Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước: 161 khiếm khuyết phát sinh

Ngày 10-11, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM đã giám sát tiến độ đầu tư và đánh giá hiệu quả công trình Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Nhà máy Bình Hưng) ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây là nhà máy xử lý nước mưa lẫn nước thải đô thị lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên có đến 161 lỗi khiếm khuyết trong thiết kế, thi công ở nhà máy và ở trạm bơm Đồng Diều, nơi bơm nước về nhà máy.

Trạm bơm Đồng Diều (công suất khoảng 200 m3/phút) và Nhà máy Bình Hưng (công suất 141.000 m3/ngày đêm) thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ (giai đoạn một). Hai công trình trên hoàn thành vào cuối năm 2008 và đã chuyển giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP quản lý. Đơn vị được thuê vận hành là Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP (UDC).

Tại buổi làm việc, ông Lê Thọ Đắc, Phó Tổng Giám đốc (UDC), nêu một loạt các lỗi nổi cộm của nhà máy: máy cô đặc bùn ly tâm (một trong những phần quan trọng nhất, quyết định giá thành của các nhà máy xử lý nước thải) không hoạt động được làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền xử lý bùn. Nền đất ở khu vực nhà máy lún không đều, làm đứt cáp điện ngầm, gây mất điện toàn bộ khu vực; nước rò rỉ tại khu vực hầm kỹ thuật công trình ngầm… “Từ tháng 9-2009, nước tại đường hầm rò rỉ nhưng các đơn vị liên quan vẫn chưa khắc phục, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí có lúc nước đã phun thành vòi” - ông Đắc nói. UDC còn chỉ ra các lỗi thiết kế và thi công tại trạm bơm Đồng Diều như thiếu hệ thống thông gió cưỡng ép cho hố bơm, quy trình lọc rác kém, các máy bơm chạy với tốc độ cố định chứ không thay đổi theo lưu lượng nước…

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước: 161 khiếm khuyết phát sinh ảnh 1

Chủ đầu tư khẳng định phần xử lý bùn là công nghệ quan trọng nhưng máy cô đặc bùn vẫn chưa hoạt động, bùn thải đang chất đống tại nhà máy. Ảnh: MP

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước: 161 khiếm khuyết phát sinh ảnh 2

Lún kết cấu ở nhà máy ảnh hưởng đến hoạt động. Ảnh: MP

40 triệu  m3 nước mưa, nước thải từ các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10 được thu gom về Nhà máy Bình Hưng xử lý, không để đổ ra sông Sài Gòn và kênh Tàu Hủ-Bến Nghé. Giai đoạn hai sẽ gom tiếp nước thải từ các quận 4, 6, 8 và một phần quận 10.

Ông Đắc cho biết sau hơn một năm hoạt động, có 161 lỗi đã được phát hiện ở hai công trình này và UDC đã thông báo cho chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP (trước là Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP - PV) cùng các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 40 lỗi nghiêm trọng chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến việc vận hành nhà máy, gây bất lợi cho việc vận hành lâu dài” - ông Đắc nói.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TP, có hai nhóm khiếm khuyết chính ở hai công trình: lún kết cấu xây dựng, ảnh hưởng các công trình ngầm và khiếm khuyết từ thiết bị và quá trình vận hành. Chưa hết, đã chuyển giao công trình cho UDC nhưng nhà thầu vẫn chưa chuyển giao phần mềm quản lý hoạt động của nhà máy.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nói: “Cần đánh giá lại tiến độ, chất lượng công trình để khắc phục”. Phó Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng đề nghị UDC, trung tâm chống ngập theo dõi sát các lỗi phát sinh, yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục nhanh vì thời hạn bảo hành công trình chỉ còn khoảng hơn nửa năm mà thôi.

Nhà máy Bình Hưng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ, giai đoạn một. Riêng dự án Nhà máy Bình Hưng trị giá khoảng 100 triệu USD do liên danh nhà thầu Nitshimatsu-Ebara-Shimizu (Nhật Bản) thi công. Đơn vị tư vấn giám sát là PCI.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm