến trúc hợp lý, việc đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục mang tính chắp vá.

Theo ông Tùng, mỗi quốc gia có một cấu trúc, một kiến trúc giáo dục đào tạo mà phần lớn nhìn gần giống nhau, từ nhà trẻ mẫu giáo – tiểu học – trung học – dạy nghề/cao đẳng/đại học. Giáo dục đào tạo Việt Nam sau nhiều thay đổi đang có cấu trúc/kiến trúc chắp vá 1 tiểu – 4 trung – 2 cao – 1 đại.

"1 tiểu" là một hệ tiểu học, "4 trung" là bốn hệ trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, "2 cao" là hai hệ cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp, "1 đại" là một hệ đại học (bao gồm cả đại học và sau đại học). Với cấu trúc này, tuổi để có bằng ở các cấp tương ứng từ phổ thông đến đại học là 18, 21, 22-23 tuổi.

"20 tuổi có thể tốt nghiệp đại học" ảnh 1
Hiệu trưởng ĐH FPT kiến nghị, cần cấu trúc lại nền giáo dục theo kiến trúc với "1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại". Ảnh: Anh Tuấn.

Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng, kiểu kiến trúc mang tính chắp vá này cần phải thay đổi cơ bản để phù hợp với hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia, đảm bảo tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập quốc tế và trao đổi giáo dục quốc tế. Ngoài ra, thay đổi còn nhằm định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm, giải quyết tâm lý xã hội đang đổ xô chen chúc vào cửa đại học, giúp liên thông các cấp học trong nước mềm dẻo, dễ dàng, giảm thời gian vào đời, hướng tới việc học suốt đời và quản lý về mặt nhà nước thuận lợi, không chồng chéo.

Phương án kiến trúc đáp ứng được cả 5 mục tiêu trên được ông Tùng kiến nghị là kiến trúc "1111" thay cho kiểu kiến trúc "1421" với "1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại". "1 tiểu" là một cấp tiểu học, thời gian là 5 năm, "1 trung" là một cấp trung học, thời gian 4 năm. "1 cao" là cao đẳng, thời gian học 3 năm, không phân biệt 2 hệ cao đẳng nghề và cao đẳng “không nghề", "1 đại" là đại học, thời gian học 3-4 năm thay cho 4-5 năm hiện nay.

"Mô hình 9 năm trong hệ thống giáo dục của Anh, được áp dụng rộng rãi tại các nước khối thịnh vượng chung. Học xong 9 năm học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hoá phổ thông", ông Tùng nói.

Hiệu trưởng ĐH FPT nhận xét, việc gộp cao đẳng nghề và cao đẳng “không nghề” đã được nhắc đến trong dự thảo đề án đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, việc không còn trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là một thay đổi quan trọng trong cấu trúc được đề xuất này.

Trung học phổ thông được thay bằng 2 năm “dự bị đại học” (Pre-University) dành cho những ai mong muốn học đại học, 2 năm dự bị này học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường đại học, và cũng để giảm bớt thời lượng học đại học sau này.

Trung học chuyên nghiệp (trung học nghề) được gộp chung và đưa thành giai đoạn đầu (1.5 năm) của Cao đẳng. Học sinh học xong lớp 9 (xong phổ thông) có thể phân luồng học Cao đẳng luôn thay cho hướng học Dự bị đại học. Học xong giai đoạn đầu 1.5 năm của Cao đẳng (trung cấp trước đây) được nhận bằng Cao đẳng (Diploma) và có thể đi làm sớm, học thêm giai đoạn 2 của Cao đẳng (1.5 năm) nhận bằng Cao đẳng Nâng cao (Higher Diploma). Có bằng Cao đẳng Nâng cao có thể học tiếp liên thông đại học (2 năm) nếu muốn hoàn thiện học vấn.

"Đây là mô hình áp dụng ở nhiều nước. Hiện nay Singapore hàng năm đều sang Việt Nam tuyển học sinh học hết lớp 9 sang Singapore học Polytechnic (Cao đẳng) là theo mô hình này. Nếu hiện nay xong lớp 12 mới vào đại học, trượt đại học mới vào cao đẳng thì theo mô hình mới "1111", sau 9 năm có nhánh rẽ cao đẳng", ông Tùng cho hay.

Ông lý giải, việc giảm một năm học đại học nhờ đã có kiến thức trong 2 năm học dự bị đại học. Với sinh viên có bằng cao đẳng bậc cao, thời gian học liên thông đại học là 2 năm bổ sung. Việc đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ không có gì thay đổi.

Liên thông các cấp độ học và các chương trình học được thực hiện theo hình thức “chuyển đổi tín chỉ”,tức là chuyển đổi một số nội dung đã học để bớt đi một vài môn và thời gian học khi chuyển sang chương trình học cao hơn hoặc chương trình khác. Với quan niệm liên thông này, việc liên thông được tiến hành tự do, mềm dẻo giữa các ngành và các cấp học.

Hệ thống trường học sẽ quy hoạch lại để chỉ còn trường Tiểu học, trường Trung học, trường cao đẳng và trường đại học (không tính các trung tâm dạy nghể ngắn hạn). Chương trình học phổ thông được thiết kế lại thành hệ 9 năm. Việc học dự bị đại học được thực hiện tại trường trung học. Với kiến trúc giáo dục hiện tại, sẽ gộp trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thành trường Trung học, gộp trường Trung cấp vào trường Cao đẳng.

"Kiến trúc mới "1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại" đáp ứng được cả 5 mục tiêu nêu trên. Bộ Giáo dục sẽ quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trở xuống. Bộ Đại học quản lý đào tạo sau phổ thông (cao đẳng – đại học)", ông Tùng nhấn mạnh.

Như vậy, với cấu trúc giáo dục mới, tuổi để có bằng phổ thông là 15 (trước đây là 18), tuổi có bằng Cao đẳng/Cao đẳng Nâng cao là 17-18 (trước đây là 21), tuổi có bằng đại học là 20-21 (trước đây là 22-23). Thanh niên sẽ vào đời sớm hơn, phù hợp với tiêu chí sinh học giới trẻ hiện nay. Việc giảm thời gian học ngoài cái lợi là giảm chi phí xã hội còn tăng được thời gian cống hiến của cá nhân, và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ.

Ngoài kiến nghị đổi mới cấu trúc, kiến trúc giáo dục, hiệu trưởng ĐH FPT cũng cho rằng đã đến lúc nước ta xóa vùng trũng tiếng Anh và thực hiện bình dân học vụ 2.0. Hiệu ứng “Vùng trũng tiếng Anh” chính là rào cản lớn trong hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, xuất, nhập khẩu giáo dục của Việt nam, là một thước đo thể hiện mức độ yếu kém của nguồn nhân lực Việt. Chính vì vậy cần thực hiện bình dân học vụ, xem đây là nhiệm vụ giáo dục phổ thông.

"Để đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục chắc chắn phải đưa công nghệ thông tin vào hệ thống giáo dục, đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo, khảo thí", ông Tùng nói và bày tỏ, ông hi vọng những đổi mới lớn lao sẽ diễn trong giáo dục đào tạo thời gian tới, chứ không chỉ đơn thuần là các thay đổi mang tính xử lý tình huống.

Hiệu trưởng ĐH FPT cũng mượn lời một thi sĩ đời Tống để nêu quan điểm: "Trên đời có 3 điều đáng tiếc nhất: những bức danh họa bị mất giá trị vì bị những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng; những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều bởi những bàn tay bất tài dày vò, và những thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một hệ thống giáo dục sai lầm".

Theo Hoàng Thùy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm